Lòng mẹ lắng lại để chấp nhận nỗi đau mất con

Những người mẹ bị mất con trong nhiều tình cảnh khác nhau, hầu hết đều có tâm trạng lùi vào trong vỏ bọc yên tĩnh để gặm nhấm bi kịch. Nỗi đau không bao giờ đi qua, chỉ là theo thời gian, lòng người mẹ lắng lại để chấp nhận sống cùng sự mất mát.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Lá xanh" rụng trước "lá vàng"

Chị Thanh Thủy, ngụ tại Hà Nội, luôn đau đáu câu "lá vàng còn ở trên cây". Con gái chị, Ngọc Ly, mới gần 30 tuổi đã ra đi ngay trước mắt chị, tại nhà vào một buổi sáng định mệnh.

Ngọc Ly là cô gái xinh đẹp và học giỏi. Trong các di ảnh, Ly luôn duyên dáng với váy áo thướt tha. Sinh thời, Ly chọn môn ngoại ngữ ít sinh viên chọn lựa, đó là tiếng Ả Rập. Vẻ đẹp mỏng manh, trong sáng của Ngọc Ly đã cuốn hút nhiều chàng trai, trong đó có một anh chàng đã chiến thắng. Ly cưới chồng và sinh được cô con gái cũng xinh xắn hệt như mẹ.

Nhưng Ly bị bệnh tim, cô đã từng trải qua cuộc đại phẫu lồng ngực để duy trì sự sống. Chính vì vậy, những suy nghĩ, lo lắng và đau khổ của Ly trong cuộc sống hôn nhân đã là tác nhân khiến căn bệnh ào lên chiếm lĩnh.

Ngày định mệnh ấy, Ly mang con gái trở về nhà mẹ đẻ và khóc nhiều. Cô nói: "Mẹ ơi, mẹ đẻ con ra làm gì cho khổ!", khiến chị Thanh Thủy cảm thấy nghẹn ngào vô cùng. Ngồi nói chuyện một chút với mẹ vào đầu giờ sáng thì Ly kêu lạnh và chuyển sang giường bên cạnh ngồi để tránh gió quạt.

Các câu chuyện của Ly và mẹ xoay quanh con cái và người yêu cũ. Rồi Ly uống hết nửa cốc thuốc và đứng lên đi vệ sinh. Vừa được 1 bước thì Ly ngã ngay dưới chân mẹ, điện thoại văng khỏi tay. Ly giang tay ra, miệng nói: "Con làm sao … ơ … con làm sao…". Vừa lúc đó thì bố Ly vào tới nhà.

Tưởng con bị trúng gió nên người mẹ lấy dầu tràm xoa vào tay con. Còn bố thì bước tới giường, ấn ngực hô hấp cho Ly mà lúc đó cả 2 phụ huynh đều bấn loạn, quên đi rằng, dọc theo giữa ngực Ly là 6 ghim sắt nẹp ghim ngực lúc phẫu thuật. Chỉ được một lúc là Ly gồng cứng đơ tay, da mặt trắng bệch.

Thời khắc đưa con đi cấp cứu, chị Thanh Thủy nói rằng thực sự là con gái chị đã chết lâm sàng… "Cái chết của con gái luôn khiến tôi đau đáu nỗi xót thương. Hình ảnh Ly ngã dưới chân tôi, dưới chân con nhỏ đang ngủ, đã hằn sâu trong tâm khảm của tôi. Con ra đi mang theo tất cả niềm vui và hạnh phúc của tôi", chị Thanh Thủy tâm sự.

Những tháng năm sau đó, chị đã cất tất cả quần áo đẹp không mặc nữa, không dạo chơi, không đi ăn đi uống, không chụp ảnh. Tội nhất là cháu bé mồ côi mẹ khi còn quá nhỏ, mẹ mất khi cháu mới 50 ngày tuổi…

Chị Thanh Thủy kể: "Mỗi khi vào Facebook của con, tôi nhìn thấy các bạn học của con gái trưởng thành từng ngày, lại nhớ nhung, thương tiếc, xót xa, ân hận, lòng như đứt từng khúc ruột.

Nhưng rồi tôi vẫn phải trở về cuộc sống thực tại với nhiều công việc phải lo, phải làm và không thể trốn tránh mãi được. Nỗi đau mất con chưa bao giờ nhạt nhòa, chỉ là tôi tạm cất giấu vào lòng. Đêm về lại đem ra thổn thức với riêng mình".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự dằn vặt của mẹ

Chị Vũ Thị Minh Nguyệt, ngụ tại Phú Thọ, kết hôn với người chồng đầu năm 2005, nhưng cuộc hôn nhân của chị đã sớm chấm dứt khi chồng chị thay lòng đổi dạ. "Gia đình em nghèo quá nên ban đầu vợ chồng em bàn bạc để chồng đi sang Hàn Quốc lao động, kiếm chút vốn về xoay xở làm ăn.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn khi đi làm các thủ tục, anh ấy đã có cơ hội gặp gỡ và lún sâu vào mối quan hệ bất chính với người phụ nữ khác, nên em đành buông tay…", Nguyệt kể câu chuyện của đời mình.

Đúng 10 năm tính từ khi làm đám cưới, Nguyệt và chồng mới xong thủ tục ly hôn. Trong 10 năm đó, cặp đôi rất ít khi liên lạc với nhau, con gái của 2 người hoàn toàn không được gặp cha.

Có lần, Nguyệt đưa bé Khánh An đi mua giày ở thành phố Việt Trì, bất ngờ gặp chồng cũng đưa một cô gái vào trong cửa hàng đó mua đồ. Hóa ra anh ta về nước nhưng không về nhà thăm con gái.

Nhìn thấy vợ cũ và con gái, người đàn ông đã vội vàng ra khỏi cửa hàng, hoàn toàn không có bất cứ lời hỏi thăm gì với vợ con sau nhiều năm không gặp mặt.

Vài năm sau, được người quen giới thiệu, Nguyệt kết duyên lần nữa. Cô theo chồng xuống Hà Nội ở, sinh cậu con trai kháu khỉnh. Con gái Khánh An được ông bà ngoại chăm sóc, lớn dần và trưởng thành.

Khánh An ngày càng xinh đẹp và ngoan ngoãn. Nguyệt tuần nào cũng đi từ Hà Nội lên Việt Trì để thăm con. Ngày nghỉ, cô đưa con gái xuống Hà Nội chơi. Người chồng sau của Nguyệt rất hiền lành và hiểu chuyện. Anh đã chăm sóc con gái riêng của vợ hệt như con đẻ của mình.

Vào một ngày cuối năm 2022, Nguyệt bất ngờ nhận được cú điện thoại từ cô giáo chủ nhiệm của Khánh An. Cô chỉ nói vắn tắt, Khánh An bị tai nạn ngã cầu thang ở trường, giờ đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Bệnh viện cũng ngay gần trường học, chỉ mất vài phút chạy xe. Tới nơi, Nguyệt mới biết chuyện Khánh An đã trèo ra ban công để lấy dép cho bạn. Tuy nhiên, mái che bằng nhựa này đã sụp xuống khiến thiếu nữ rơi xuống phía dưới. Cô bé bị chấn thương sọ não nặng.

Đêm đó, Nguyệt và ông xã thức trắng bên con gái. Cô được bác sĩ khuyên nên đưa con về nhà để lo hậu sự. Con gái ra đi khi tuổi thanh xuân ngập tràn phía trước, mang theo tất cả niềm vui của Nguyệt.

Làm sao vượt qua được nỗi đau lớn như thế? Nguyệt đã nói câu như vậy với chúng tôi, khi cô ngồi chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình. Làm sao người mẹ vượt qua được nỗi đau?

"Thực ra em chưa bao giờ vượt được qua, chưa khi nào quên con gái và ngày định mệnh đã mang con đi. Em vẫn chưa ngừng khóc mỗi khi nhớ lại. Em đã nhiều ngày bò quanh giường mà nức nở với tâm trạng khổ đau chưa từng có.

Có những lần chạy xe dưới trời mưa to, em gào thét tên con trong vô vọng, nước mưa, nước mắt trộn lẫn. Em luôn hỏi tại sao tai họa lại ập xuống khi mọi việc đang yên bình như thế. Em vẫn làm việc mỗi ngày nhưng suốt tháng ngày qua là chuỗi ngày nhớ con đến điên cuồng. Mà em lại chẳng thể làm gì được nữa cả …", Nguyệt kể trong nước mắt.

Cô đã học cách chấp nhận và đồng hành cùng nỗi đau mất con, chậm chậm và từ từ theo thời gian. Nguyệt đã từng dày vò bản thân, nghĩ rằng nếu như mình không đi bước nữa, thì chắc gì Khánh An đã phải chịu thiệt thòi như vậy.

Nhưng không ai có thể quay trở lại được những tháng ngày đã qua. Dù thế nào thì mọi sự đã xảy ra rồi. Nguyệt nói, giờ cô cố gắng sống tốt nhất có thể, dành thời gian chăm sóc 2 con, để nơi xa ấy, Khánh An được bình yên.

Phút giây định mệnh

Sương Nguyễn, người phụ nữ Việt Nam đang định cư tại Mỹ vẫn thảng thốt khi nhớ lại thời khắc mang cậu con trai của cô ra đi vĩnh viễn.

Sương Nguyễn kể, vợ chồng cô và con gái lớn từ Việt Nam sang định cư tại Mỹ vài năm trước khi dịch Covid-19 tới, còn cậu con trai nhỏ thì qua trễ hơn cả nhà 2 năm. Mấy năm xa cách vì dịch bệnh, cả gia đình đoàn tụ vô cùng vui mừng.

"Bữa đó, 3 mẹ con chúng tôi đạp xe đi dạo xung quanh nhà và trở về nhà để chuẩn bị bữa tối. Tôi nói, bữa nay con ngoan nên mẹ thưởng cho con món con thích. Con vui lắm, háo hức ra mặt, ngồi chờ mẹ làm món cá viên chiên.

Khi vừa chiên món chả cá xong, tôi đặt đĩa chả cá lên bàn, con gái và con trai tôi đang chờ sẵn. Các con bắt đầu ăn, còn tôi quay lại bếp rửa chén bát. Khi tôi đang loay hoay trong bếp thì thấy con chới với 2 tay, chạy tới kế bên cầu cứu.

Nhìn con, tôi biết ngay là con mắc nghẹn, nên tìm mọi cách để đẩy cục chả cá ra khỏi họng của con. Tôi kêu chồng tới giúp, đồng thời lập tức gọi cấp cứu", chị Sương Nguyễn kể lại.

Chỉ vài phút sau, xe cấp cứu có mặt. Nhưng, dù đã làm mọi cách thì khi tới bệnh viện, các bác sĩ nói rằng bé trai đã bị thiếu oxy hơn 4 phút nên đã gần như chết não. Nghe hung tin, người mẹ đứng mà không còn chút cảm giác nào xung quanh.

Chỉ còn 2 ngày nữa là bé sẽ tròn 6 tuổi. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu tình yêu thương, bao nhiêu là bao nhiêu… Quà sinh nhật dành cho con, mọi người đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Trời ơi…

Chị Sương Nguyễn tâm sự: "Ngày con mất, tôi ôm con, nhìn vào khuôn mặt khôi ngô và ngoan ngoãn của con mà không còn chút lý trí và cảm xúc nào cả. Kỳ lạ thay, tôi không khóc một tiếng nào. Bởi vì tôi vẫn không thể tin vào sự thật đang hiển hiện ở trước mắt tôi".

Sự thật là gì, người mẹ chưa thể gọi tên được, đối mặt được. Chị chỉ nghĩ đang mơ, trong một giấc mơ dữ dội và tan nát. Trong tháng ngày đau đớn ấy, người mẹ này chỉ muốn tìm tới cái chết.

Nỗi buồn. Nỗi đau đớn. Nỗi thống khổ của bà mẹ này trong hoàn cảnh như thế, không từ ngữ nào diễn tả nổi. Và trong suy nghĩ của chị Sương Nguyễn, làm sao để vợ chồng chị có em bé khác thật nhanh, như một cách để tạo điều kiện cho con trai "quay về".

Thật trùng hợp, vào 49 ngày sau ngày con trai mất, chị Sương Nguyễn được biết chị đã mang thai. Chị vin vào niềm tin cá nhân này, để sống với suy nghĩ, con trai chị chưa bao giờ mất đi, bé chỉ đi chơi ở đâu đó rồi lại trở về cùng ba mẹ.

Và nỗi đau đi song hành cùng niềm hy vọng, để người mẹ có chút bấu víu, sống tiếp cuộc đời dài phía trước…

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/long-me-lang-lai-de-chap-nhan-noi-dau-mat-con-20241021175022019.htm