Long An: Duy trì và nâng cao chất lượng chuẩn phổ cập giáo dục
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án 'Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025', UBND tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp học trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng kết quả đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 3; phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt chuẩn mức độ 2; xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2.
Để đạt kết quả đề ra, Long An tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về lợi ích, vai trò, tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Ngành giáo dục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục. Ngành chủ động, tích cực, có nhiều giải pháp sáng tạo nâng cao tỷ lệ phân luồng học sinh; tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động trải nghiệm thực tiễn, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; tư vấn học tập và tư vấn nghề nghiệp; tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục.
Bên cạnh đó, Long An tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công ty, doanh nghiệp và làng nghề truyền thống trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Tỉnh tiếp nhận học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tiếp tục vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tích cực tuyên truyền, vận động học viên ra lớp học phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Ngành Giáo dục lựa chọn hình thức tổ chức dạy học linh hoạt kết hợp dạy xóa mù chữ với xóa mù công nghệ cho học viên để sử dụng các thiết bị thông minh trong cập nhật kiến thức cơ bản; triển khai chương trình xóa mù chữ mới; xây dựng các học liệu, đồ dùng dạy học trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung bài học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng cải thiện cơ sở vật chất các phòng học cũ để đảm bảo các trường học có đủ phòng học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn; trường, lớp đảm bảo các điều kiện phục vụ cho công tác dạy học phổ thông, dạy phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; rà soát, đề xuất quy hoạch lại hệ thống mạng lưới trường, lớp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, ngành chức năng tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo tham gia dạy phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho giáo viên dạy phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho người khuyết tật.