Lòng biết ơn và sự đương nhiên
Di Li đi nhiều, quan sát tinh, và nhạy cảm. Di Li vừa dạy học, vừa viết văn viết báo. Điều đó giúp cho những trang viết của Di Li đa dạng, từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho tới bút ký, tản văn…
Và với cuốn sách mới “Tật xấu người Việt” - tản mạn về tính cách người Việt và văn hóa thị dân do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành, Di Li khiến nhiều người bất ngờ khi không ngần ngại chỉ ra những điểm chưa tốt, chưa hay, thậm chí là những cố tật mang tính di truyền thế hệ.Tất nhiên, bằng cái nhìn đối sánh đa chiều được thể hiện qua một văn phong mềm mại, nữ tính, những câu chuyện phần nhiều đến từ trải nghiệm của tác giả khiến người ta dễ đọc, dễ tiếp cận, dễ chia sẻ… Ví như câu chuyện “Lòng biết ơn và sự đương nhiên” này.Nhà văn Di Li nói, sau cuốn sách này, chị sẽ xuất bản cuốn “Tính tốt của người Việt” cho “cân bằng”. Nhưng cứ bắt đầu bằng những “tật xấu của người Việt” trước đã… (T.H.V).
Tôi có cậu học trò cũ, chỉ vài năm sau khi ra trường đã giữ vị trí quan trọng trong một tờ báo lớn. Thi thoảng có việc nọ kia, tôi vẫn liên lạc để nhờ cậu. Tuy nhiên biết cậu bận rộn nên tôi cũng hạn chế, sự gì bí quá mới gọi điện. Mỗi lần như vậy, thái độ tôi cũng dè dặt vì ngại phiền hà như đối với các nhà báo quen khác. Và khi cậu giúp xong một việc, tôi luôn thể hiện sự biết ơn trân trọng như cách đối với bất kỳ người nào vừa giúp đỡ mình.
Cậu thì trái lại, lúc nào cũng hồ hởi: “Việc có gì đâu cô, có gì cô cứ chỉ đạo em nhá!”, rồi mỗi lần chúc mừng cậu nhân ngày Nhà báo Việt Nam, cậu hay đáp lại: “Nhờ có sự giúp đỡ của cô mà em có được như ngày hôm nay đấy” và cũng không bao giờ quên gửi tin nhắn chúc mừng tôi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Dù vậy, tuyệt nhiên tôi không bao giờ nghĩ đến những việc ngày xưa từng giúp cậu trong quá trình đi dạy, những việc rất nhỏ mà tôi cho rằng đã là người đi trước thì đương nhiên phải làm.
Trong cuộc sống, tôi hay bắt gặp những người bực dọc, mà chủ yếu là bực bội vì thái độ của người khác, bởi lúc nào họ cũng nghĩ họ xứng đáng được nhiều hơn thế, ấy là thay vì lòng biết ơn, họ nghĩ việc người khác làm cho mình là đương nhiên.
Có những người thầy đào tạo ra nhiều lứa học trò, sau này trò thành danh, trở thành nhà khoa học lớn hay nghệ sĩ hàng đầu thì nghĩ mình có việc gì cần nhờ đến trò thì “đương nhiên” trò phải giúp đỡ vô điều kiện, nếu không được thế thì bực dọc cả lên.
Nhiều chuyện thầy trò hục hặc nhau lên cả mặt báo, vì thầy cũng quên mất rằng trò bây giờ đã trở thành “sao”, vị thế được cả vạn người kính nể, cát sê thì cao lồng lộng, chứ không còn là đứa học trò ngu ngơ thuở chân ướt chân ráo mới học nghề để thầy bảo sao nghe vậy.
Trò thì cũng quên tiệt đi chuyện đã từng được thầy giúp đỡ ra sao rồi, mà mặc định đó là sự “đương nhiên”, coi dạy và học là chuyện học phí sòng phẳng, giờ chỉ còn nghĩ thầy nhờ cậy gì cũng không quan tâm đến thị trường chung, trong bụng cho rằng liệu có phải thế là thầy lợi dụng trò. Đôi bên đều coi việc người kia làm cho mình là “đương nhiên” thì bảo sao không ấm ức cả trong lòng lẫn ngoài mặt.
Mọi mâu thuẫn và xung đột trong cuộc sống thường bắt nguồn từ sự “đương nhiên” này, bởi khi người ta đã không trân trọng giá trị của nhau thì làm sao tự thân có thể cảm nhận được lòng biết ơn. Trái lại, người ta sẽ luôn đòi hỏi người khác phải biết ơn mình.
Tôi có một cậu bạn tiểu học, trong cuộc sống lúc nào cũng nghĩ đến chữ “tiền”, cho rằng đời này được tiền chi phối tất cả, ngoài ra mọi thứ chỉ là lý thuyết.
Cậu khẳng định rằng “Phúc đức tại mẫu” chỉ là lý thuyết suông, bởi nhiều bậc cha mẹ lúc sống hoặc khi còn làm việc chỉ toàn là cống hiến, số người giúp đỡ nhiều không đếm xuể và khi về hưu thì chuyện ra sao? - “Tất cả đều quay lưng, ngay cả con cái họ cũng sẽ bị người quay lưng, chẳng ai thèm giúp đỡ nữa”, cậu bảo thế và cho rằng người nào nghĩ rằng làm việc thiện sẽ luôn được đền đáp hoặc “để lại phúc đức” là những kẻ ngây thơ.
Cậu lấy dẫn chứng rằng cha cậu lúc còn đương chức đã từng giúp đỡ rất nhiều người, nhưng khi về hưu, muốn tìm việc cho anh trai cậu mà những người từng được giúp trước đây đều quay đi hết cả, khiến anh trai cậu chịu cảnh thất nghiệp trong thời gian dài. Tôi chỉ mới gặp cha cậu hai lần và hoàn toàn không ở trong câu chuyện này nên khi phản biện chỉ đưa ra bốn giả thiết để cậu xem việc nhà mình phù hợp với tình huống nào.
Thứ nhất, là cha cậu quả thực đã từng giúp đỡ rất nhiều người, nhưng liệu có phải lời nói của ông có ít nhiều khắc nghiệt. Tôi từng biết nhiều người, hành động thì tốt nhưng giao tiếp thì ác khẩu, khiến bao nhiêu cái tốt bay đi hết cả. Nếu mình giúp người mà mặc nhiên nghĩ rằng dẫu mình khiến người ta tổn thương cách nào họ cũng phải “đương nhiên” chấp nhận thì ấy đã là một sai lầm.
Thứ hai, là những người mà cha cậu gặp thực không may lại “hữu danh vô thực”, có chức vụ trên danh thiếp mà quyền quyết định thì không, nên nếu mình giúp người mà ngày nào đó mặc nhiên coi họ phải giúp lại mình bất chấp họ có khả năng hay không cũng lại là một sai lầm khác.
Thứ ba, có thể chăng anh trai cậu không hề phù hợp với công việc mà cha cậu nhắm đến, khiến người được nhờ cậy cũng khổ sở không biết làm cách nào. Trong làng báo vẫn lưu truyền một giai thoại chả biết có thực hay không rằng có ông Tổng Biên tập nọ vì tình nghĩa mà nhận con trai một nhà văn nổi tiếng vào làm việc, được một tháng thì ông cực chẳng đã phải gọi điện cho bạn lưu niên: “Ông bạn ơi, hay là hàng tháng tôi vẫn cứ trả lương cho cậu ấy nhưng ông bảo cậu ấy ở nhà thôi không phải đến cơ quan nữa có được không?”.
Thứ tư, đúng là nhân gian vẫn luôn tồn tại những câu chuyện “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán”, nhưng liệu cha cậu đã tìm đến tất cả những người mình đã từng giúp đỡ chưa hay chỉ mới gặp vài ba người mà đã vội đưa ra kết luận. Bởi đôi khi xác suất vẫn tạo nên những tình cờ định mệnh nghiệt ngã vậy.
Nhiều người về hưu hoặc thất cơ lỡ vận mà mải bất mãn nhân tình thế thái, cứ nghĩ mình giúp người thì “đương nhiên” người phải giúp mình, đặc biệt là phải giúp ngay khi mình mong muốn và phải theo cách mà mình muốn. Ấy đương nhiên là sai lầm lớn vậy.
Người luôn cảm thấy biết ơn và quên đi cái ơn mình làm cho người khác là những người có chỉ số hạnh phúc rất cao bởi trong lòng họ luôn tràn ngập cảm giác được nhận, dù kỳ thực là họ đang cho đi. Chẳng phải giống như khi ta đang ăn mà lòng cảm thấy biết ơn vô bờ đối với người đã làm ra lúa gạo, với người nấu bữa cơm ngon lành cho mình ăn, thậm chí biết ơn cả Đất Mẹ đã kiến tạo nên những tinh túy đất trời đang hiện diện trong lòng bát đây thì sẽ cảm thấy bữa ăn ngon hơn hay sao. Còn khi ăn mà nghĩ ta đương nhiên được hưởng những thứ này, thì trong lòng thậm chí còn hậm hực đòi hỏi: Sao hôm nay cơm lại hơi nát thế này? Sao nước chấm lại không hợp vị như thương hiệu lần trước? Sao… Sao… Sao? Rút cục nhai gì trong miệng cũng không còn thấy ngon nữa.
Ngay cả vợ chồng sống với nhau cũng vậy, những cặp đôi luôn không hài lòng về nhau ấy là vì trong lòng họ chẳng hề có chút biết ơn nào cả, mà chỉ tràn ngập cảm giác “đương nhiên” đi kèm với đòi hỏi.
Có lần tôi thấy một nghệ sĩ lớn buột miệng: “Đến giờ này mình mới biết, hóa ra, ra đời mình là kẻ vĩ đại nhưng về nhà vợ mình chẳng coi mình là cái gì cả”. Anh ta nói câu ấy là tôi hiểu, anh ta luôn bước chân vào nhà với tư cách của một người nổi tiếng, trong khi vợ anh ta chỉ thấy vỏn vẹn một ông chồng như mọi ông hàng xóm, cũng mặc quần xà lỏn, áo phông cháo lòng, ngậm tăm xỉa răng, thường chậm đưa tiền, thiếu ga lăng và hay càu nhàu.
Trong khi lẽ ra họ phải nghĩ ngược lại. Cô vợ ấy cần thấy biết ơn vì mình đang sở hữu một người đàn ông danh tiếng, tài năng, người đã bỏ qua bao nhiêu cô gái khác để cầu hôn mình và ứng xử với chồng bằng lòng ngưỡng mộ thay vì coi sự có mặt của chồng là đương nhiên, thậm chí còn luôn truyền đi những thông điệp không lời và có lời để nhắc nhở cho anh ta biết rằng ở nhà anh ta chẳng là cái gì hết, chỉ là một ông chồng hậu đậu khiến vợ phải hầu hạ và hay ba hoa bốc phét.
Còn người chồng, thay vì bước qua cửa nhà bằng dáng điệu của một ngôi sao đương nhiên chờ đợi tung hoa thì lẽ ra chỉ nên coi mình là một người chồng may mắn vì được vợ tặng cho những đứa con xinh đẹp, vì có sự hậu thuẫn ngần ấy năm bằng sự hy sinh của người vợ trong khi cô ấy lẽ ra xứng đáng được hưởng nhiều hơn thế, và hãy gửi đi những thông điệp biết ơn hàng ngày tới người bạn đời của mình. Hai sự biết ơn cộng lại sẽ tạo nên hạnh phúc bền bỉ không gì phá vỡ nổi.
Mọi mối quan hệ trên đời, dù là đồng nghiệp, bạn bè, chồng vợ, cha mẹ với con cái, thầy với trò, người quản lý và nhân viên cấp dưới… có lâu dài và bền chặt hay không chính là nhờ cảm giác biết ơn luôn tồn tại song phương này. Còn nếu trong lòng, dù chỉ là một trong hai phía, nghĩ những hành động của người kia, thậm chí sự tồn tại của người kia là đương nhiên thì trước sau gì đôi bên cũng sẽ bất mãn vậy.
Lại nhớ có lần tôi tình cờ gặp cô vợ của cậu học trò nọ. Cô gái dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt xinh đẹp, khi nhắc đến cậu đều ca ngợi hết lời về tính cách, bằng một sự ngưỡng mộ, thán phục và biết ơn rõ rệt.
Cô bảo: “Em chưa từng thấy anh ấy nói những lời không hay về bất kỳ ai kể từ ngày em quen anh”. Tôi bình luận với cô rằng từ ngày biết cậu, trông cậu lúc nào cũng tươi, nụ cười thường trực trên môi. Với đôi vợ chồng tươi tắn ấy, tôi biết chỉ số hạnh phúc của họ rất cao, vì trong lòng họ lúc nào cũng ngập tràn cảm giác biết ơn, biết ơn nhau, biết ơn người và biết ơn đời.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/long-biet-on-va-su-duong-nhien-10268238.html