Lựa chọn cho tương lai

Ngày nay, suy nghĩ của các bạn trẻ đã thực sự có nhiều thay đổi, tư duy 'làm thầy hơn làm thợ' đang dần bị xóa bỏ. Thay vào đó, ngày càng nhiều học sinh có lựa chọn sớm với việc học nghề sau khi học xong trung học. Từ đó, giúp giảm gánh nặng chi phí cho gia đình và xã hội, trong khi cơ hội xin được việc làm sau học nghề cao hơn.

Ở giai đoạn trước, nhiều học sinh “cố đấm ăn xôi” để thi vào đại học nhưng không biết rằng tương lai khó khăn đang đợi họ trước mắt. Chính vì thế đã để lại một hệ lụy hết sức nặng nề khi không xin được việc làm hoặc làm việc không đúng với ngành nghề đã học, gây ra sự lãng phí không nhỏ. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có khoảng trên 200 nghìn sinh viên đại học, cao đẳng đã tốt nghiệp chưa xin được việc làm, số sinh viên ra trường làm việc trái ngành nghề chiếm hơn 60%. Con số này cho thấy, mỗi học sinh khi lựa chọn ngành nghề, hướng đi cho mình cần tỉnh táo và tham khảo ý kiến từ giáo viên và những anh chị đi trước, từ đó tìm cho mình hướng đi đúng nhất.

Trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm tỷ lệ sinh viên học xong không xin được việc làm cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và căn cứ theo nhu cầu xã hội, tỉnh đã sớm triển khai kế hoạch “phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020”; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ… Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai kế hoạch về phân luồng và định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh đến các đơn vị, nhà trường; phối phợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở đào tạo nghề tổ chức tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Các trường THCS, THPT đã thường xuyên tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là đối với lớp 9 và lớp 12. Từ đó định hướng cho các em lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của mình, nhiều học sinh học xong Trung học đã đăng ký đi học nghề, sau khi ra trường có việc làm ổn định với mức lương nhiều người mơ ước.

Trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang) phối hợp với trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệTuyên Quang tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh nhà trường.

Em Nguyễn Trung Hiếu, dân tộc Tày ở thôn Tông Xoong, xã Hòa An (Chiêm Hóa) sau khi học xong THCS đã đăng ký lớp học “2 trong 1” vừa học văn hóa kết hợp học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Sau 3 năm học tập (bằng với thời gian học cấp 3), ra trường Hiếu vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng Trung cấp nghề Vận hành máy thi công nền. Với nghề được đào tạo, em đã xin vào làm việc tại một doanh nghiệp xây dựng ở tỉnh Bắc Ninh với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Hiếu cho biết, trước khi đi học nhà em thuộc hộ khó khăn nên lựa chọn hình thức kết hợp vừa học nghề vừa học văn hóa là rất phù hợp. Em khuyên các bạn hãy xóa bỏ tư tưởng “làm thầy hơn làm thợ”, thay vào đó hãy học tập, lựa chọn nghề theo năng lực của mình và nhu cầu thực tế xã hội hiện nay.

Lời khuyên của Hiếu cũng chính là xu hướng các cơ sở dạy nghề, các trường Trung học đang hướng tới khi thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp trong trường học. Cô giáo Bùi Thị Nga, Phó Hiệu trưởng trường THCS Kim Phú (TP Tuyên Quang) nói, nhằm định hướng cho học sinh ngành nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu, trong những năm học gần đây, công tác tư vấn, hướng nghiệp luôn được nhà trường quan tâm. Nhà trường vừa phối hợp với trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh cho 135 học sinh lớp 9. Qua khảo sát, có hơn chục học sinh học xong THCS sẽ đăng ký đi học nghề, tỷ lệ này tăng gấp đôi so với năm học trước.

Lớp Trung cấp nghề Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quangđa phần là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Tại các trường THPT việc triển khai mô hình “Nhà trường gắn với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương” được đẩy mạnh đã giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về một số ngành, nghề chủ yếu của địa phương. Từ đó, có sự lựa chọn nghề nghiệp cho mình sau khi tốt nghiệp phổ thông. Đi đầu trong việc triển khai các mô hình trường học gắn với sản xuất là các trường: THPT Sơn Dương, THPT Tháng 10 (Yên Sơn) phát triển mô hình trường học gắn với cây chè; THPT Kim Xuyên (Sơn Dương), THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa) phát triển mô hình trường học gắn với cây mía; THPT Phù Lưu (Hàm Yên) phát triển mô hình trường học gắn với cây cam…

Em Nguyễn Thị Cúc, lớp 12C1, trường THPT Kim Xuyên (Sơn Dương) bày tỏ, nhà trường thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời, tạo cơ hội cho học sinh có những trải nghiệm đáng nhớ, giúp chúng em sớm định hình được nghề nghiệp mình sẽ lựa chọn trong tương lai. Rất nhiều bạn đã đăng ký đi học nghề và nhận ra rằng, học đại học không phải là con đường duy nhất để có sự thành công trong cuộc sống.

Công tác tư vấn, hướng nghiệp được tổ chức thường xuyên tại các trường Trung học trên địa bàn tỉnh đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh và phụ huynh học sinh. Từ đó, tỷ lệ học sinh lựa chọn con đường học nghề thay vì đại học ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 - 2020 có 5/6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp dạy nghề. Có hơn 1.600 học sinh theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các cơ sở giáo dục thường xuyên; tỷ lệ học sinh THCS, THPT học xong đăng ký đi học nghề chiếm hơn 20%.

Những kết quả trên cho thấy, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh Trung học trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông sẽ tạo bước đột phá, góp phần chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT. Qua đó, nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và địa phương, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn.

Cô giáo Trần Thị Nga, giáo viên trường THPT Sơn Dương (Sơn Dương)

Không chạy theo sở thích nhất thời

Để có những định hướng nghề nghiệp phù hợp với học sinh, nhà trường đã hướng dẫn giáo viên thực hiện công tác tư vấn, định hướng nghề theo các chuyên đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, khi tư vấn nghề cho các em, tôi dựa vào những yếu tố cơ bản như: Năng lực, trình độ của học sinh; đầu ra khi tốt nghiệp ngành nghề đó; điều kiện kinh tế gia đình và sở trường của cá nhân. Vì vậy, tôi thường xuyên tham khảo trên các kênh thông tin đại chúng về nhu cầu tuyển sinh, đầu ra của các ngành, nghề đang được quan tâm như công nghệ thông tin, du lịch, chế biến nông lâm thủy sản, công nghệ sinh học… Từ đó, tư vấn cho các em nên lựa chọn những trường nào phù hợp với năng lực, trình độ, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Đồng thời, cố gắng giúp các em hiểu rõ trình độ thực tế của mình, mình đang đứng ở vị trí nào, không chạy theo tâm lý đám đông, theo sở thích nhất thời, để có sự lựa chọn cụ thể, phù hợp cho tương lai của mình.

Chị Nguyễn Thị Hợi, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình

Giúp con chọn nghề phù hợp

Cháu nhà tôi năm nay đang học lớp 12, trường THPT Lâm Bình. Nắm rõ khả năng học tập của con nên ngay từ khi bắt đầu vào học cấp 3 gia đình đã thường xuyên trao đổi với cháu để cháu có hướng lựa chọn nghề phù hợp. Điều này sẽ tạo cho cháu sớm có “lý tưởng” nghề nghiệp, từ đó có động lực học tốt và chuyên sâu vào lĩnh vực mình lựa chọn. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc sức khỏe thể chất cho con, gia đình cũng nhắc nhở, khuyến khích con tích cực học tốt, nhưng phải điều chỉnh về thời gian, cách thức ôn tập để đạt hiệu quả. Cùng với đó, gia đình cũng thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, nhờ sự tư vấn từ phía thầy cô giáo trong trường để giúp cháu lựa chọn ngành nghề đăng ký dự thi sao cho phù hợp khả năng, sở trường của mình. Có như vậy, sau này cháu mới phát huy được năng lực, tự tin vào ngành nghề của mình trong tương lai.

Em Lê Minh Hiếu, lớp 12C3, trường THPT Kim Bình (Chiêm Hóa)

Học nghề để sớm có việc làm

Em đã chủ động tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, được sự định hướng nghề của thầy, cô giáo, nhà trường, em đã trao đổi với bố mẹ và có quyết định chọn nghề nghiệp trong tương lai của mình. Căn cứ vào năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình em quyết định lựa chọn đi học nghề, để sớm có việc làm, thu nhập trang trải cuộc sống và giúp đỡ bố mẹ. Theo em, để tiến về phía trước mỗi người cần có tri thức, vì vậy học lên cao đẳng, đại học là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đi học, cho nên cần phải tùy vào hoàn cảnh và khả năng để lựa chọn con đường đi cho mình. Bởi trong thực tế đã có nhiều tấm gương lập thân, lập nghiệp thành công từ nghề mình đã chọn.

Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/lua-chon-cho-tuong-lai-134377.html