Lớp học nghề ở thôn

Lựa chọn những thôn xa, nơi đồng bào còn khó khăn và ít khả năng tiếp cận với công nghệ kỹ thuật, những ứng dụng mới… đã trở thành mục tiêu, nội dung cốt lõi trong Chương trình Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Bắc Mê. Qua đó, các lớp đào tạo đã góp phần đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường.

Mô hình trồng Hồng không hạt do Trung tâm GDNN – GDTX Bắc Mê triển khai tại thôn Nà Viền, xã Giáp Trung.

Mô hình trồng Hồng không hạt do Trung tâm GDNN – GDTX Bắc Mê triển khai tại thôn Nà Viền, xã Giáp Trung.

Đến từng xã, thôn, gặp từng người dân để khảo sát về nhu cầu học; các lớp học được mở tại nơi người dân sinh sống; các học viên được trải nghiệm thực tế và áp dụng trực tiếp tại địa phương… đó là những bước và phương pháp dạy học tại lớp dạy nghề cho người lao động nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Đánh giá về cách làm và hiệu quả của phương pháp dạy, đồng chí Lưu Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện cho biết: “Người lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số với việc chưa qua các lớp đào tạo nghề, còn thiếu kiến thức về sản xuất nông nghiệp nên năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Bởi vậy, nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức của người dân, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với xã, thôn điều tra, rà soát mong muốn và nguyện vọng học nghề của người lao động; gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển KT – XH của địa phương. Qua đó, nội dung và các môn học đã phát huy được hiệu quả, mang tính thiết thực cao; tạo sự phấn khởi và kích thích sự tìm tòi học hỏi của người dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.

Với những điều kiện: Cây hồng đã có từ lâu, mọc rải rác quanh thôn; đất đai màu mỡ và người dân mong muốn phát triển nhân rộng quy mô… Từ đó bà con thôn Nà Viền, xã Giáp Trung đã gửi đề nghị tới xã và Trung tâm GDNN - GDTX huyện về việc mở lớp dạy nghề trồng cây Hồng không hạt tại địa phương. Sau 2 năm triển khai, hơn 4 ha cây Hồng không hạt áp dụng theo đúng kỹ thuật đã phát triển tốt. Chia sẻ về niềm vui và thành công, anh Nguyễn Văn Đức, một trong những hộ dân tham gia lớp học và mô hình trồng Hồng không hạt tại thôn cho biết: “Qua lớp đào tạo của Trung tâm về kỹ thuật trồng Hồng không hạt, gia đình và người dân trong thôn đã mạnh dạn mở rộng diện tích, chủ động mua cây giống. Trước đây, quanh thôn là những cây hồng bản địa, mọc tự nhiên nên sản lượng hàng năm không đều, năm được, năm mất. Qua lớp đào tạo, người dân đã biết cắt tỉa cành, vun gốc, bón phân… với những kỹ thuật đó đã cứu sống nhiều cây cằn cỗi và cho năng suất cao; đối với diện tích mới, người dân đã áp dụng đúng các bước, quy trình chăm sóc nên hiện cây phát triển tốt, ít sâu bệnh hại”.

Gắn bó nhiều năm trên cương vị là giáo viên của Trung tâm GDNN - GDTX, anh Nông Mạnh Tú, chia sẻ: “Với đặc thù của giáo viên Trung tâm, những buổi lên lớp của chúng tôi không phải là gắn với giảng đường, bảng, phấn… mà là những buổi học dài ngày cùng ăn, cùng ở với đồng bào. Qua đó tận dụng được thời gian, nắm chắc được tâm tư, nguyện vọng và dễ dàng trao đổi, truyền dạy cho học viên. Hiện nay, nhu cầu học của người dân là những lớp về kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng, chăm sóc cây trồng và những lớp phi nông nghiệp. Các lớp học được mở ra đã đáp ứng cơ bản nguyện vọng của người dân, vận dụng linh hoạt kiến thức và trở nên thành thạo cũng như am hiểu hơn về ngành Nông nghiệp…”.

Từ việc làm thiết thực và bám sát với thực tế, các lớp học nghề được mở ra đã đáp ứng được những nguyện vọng, nhu cầu của người lao động. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng Nông thôn mới.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202009/lop-hoc-nghe-o-thon-765286/