'Lù cở' của người Mông

Tuyên Quang hiện có hơn 3.600 hộ dân tộc Mông với hơn 19.000 nhân khẩu sinh sống chủ yếu ở các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương, Hàm Yên. Trong quá trình sản xuất, một trong những công cụ không thể thiếu gắn với sinh hoạt và sản xuất của dân tộc Mông là chiếc lù cở (gùi).

Lù cở là phương tiện vận chuyển phổ biến, thích hợp với đường mòn, đường rừng, trèo leo trên sườn đồi, vách đá, người đi được là lù cở lọt qua. Nhà có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu lù cở. Người lớn dùng chiếc lớn, trẻ em dùng chiếc nhỏ. Trẻ em từ 10 tuổi trở lên hàng ngày đi nương theo bố mẹ, anh chị, khi về, trên lưng cũng đeo một lù cở chất đầy rau, củi như người lao động chính trong gia đình. Thân lù cở được đan bằng nan trúc nên rất bền. Dây đeo được làm bằng da trâu, bò hoặc sợi móc. Lù cở cao khoảng 60 cm, có đáy hình chữ nhật. Càng đan lên càng leo to ra, miệng có hình bầu dục, không có nắp đậy, do vậy có thể chứa được những vật có chiều cao như củi, cán cào, cuốc...

Chị Vương Thị Lan, thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long, huyện Na Hang dùng lù cở để mang củi về nhà

Chị Vương Thị Lan, thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long, huyện Na Hang dùng lù cở để mang củi về nhà

Chị Vương Thị Lan, thôn Lũng Khiêng, xã Sinh Long, huyện Na Hang bảo rằng, sống ở miền sơn cước đèo cao, dốc thẳm, đường xá gập ghềnh nên chẳng thể gánh gồng, vậy nên người Mông sáng tạo ra chiếc lù cở. Trong thói quen thường nhật của phụ nữ Mông, chiếc gùi còn được coi như một thứ đồ trang sức mỗi khi xuống chợ, lên nương hay ngay cả đi chơi hội mùa xuân. Bởi nếu là phụ nữ đã có chồng thì chiếc gùi chứng minh sự đảm đang, khéo léo, giàu tình yêu thương của họ. Nếu là phụ nữ chưa chồng, chiếc gùi như ngầm nói với các chàng trai rằng họ rất đảm đang và chung thủy. Khi người phụ nữ Mông về nhà chồng thì trước đó, họ dày công đan cho mình một chiếc gùi thật to và đẹp, coi đó như một tài sản quan trọng để mang theo quần áo thổ cẩm, trang sức, các vật dụng về nhà chồng.

Lù cở gắn với đời sống và sinh hoạt của chị Vương Thị Lan, thôn Lũng Khiêng,xã Sinh Long, huyện Na Hang

Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, đời sống đồng bào Mông dần được nâng cao nhưng chiếc lù cở vẫn là công cụ lao động không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mông. Lù cở vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên rừng núi, vừa là sản phẩm văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông. Nó cũng phản ánh trình độ phát triển kinh tế, xã hội, điều kiện môi trường tự nhiên và đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của đồng bào Mông.

Hoàng Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dan-toc-mien-nui/phong-tuc-tap-quan/lu-co-cua-nguoi-mong-131888.html