Lũ thấp, nghề 'ăn theo'... chật vật

Hàng năm, mùa nước nổi (mùa lũ) về mang lại nhiều sinh kế cho người dân. Người giăng câu, giăng lưới, người đặt dớn, đặt lọp,... có thêm kha khá thu nhập. Thế nhưng, năm nay lũ về trễ và thấp, không những người dân vùng lũ gặp khó khăn do nguồn thủy sản ít mà những nghề 'ăn theo' mùa lũ cũng chật vật.

Mùa lũ tuy vất vả nhưng giúp người dân kiếm thêm được chút thu nhập trang trải cuộc sống. Vậy mà năm nay, nước lũ về trễ và thấp hơn so cùng kỳ mọi năm nên nhiều người thất thu.

Tại các huyện đầu nguồn Tân Hưng, Vĩnh Hưng, những hộ dân sản xuất, kinh doanh ngư cụ đánh bắt cá mùa lũ vẫn “ngóng” người mua.

Gắn bó với nghề làm lọp đặt cá vào mùa lũ hơn chục năm qua, ông Nguyễn Văn Dê (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết, cũng như mấy mùa lũ trước, tầm đầu tháng 7 Âm lịch, gia đình ông chuẩn bị tre, lưới để đan lọp bán cho người dân địa phương và các vùng lân cận khai thác thủy sản.

“Những năm trước, vào thời điểm này, gia đình làm và bán được từ 1.500-2.000 cái lọp, mỗi mùa lũ kiếm thêm thu nhập 40-50 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay, lũ ở mức thấp, hiện đến thời điểm này, tôi bán được 700-800 cái lọp” - ông Dê nói.

Thời điểm này những năm trước, ông Nguyễn Văn Dê (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) bán được 1.500-2.000 cái lọp, còn năm nay chỉ bán được 700-800 cái

Thời điểm này những năm trước, ông Nguyễn Văn Dê (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) bán được 1.500-2.000 cái lọp, còn năm nay chỉ bán được 700-800 cái

Còn anh Trần Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) cho biết: Mùa khô, gia đình canh tác 2ha đất sản xuất lúa, mùa nước làm nghề đan lọp bán và đặt cá để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Bình thường, cứ đến tầm tháng 7 Âm lịch là lũ về, cá đầy đồng ruộng.

Năm nay, đến gần cuối tháng 8 rồi, mực nước lũ mới phả đồng, nguồn thủy sản cũng ngày càng cạn kiệt. Mỗi ngày, gia đình anh đặt gần 500 cái lọp, 2-3 ngày thăm một lần nhưng chỉ thu về được 5-7kg cá (lóc, phi, rô,...), bán được 300.000-400.000 đồng.

“So với những năm trước, vào thời điểm này, gia đình làm và bán được khoảng 500 cái lọp, còn năm nay thì giảm rất nhiều, hiện chỉ bán được hơn 100 cái mặc dù giá bán lọp không tăng (65.000 đồng/cái)” - anh Nghĩa cho biết thêm.

Việc kinh doanh các dụng cụ đánh bắt thủy sản khá chậm

Việc kinh doanh các dụng cụ đánh bắt thủy sản khá chậm

Mùa lũ về được xem là thời điểm “ăn nên làm ra” của các hộ kinh doanh câu, lưới, lọp, lờ để bắt thủy sản. Hiện câu, lưới, dớn,... được bày bán đầy khắp các chợ nhưng vắng người mua.

Anh Nguyễn Văn Vũ bán dụng cụ đánh bắt thủy sản ở chợ Vĩnh Hưng, nói: “Để chuẩn bị cho mùa lũ, gia đình chủ động một lượng hàng tương đối. Lũ nhỏ, cá không nhiều làm cho hoạt động đánh bắt thủy sản mùa lũ bị thất thu, sức tiêu thụ các loại lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản vì thế cũng giảm theo”.

Nghề "ăn theo" mùa lũ gặp khó khăn

Nghề "ăn theo" mùa lũ gặp khó khăn

Theo các hộ kinh doanh câu, lưới ở các chợ Tân Hưng, Vĩnh Hưng, giá các dụng cụ đánh bắt thủy sản (câu, lưới, lọp, lờ,...) có tăng so với những năm trước nhưng rất ít. Giá lưới bén dao động từ 80.000-140.000 đồng/tay (dài 70-80m) tùy loại, lưới mùng giá từ 60.000-80.000 đồng/kg, lọp từ 30.000-70.000 đồng/cái, dớn từ 100.000-110.000 đồng/cái,...

Mùa lũ được xem là thời điểm “ăn nên làm ra” của các nghề “ăn theo". Hiện lũ thấp, nguồn thủy sản không nhiều nên người dân mưu sinh mùa lũ không mấy mặn mà, kéo theo đó, những hộ kinh doanh dụng cụ đánh bắt thủy sản cũng thất thu./.

Trung Kiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/lu-thap-nghe-an-theo-chat-vat-a183441.html