Lồng ghép các nguồn lực, giảm nghèo hiệu quả

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) đã lồng ghép hiệu quả các nguồn lực giúp người dân tiếp cận vốn, tư liệu sản xuất để phát triển kinh tế. Số hộ nghèo giảm hằng năm, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Giúp hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi

Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hương Lâm luôn chú trọng triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về chính sách giảm nghèo bền vững; khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân.

 Anh Ngô Văn Minh, thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi.

Anh Ngô Văn Minh, thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi.

Theo đó, xã tập trung tuyên truyền, phổ biến về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; giới thiệu gương điển hình và mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn thông qua hội nghị, trang thông tin điện tử và mạng xã hội facebook, zalo. Hằng năm, xã tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo trong đó xác định rõ nguyên nhân và tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp. Qua rà soát, xác định nhiều người dân thiếu vốn để phát triển sản xuất, xã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đứng ra tín chấp và ủy thác giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.

Tại Hương Lâm, hiện 4 tổ chức là: Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đang quản lý 18 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ hơn 53,3 tỷ đồng giúp cho gần 900 hội viên, đoàn viên vay phát triển kinh tế. Chị Hoàng Bích Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, ban quản lý thôn tổ chức tuyên truyền để người dân biết đến chính sách vốn vay ưu đãi của Nhà nước; trên cơ sở đó rà soát những hộ khó khăn, nắm bắt nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện Hội LHPN xã đang quản lý 7 tổ vay vốn, dư nợ hơn 22,8 tỷ đồng”.

Nhờ những nguồn hỗ trợ và sự nỗ lực, ý chí thoát nghèo mà cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Đến thăm mô hình sản xuất của vợ chồng anh Ngô Văn Minh, thôn Hạc Lâm, ít ai nghĩ gia đình anh từng thuộc diện cận nghèo. Được biết, cách đây vài năm, vợ chồng anh ở riêng và bắt đầu với nghề mộc. Do thiếu vốn nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Thông qua tổ vay vốn của thôn, anh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Với 90 triệu đồng, anh đầu tư mua máy cưa, bào gỗ để sản xuất. Hiện xưởng mộc chuyên sản xuất đồ gia dụng như bàn, ghế, cửa, cầu thang và xuất bán đi các tỉnh, thành phố lân cận. Tại đây có 2 lao động thường xuyên làm việc. “Lúc khó khăn, thiếu vốn, tôi được địa phương hướng dẫn vay với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy mà việc làm ăn phát triển, kinh tế dần khá lên. Năm 2023 tôi đã thoát nghèo”, anh Minh cho biết.

 Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã Hương Lâm được tiếp cận vốn vay, có nghề mới.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã Hương Lâm được tiếp cận vốn vay, có nghề mới.

Đa dạng phương thức hỗ trợ

Cùng với tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn, xã Hương Lâm còn tranh thủ lồng ghép các nguồn lực để giảm nghèo bền vững như: Hỗ trợ giống vật nuôi; đào tạo nghề; giới thiệu việc làm. Vừa qua, UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Phương Nam mở lớp đào tạo nghề chăn nuôi, thú y và trồng trọt cho 70 học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua lớp học, bà con được trang bị kiến thức chăn nuôi, tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Ông Nguyễn Văn Đài ở thôn Nga Trại là hộ nghèo được tham gia lớp tập huấn nghề vừa qua. Ông Đài cho hay, gia đình thường xuyên nuôi gà nhưng chủ yếu vẫn theo cách truyền thống. Qua các buổi học, ông biết thêm về quy trình xây dựng và vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phòng, trị một số bệnh thường gặp ở gà. Kết thúc khóa học, thời gian tới ông sẽ nghiên cứu mở rộng chuồng trại, tăng đàn.

Xã Hương Lâm có hơn 3 nghìn hộ với 15,9 nghìn nhân khẩu sinh sống ở 8 thôn. Địa bàn giáp ranh với huyện Yên Phong (Bắc Ninh), Sóc Sơn (Hà Nội). Trên địa bàn xã có KCN Hòa Phú và 2 cụm công nghiệp đang hoạt động. Để nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã tích cực kết nối, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương. Ngoài ra, mỗi tổ chức chính trị - xã hội còn triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế; xây, sửa nhà ở cho hội viên hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ triển khai các giải pháp phù hợp, công tác giảm nghèo ở xã Hương Lâm đã đạt được kết quả nổi bật. Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn xã còn 1,76% hộ nghèo; hộ cận nghèo còn 4,02%; tỷ lệ giảm hằng năm đạt mục tiêu đề ra. Để hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, ông Đồng Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Giảm nghèo xã cho biết: “Xã tiếp tục lồng ghép các nguồn lực để đầu tư, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Tranh thủ nguồn vốn vay từ ngân hàng và vốn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia để giúp các hộ nghèo tiếp cận, tăng cường nguồn lực đầu tư sản xuất. Thường xuyên nắm tình hình đời sống người dân; tìm hiểu kỹ từng hoàn cảnh để có phương thức hỗ trợ phù hợp; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong công tác giảm nghèo”.

Bài, ảnh: Nhật Tiến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/long-ghep-cac-nguon-luc-giam-ngheo-hieu-qua-090147.bbg