Lớp học xóa mù chữ miễn phí của những chàng Công an xã ở Gia Lai

Với mục tiêu xóa nạn mù chữ trong làng đồng bào dân tộc thiểu số, các chiến sĩ Công an xã ở Gia Lai đã tiến hành mở lớp học đặc biệt để dạy chữ cho bà con.

Không chỉ đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự tại địa phương, trong quá trình công tác, các chiến sĩ Công an xã Hà Ra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) còn thấu hiểu được người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn có một ước mơ là biết đến con chữ.

Hiểu được mong muốn đó, lớp học của các chiến sĩ Công an xã Hà Ra, đã được mở ra để dạy chữ cho người dân trong làng. Lớp học không đồng đều về lứa tuổi, mỗi người một gia cảnh khác nhau nhưng ở tất cả họ đều có chung một ước mơ được biết chữ.

Lớp học của các chiến sĩ Công an xã Hà Ra mở ra để dạy chữ cho người dân trong làng

Lớp học của các chiến sĩ Công an xã Hà Ra mở ra để dạy chữ cho người dân trong làng

Cứ vào tối thứ hai và thứ năm hàng tuần, điểm trường làng Kret Krot của Trường tiểu học Hà Ra số 1 lại sáng đèn, vang lên tiếng đánh vần học chữ của những học trò đặc biệt.

Lớp hiện duy trì khoảng 30 học viên. Học viên trong lớp đa phần là phụ nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có người đang nuôi con nhỏ nhưng cũng có người đã lên chức bà. Người được Công an xã Hà Ra giao nhiệm vụ đứng lớp là trung úy Lê Tuấn Thành. Những cán bộ khác hỗ trợ loa máy, máy chiếu. Công an xã tự bỏ kinh phí và vận động kinh phí để mua bảng, phấn, sách vở cho bà con. Lớp học còn nhận được sự hỗ trợ của thầy Y Cưn - giáo viên Trường Tiểu học Hà Ra số 2.

Mở đầu buổi học, trung úy Lê Tuấn Thành kiểm tra kiến thức bài cũ, tiếp đó dạy những từ mới trên bảng, chỉ cách phát âm. Một vài người lớn tuổi loay hoay nhưng chữ viết vẫn không tròn đẹp, anh ân cần cầm tay hướng dẫn, động viên bà con kiên trì.

Thời điểm lúc đầu đứng lớp, anh Thành gặp không ít khó khăn bởi thiếu kỹ năng sư phạm

Thời điểm lúc đầu đứng lớp, anh Thành gặp không ít khó khăn bởi thiếu kỹ năng sư phạm

Theo anh Thành, lúc đầu đứng lớp, anh cũng gặp không ít khó khăn bởi thiếu kỹ năng sư phạm, trong khi đó người dân lại rụt rè, chưa mạnh dạn trong học tập. Vì thế, ngoài những giờ làm việc, anh tranh thủ nhờ bạn bè công tác trong ngành giáo dục hướng dẫn soạn giáo án, phương pháp truyền đạt kiến thức. Đồng thời, anh mày mò, tìm hiểu trên mạng xã hội cách dạy gần gũi, dễ hiểu để buổi học bớt khô khan, người học tiếp thu kiến thức thuận lợi.

“Trong thời gian làm việc tại xã Hà Ra, tôi thấy người dân ở đây còn nhiều thiệt thòi, hạn chế, trong đó có việc học. Tôi bàn với các đồng chí trong đơn vị mở lớp học tình thương với mong muốn giúp bà con nắm bắt con chữ, từ đó nâng cao nhận thức, vươn lên trong cuộc sống” - trung úy Thành bộc bạch.

Các học viên luôn động viên nhau tới lớp để xóa nạn mù chữ

Các học viên luôn động viên nhau tới lớp để xóa nạn mù chữ

Vẫn ngày ngày kiên trì tới lớp học dù đã ngoài 40 tuổi, chị Wes (SN 1983, trú làng Kret Krot) luôn nhắc nhở mình phải là tấm gương để con cháu noi theo, không chỉ là học tập mà còn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

“Thực sự thì khả năng tiếp thu của tôi không thể nhanh nhẹn như lớp trẻ nữa nên việc học chữ khá khó khăn. Nhưng biết đây là việc nên làm và được các cán bộ công an hướng dẫn tận tình nên sau hơn 6 tháng, tôi đã biết viết, biết đọc” - chị Wes nói.

Tương tự, sau nhiều tháng vật lộn với những con chữ, chị Mah (SN 1995) đã có thể tự viết tên mình và đọc được nhiều chữ cái. Chị Mah chia sẻ: “Trước đây, mình chỉ học hết lớp 1 rồi nghỉ. Sau đó, mình quên dần cái chữ, mỗi lần có giấy tờ cần phải ký tên, mình không biết ký mà phải lăn tay, mình đi học để biết đọc, biết viết”.

Chị Pre địu con đến lớp để học chữ

Chị Pre địu con đến lớp để học chữ

Nhà có 5 đứa con, đứa nhỏ tuổi nhất mới 4 tháng nhưng chị Pre vẫn đi học rất đều đặn. Những lúc ông bà bận không thể chăm cháu giúp, chị lại địu con đến lớp để học chữ. “Con đầu của mình học lớp 8 rồi, thầy - cô giáo gửi giấy tờ về cho phụ huynh, mình không biết chữ nên phải nhờ người đọc giúp. Nhiều lúc xấu hổ lắm, mình đi học để tạo động lực cho con cái học tập chăm chỉ hơn” - chị Pre tâm sự.

Khi công an xã đề xuất mở lớp học tình thương, chính quyền xã Hà Ra rất ủng hộ. Trước khi mở lớp, Công an xã cùng Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Kret Krot đến từng nhà để vận động, thuyết phục người dân đi học. Bám sát lớp học, lực lượng công an luôn động viên bà con vượt qua khó khăn, đi học chuyên cần để cải thiện trình độ dân trí. Đồng thời, các cán bộ, chiến sĩ còn lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Cuối mỗi buổi học thường có phần giao lưu văn nghệ nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Đây là hoạt động nhân văn, thể hiện sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ công an xã đối với bà con dân tộc thiểu số

Đây là hoạt động nhân văn, thể hiện sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ công an xã đối với bà con dân tộc thiểu số

Ông Yung - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ra - cho biết: Làng Kret Krot từng là điểm nóng về tà đạo “Hà Mòn”. Đảng ủy, UBND xã ghi nhận và đánh giá cao mục đích tổ chức lớp học tình thương của công an xã. Trong quá trình triển khai, xã thường xuyên hỗ trợ về cơ sở vật chất để phục vụ công tác dạy và học. Đây là hoạt động nhân văn, thể hiện sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ công an xã đối với bà con dân tộc thiểu số.

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Hữu Ánh - Trưởng Công an xã Hà Ra - chia sẻ: “Lớp học tình thương nhằm mục đích giúp bà con biết đọc, biết viết, nâng cao dân trí. Chúng tôi quyết tâm thực hiện bằng được mục đích xóa mù chữ và cố gắng nhân rộng mô hình này ra các làng trên địa bàn xã. Thông qua những hoạt động ý nghĩa, chúng tôi mong muốn bà con đoàn kết, nâng cao nhận thức để chung tay giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương”.

Bài và ảnh: Hiền Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lop-hoc-xoa-mu-chu-mien-phi-cua-nhung-chang-cong-an-xa-o-gia-lai-352588.html