Lựa chọn những người xứng đáng

Ngày 20-6 vừa qua, Bộ Chính trị đã ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TƯ về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ thị nhấn mạnh việc giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng là đại diện của nhân dân; không giới thiệu người chạy chức, chạy quyền ứng cử… Nội dung này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của dư luận. Báo Hànôịmới xin trích đăng một số ý kiến bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Làm tốt công tác giới thiệu nhân sự từ cơ sở sẽ lựa chọn được những đại biểu dân cử tiêu biểu, xứng đáng. Ảnh: Nhật Nam

Ông Ngô Ngọc Điển, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Phúc Xá (quận Ba Đình):
Làm tốt công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự từ cơ sở

Để bầu được những đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, trước hết, cơ quan giới thiệu đại biểu phải làm tốt công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự ngay từ cơ sở. Tiếp theo, Mặt trận Tổ quốc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nơi cư trú của người được giới thiệu một cách dân chủ, công khai, đánh giá đầy đủ năng lực, đạo đức, trình độ của người được giới thiệu. Từ đó, Mặt trận Tổ quốc mới đưa ra hiệp thương giới thiệu.

Nếu thực hiện đầy đủ quy trình, đồng thời công khai minh bạch tài sản, thu nhập của người được giới thiệu thì sẽ lựa chọn được những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Ông Nguyễn Quý Thưởng, 72 năm tuổi Đảng, Chi bộ phố Thụy Ứng, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng):
Công tác ứng cử và hiệp thương phải thực hiện đúng luật định

Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND do nhân dân bầu ra sẽ gắn bó mật thiết với nhân dân; bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, thay mặt người dân quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia và địa phương.

Để đạt được mong muốn này, công tác ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử phải thực hiện đúng quy trình luật định. Hội đồng Bầu cử quốc gia và các ban bầu cử địa phương phải xem xét kỹ lưỡng hồ sơ ứng cử, tổ chức các hội nghị cử tri để lắng nghe ý kiến nhận xét, bày tỏ tín nhiệm đối với người ứng cử. Những kiến nghị, thắc mắc của cử tri phải được điều tra, xác minh khách quan và trả lời rõ ràng để sàng lọc khỏi danh sách ứng cử những đại biểu chưa đáp ứng phẩm chất đạo đức, uy tín, tài năng so với yêu cầu.

Ông Trần Trúc Thanh, 57 năm tuổi Đảng, Chi bộ 8, phường Trung Liệt (quận Đống Đa):
Loại bỏ cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức để củng cố niềm tin của nhân dân

Đội ngũ cán bộ có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, được xem như nguồn tài sản quý báu của Đảng và dân tộc. Do vậy, thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TƯ của Bộ Chính trị cũng là cuộc tổng rà soát, đánh giá và kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan để tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với đất nước.

Tuy thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng của đất nước đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trước thời điểm chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chỉ thị số 45-CT/TƯ được Bộ Chính trị ban hành là rất kịp thời, tạo cơ sở quan trọng để tìm ra được những đại biểu xứng đáng nhất, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân. Theo tôi, đã đến lúc phải lấy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng làm tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND các cấp. Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ thì đương nhiên không thể giới thiệu ra ứng cử.

Bà Ngô Thị Bài, 50 năm tuổi Đảng, tòa nhà M3, M4, 91 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ (quận Đống Đa):
Xã hội càng phát triển, càng cần cán bộ thực đức, thực tài

Nghiên cứu những nội dung Chỉ thị số 45-CT/TƯ, tôi càng thấy phấn khởi và tin tưởng vào thành công của cuộc bầu cử quan trọng của đất nước sẽ diễn ra vào năm 2021. Việc Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh về công tác nhân sự ngay phần đầu của chỉ thị đã khẳng định tầm quan trọng của công tác này. Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì vậy, việc giới thiệu, lựa chọn để bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn trọng trên cơ sở đánh giá khách quan, trung thực toàn bộ quá trình làm việc, phấn đấu của người được đề cử.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, xã hội càng phát triển, càng cần những người cán bộ thực đức, thực tài để thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó…

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/970830/lua-chon-nhung-nguoi-xung-dang