Lớp học của nữ diễn viên trong bệnh viện tâm thần
Học viên của lớp học đặc biệt này là những bệnh nhân nội trú của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.
8h sáng, trong căn phòng rộng, cô giáo Nguyễn Thị Ái Toàn (43 tuổi) ngồi xếp bằng trên tấm thảm nhỏ. Cô ngồi gần như bất động. Gương mặt của cô hiền lành phúc hậu. Một phụ nữ bước vào, lặng lẽ tìm tấm thảm trải xuống đất ngồi đối diện với cô. Rồi tiếp theo vài người nữa cho đến khi căn phòng trở nên chật chội. Cô giáo nở nụ cười. Buổi tập bắt đầu.
Buổi tập Yoga cho bệnh nhân tâm thần
Hình ảnh trên chúng tôi ghi nhận được tại phòng tập của khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 trên đường Nguyễn Ái Quốc (P. Tân Phong, TP Biên Hòa, Đồng Nai).
Trước mặt chị Toàn bây giờ đã đông đủ học viên. Già có, trẻ có. Nam có nữ có. Mặc trang phục bệnh viện, các bệnh nhân ngồi theo hàng ngay ngắn và trật tự. Trên gương mặt họ, người vui có người buồn cũng lắm. Trong nỗi vui buồn đó, họ đều có chung một nét ngây ngô đến ngờ nghệch...
'Hít vào thật sâu' - cô Toàn hô to. Các học viên cố hít cho sâu rồi dừng lại và thở ra từ từ khi tiếng hô của cô vang lên.
Tiếp theo đó, cả lớp ngồi xếp bằng trên tấm thảm. Hai tay ngửa ra đặt lên đầu gối. Đầu hơi cúi xuống, cả lớp bắt đầu ngồi thiền. Không gian dường như lắng đọng. Đôi mắt họ sụp xuống. Những ngổn ngang trong cuộc sống, những phiền muộn trong bệnh tật có lẽ đã tan biến để lại trong tâm chút an nhiên của cuộc đời.
Sau một động tác hơi nặng, cô giáo Toàn chỉ vào vòng bụng của mình rồi hỏi, 'Các anh chị có thấy nóng không?'. Cả lớp hô vang: 'Dạ có'. 'Tốt' - cô Toàn nói - có nóng như vậy vùng mỡ ở đây mới nhanh tan.
Cứ thế, hết động tác này đến động tác khác. Cô giáo Toàn hướng dẫn, tập luyện cho các học viên rất chân tình và đằm thắm. Học viên trong những giây phút như thế này đều trở nên hiền lành và ... ngoan ngoãn. Dường như Yoga đang có hiệu quả đối với những bệnh nhân tâm thần.
Chị Phan Thị Én, 42 tuổi ngụ ở Phan Thiết vào điều trị tại khoa đã hơn một năm. Chị kể lại, lúc đầu mới tập, chị thấy rất khó khăn nhưng đã 6 tháng trôi qua, giờ đây khi tập lại những động tác cũ chị thấy nhẹ nhàng hơn. Chị bày tỏ mong muốn được theo lớp tập luyện mỗi ngày để cơ thể được khỏe mạnh và tinh thần tỉnh táo hơn.
Cũng như chị Én, chị Lê Thị Thảo, 33 tuổi quê ở Tây Ninh, một bệnh nhân đã điều trị nhiều năm cho biết chị đã trải qua gần một năm theo lớp Yoga này. Đến nay chị cảm thấy khỏe hơn trước rất nhiều.
Sẽ phát triển Yoga để điều trị cho bệnh nhân
Lớp Yoga tại khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 được thành lập vào tháng 12 năm 2017. Ban đầu, có thể do tò mò nên số học viên là bệnh nhân nội trú tham dự rất đông.
Qua các buổi tập, nhiều bệnh nhân không tiếp thu được bởi Yoga đòi hỏi sự kiên trì. Một số đông không chịu nổi những động tác làm đau nhức cơ thể lúc ban đầu đã bỏ cuộc. Con số giảm dần chỉ còn lại 80 học viên.
Tết 2018, lượng học viên được đoàn tụ với gia đình nhiều, thêm một số khác không muốn học đã khiến cho số học viên giảm thêm một nửa. Đến nay, số học viên chính thức còn lại khoảng 20 người nhưng cũng không đều đặn lắm.
Hồi tưởng lại những ngày đầu bước chân vào bệnh viện, Ái Toàn cho biết, cô xuất thân là diễn viên múa của đoàn ca múa nhạc Đồng Nai. Do những khó khăn trong cuộc sống, năm 2004, gặp lúc giám đốc bệnh viện là bác sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Thọ muốn dùng liệu pháp âm nhạc để trị liệu cho bệnh nhân bên cạnh trị liệu bằng thuốc nên đã tuyển dụng nhân sự mảng nghệ thuật để thành lập khoa Phục hồi chức năng.
Được chấp nhận, Ái Toàn chuyển công tác về làm việc hẳn ở bệnh viện. Hàng ngày Toàn dựng múa cho nhân viên bệnh viện, dạy múa cho bệnh nhân. Cứ thế kéo dài đến năm 2017 trong một lần tình cờ, Toàn ghi tên theo học lớp huấn luyện viên Yoga.
Qua lớp học này, Toàn cảm nhận được tinh túy của môn học và ấp ủ sẽ truyền đạt lại cho các bệnh nhân của mình. Toàn nói: 'Trước đây mình theo nghiệp múa nhưng múa chỉ cần độ dẻo trong khi Yoga ngoài dẻo ra còn cần rất nhiều nội lực. Vì thế, theo Yoga sẽ giúp mình cải thiện được nhiều về sức khỏe'.
Một bệnh nhân, là học viên theo học với Toàn từ ngày đầu, anh Trương Phan Duyên, 49 tuổi bày tỏ, sau một thời gian tập Yoga, sức khỏe anh rất khả quan. Anh nhớ lại những ngày đầu, rất mỏi mệt. Dần dần sức khỏe của anh tăng lên. Sau mỗi lần tập, mồ hôi tuôn ra tạo cho anh cảm giác thoải mái và thích thú.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Xuân, Điều dưỡng trưởng và là người trực tiếp quản lý lớp Yoga khoa Phục hồi chức năng xác nhận những thành quả mà các bệnh nhân có được sau một thời gian luyện tập. Bà nói: 'Nhiều bệnh nhân khi chưa tập rất chậm chạp nhưng sau một thời gian đến với Yoga đã tỏ ra yêu đời hơn, thần sắc thay đổi từng ngày'.
'Trong năm tới chương trình tập Yoga cho bệnh nhân sẽ được mở rộng. Có thể Khoa sẽ trình lên Ban Giám đốc đề tài nghiên cứu khoa học về chương trình này', bà Xuân cho biết thêm.