Long An: Không để xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê khi lũ lên cao

Ngày 14-10, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An dự báo, khoảng 10 ngày giữa tháng 10 mực nước tiếp tục lên, các đợt triều cường tăng cao ở các tháng 10, 11 kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về và mưa nội đồng có thể gây ra tình trạng ngập úng, nhất những khu vực trũng thấp ở vùng Đồng Tháp Mười.

Cụ thể, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An dự báo mực nước cao nhất tại huyện Tân Hưng ngày 20-10 là 2,5m, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 0,23m; mực nước cao nhất tại huyện Vĩnh Hưng ngày 20-10 là 2,4m, cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 0,17m; mực nước cao nhất tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh ngày 20-10 là 1,25m, cao hơn cùng kỳ năm rồi là 0,06m.

Theo ghi nhận tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Tân Thạnh, có hàng ngàn ha lúa Thu Đông có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ. Đặc biệt tại khu vực các kênh thuộc huyện Vĩnh Hưng như: Tên Lửa 1 (có 7 điểm thấp, mặt đê cách mặt nước khoảng 20cm); Rạch Bay (có 8 điểm thấp, mặt đê còn cách mặt nước 20cm); kênh ranh Thạnh Hưng. Chính quyền địa phương đã khẩn trương huy động kobe đắp 15 điểm thấp và đắp các đầu cống để bảo vệ an toàn các ruộng lúa.

 Hàng ngàn ha lúa ở vùng Đồng Tháp Mười có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ

Hàng ngàn ha lúa ở vùng Đồng Tháp Mười có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ

Hiện có hơn 9.300 ha diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh Long An có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ, một số đê điều và hạ tầng giao thông bị đe dọa.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương, tập trung thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian diễn ra lũ, mưa lớn và triều cường tháng 10, 11 sắp tới. Đặc biệt là trường hợp mưa, bão, lũ kết hợp triều cường cộng hưởng với xả lũ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa… để tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả.

 Nhiều diện tích lúa ở Long An có nguy cơ bị ngập úng do lũ dâng cao kết hợp triều cường cộng hưởng với xả lũ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa

Nhiều diện tích lúa ở Long An có nguy cơ bị ngập úng do lũ dâng cao kết hợp triều cường cộng hưởng với xả lũ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An theo dõi diễn biến tình hình mưa lớn, lũ kết hợp triều cường, thông báo kịp thời cho các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và người dân được biết để có biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Sở GTVT tỉnh Long An phối hợp các địa phương chủ động tổ chức triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, các khu vực xung yếu để có phương án bố trí lực lượng trực canh, phân luồng giao thông hợp lý tại các đoạn đường có nguy cơ bị ngập sâu, khu vực ven sông, kênh, rạch, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt.

Ông Nguyễn Minh Lâm yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường tuần tra, kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, bờ bao, các cống đầu mối, trạm bơm tiêu chống ngập trên địa bàn quản lý, triển khai phương án bảo vệ, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi có sự cố xảy ra. Tuyệt đối không để xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê gây ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

 Nước lũ dâng cao ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười

Nước lũ dâng cao ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười

Đối với các huyện vùng Đồng Tháp Mười, ngành chức năng địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, khoanh vùng, xác định cụ thể diện tích sản xuất nằm ngoài các đê bao, bờ bao, khu vực chưa có đê bao bảo vệ hoặc bờ bao chưa khép kín có nguy cơ xảy ra ngập úng để có giải pháp tổ chức sản xuất phù hợp, bảo vệ an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ, ngập úng gây ra.

Khuyến cáo người dân chỉ xuống giống vụ lúa Thu Đông ở những vùng có đê bao, bờ bao bảo vệ đủ cao trình chống lũ; không xuống giống ở những khu vực ngoài đê bao hoặc đê bao có cao trình thấp, đê bao chưa khép kín.

 Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, người dân tháo lũ vào nội đồng để vệ sinh đồng ruộng đối với diện tích đất không sản xuất lúa Thu Đông

Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, người dân tháo lũ vào nội đồng để vệ sinh đồng ruộng đối với diện tích đất không sản xuất lúa Thu Đông

Các huyện Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa… tổ chức rà soát, khoanh vùng diện tích sản xuất vùng chanh, cây ăn trái, cây trồng có giá trị kinh tế cao,… thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát và khẩn trương xử lý, gia cố, nâng cao trình các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu đảm bảo chống lũ cộng hưởng triều cường dâng cao kết hợp Hồ Dầu Tiếng xả tràn lũ.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/long-an-khong-de-xay-ra-su-co-tran-de-vo-de-khi-lu-len-cao-post763544.html