Lòng hiếu thảo

'Mẹ ơi, sau này lớn lên, con sẽ chăm sóc ba mẹ cả đời'. Cô con gái lên 8 chạy đến vòng tay ôm lấy chị thủ thỉ. Chị xúc động nhưng cũng không khỏi tò mò. Giọng con trong trẻo: 'Ba mẹ đã có công sinh ra con; nuôi nấng, dạy dỗ con nên người thì con phải đền đáp công ơn của ba mẹ. Ở trường, cô giáo con dạy thế, ông bà cũng nói với con như vậy'. Chị nhìn con trìu mến, đặt lên trán con nụ hôn yêu thương.

Lòng hiếu thảo là một trong những phẩm chất đạo đức cần thiết để đánh giá nhân cách con người. Lòng hiếu thảo thể hiện ở suy nghĩ, cử chỉ, lời nói, đặc biệt là việc làm, hành động cụ thể cho thấy sự tôn trọng, tử tế, đúng mực; không toan tính, vụ lợi, so đo. Đó là sự yêu thương, chăm sóc, đối xử chân thành, tử tế của mỗi người với ông bà, cha mẹ, những người đã có công sinh thành, dạy dỗ con cháu nên người, đặc biệt là khi họ đã già cả, cần được quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng. Hiếu thảo còn được hiểu rộng ra là tấm lòng biết ơn thầy cô, những anh hùng liệt sĩ, thế hệ cha anh đi trước...

Lòng hiếu thảo góp phần kết nối bền chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tập thể với nhau. Cha mẹ yêu thương con cái. Con cái có trách nhiệm phụng dưỡng, quan tâm, chia sẻ với ông bà, cha mẹ bằng tấm lòng tự nguyện, chân thành; hiểu được tâm lý của đấng sinh thành để tôn trọng, cảm thông, thay vì chấp nhặt, toan tính, hơn thua… Đây mới chính là đạo hiếu.

Người sống hiếu thảo sẽ luôn được yêu mến, kính trọng. Họ là tấm gương sáng để mọi người soi mình, noi theo hoặc tự sửa mình. Người có lòng hiếu thảo luôn sống hạnh phúc và ý nghĩa. Tôi chợt nhớ đến người bạn của mình. Lập nghiệp xa nhà, cuối tuần nào chị cũng gọi về cho ba mẹ ở quê để hỏi han, trò chuyện. Chị kể, sắp tới được nghỉ phép và sẽ về quê thăm nhà 1 tuần và không quên hỏi ba mẹ thích quà gì để mua tặng. Mẹ chị cười vui vẻ: “Lòng hiếu thảo của con chính là món quà quý nhất ba mẹ được nhận rồi”. Nghe mẹ nói như thế, chị vui nhiều lắm.

Có thể thấy, lòng hiếu thảo giúp mỗi người có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, từ đó tạo niềm tin vào những điều tốt đẹp, đẩy lùi lối sống ích kỷ, vô ơn, tạo nền tảng cho một xã hội nhân văn, tiến bộ. Lòng hiếu thảo còn là sự biết ơn, tri ân những đóng góp của con người ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống vì những công lao, đóng góp của họ cho tập thể, xã hội góp phần đưa đất nước ngày càng thịnh vượng, tươi đẹp. Ngày nay, lòng hiếu thảo vẫn được xem như một nếp sống chuẩn mực, thước đo cho nhân cách cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Dù vậy, trong xã hội hiện nay, vẫn còn những kẻ bất hiếu, ngỗ ngược với cha mẹ mình. Đó là những kẻ ích kỷ, suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, lúc nào cũng chỉ biết than thân, cho mình là thiệt thòi; thường đổ lỗi cho số phận, cho gia đình khiến họ không có được điều họ mong muốn. Đó còn là những người vì cuộc sống mưu sinh vất vả, vì chạy theo mưu cầu lợi danh mà quên đi bổn phận của đạo làm con trong gia đình; trách nhiệm với xã hội, đất nước.

Thiết nghĩ, lòng hiếu thảo là nét đẹp truyền thống và cao quý cần phải trân trọng, giữ gìn. Đó không chỉ là đạo làm người cần phải có mà còn là thước đo giá trị, giúp mỗi người hướng đến những điều nhân văn, tốt đẹp trong cuộc sống.

XANH NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202208/long-hieu-thao-5786898/