Lũ lụt gây vỡ đê ở Tứ Xuyên, đập Tam Hiệp nâng mức xả nước
Nhiều địa phương tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ mà giới chức gọi là 'trăm năm có một', giữa lúc một cơn bão dự kiến đổ bộ nước này trong ngày 19/8.
Truyền thông nhà nước đưa tin mưa lớn nhiều ngày đã làm vỡ đê và ngập lụt ở tỉnh Tứ Xuyên, dẫn đến những cảnh báo mới về lũ ở lưu vực thượng nguồn sông Trường Giang, cũng tức là dòng chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp.
Giới chức ở Tứ Xuyên hôm 18/8 đã nâng cảnh báo khẩn cấp lên cấp 1, mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp, sau khi sông Thanh Y và các phụ lưu của nó tràn bờ.
"Hơn một nửa diện tích huyện đã bị ngập", báo China Daily dẫn lời một quan chức địa phương ở huyện Tư Trung cho biết. "Con đường dẫn đến huyện đã bị ngập và bản thân huyện đã trở thành một hòn đảo bị cô lập".
Kể từ tháng 6, Trung Quốc đã phải vật lộn với hàng loạt trận lũ kinh hoàng tập trung ở phía nam. Mực nước tại đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới, đã đạt đến mức cao kỷ lục 164,2 mét vào cuối tháng 7. Mực nước tối đa mà hồ chứa có thể tiếp nhận là 175 mét.
Giờ đây, cơn bão thứ bảy trong năm, bão Higos, hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở Philippines, dự kiến đổ bộ phía nam tỉnh Quảng Đông trong ngày 19/8, theo Nikkei Asian Review.
Cơ quan khí tượng Hong Kong hôm 18/8 cảnh báo biển động và gió mạnh, khuyến cáo người dân không chơi các môn thể thao dưới nước và câu cá ở biển.
Giới hữu trách đang thực hiện các biện pháp kiểm soát lũ lụt tại các con đập dọc theo tuyến đường thủy dài nhất đất nước, sông Trường Giang. Tại đập Tam Hiệp, lưu lượng xả lũ hôm 17/8 đã được nâng lên đến mức 44.000 m3/giây, từ mức 42.200 m3/giây, với dự đoán lưu lượng đổ vào hồ chứa từ các nhánh sông ở thượng nguồn sẽ tiếp tục gia tăng.
Lũ lụt liên tiếp làm dấy lên quan ngại về an toàn đập. "Do nước đổ vào ồ ạt, các đập ở thượng nguồn đang chịu áp lực ngày càng tăng, trong khi lũ lụt đang làm ngập các địa phương nằm trong lưu vực của chúng", Heritage Foundation, tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách của Mỹ, cho biết trong một báo cáo hôm 5/8.
Khoảng 55 triệu người ở 27 trong số 31 tỉnh thành Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt kéo dài nhiều tuần, với ít nhất 158 người thiệt mạng hoặc mất tích tính đến ngày 28/7, Bộ Quản lý Khẩn cấp cho biết. Thiệt hại kinh tế trực tiếp do lũ lụt ước tính khoảng 144 tỷ nhân dân tệ (20 tỷ USD), cao hơn 14% so với mức trung bình 5 năm.
Những thiệt hại này, dự kiến còn tăng trong những ngày tới, chỉ làm phức tạp thêm sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch virus corona. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này trong tháng 7 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 6 tăng 2,5%), một phần do giá thịt lợn tăng và thiên tai.
"Việc tăng giá lương thực và lạm phát CPI nói chung khiến các nhà chức trách thậm chí có ít không gian hơn" trong việc điều chỉnh chính sách, Enodo Economics cảnh báo trong một báo cáo nghiên cứu hôm 17/8.
Bất chấp tăng trưởng kinh tế tốt hơn dự kiến, ở mức 3,2% trong quý II, S&P Global Ratings đã không xếp hạng sự phục hồi của Trung Quốc là "tự duy trì".
"Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc cho tháng 7 cung cấp thêm dấu hiệu cho thấy sự phục hồi vẫn không cân bằng và phụ thuộc vào hỗ trợ chính sách đặc biệt", S&P cho biết hôm 17/8.