Lừa đảo qua điện thoại: Sao vẫn còn nhiều người sập bẫy?
Thủ đoạn sử dụng điện thoại, mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tiền thường xuyên được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nạn nhân của các thủ đoạn này vẫn không ngừng tăng lên.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, những ngày qua, bà Bùi Thị Kim (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) phải nghỉ buôn bán, ở nhà. 9 giờ sáng 23-3, bà nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là thiếu tá, công tác tại Cục Phòng chống ma túy, Bộ Công an, thông báo đang điều tra vụ án ma túy và bà có liên quan tới việc rửa tiền. Người này hỏi số tiền tiết kiệm bà Kim đang gửi ngân hàng và yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan điều tra để xác minh làm rõ, nếu không liên quan sẽ trả lại; đồng thời đe dọa nếu không hợp tác sẽ khởi tố bà. Do sợ liên đới tới tội phạm và muốn nhanh chóng chứng tỏ mình trong sạch, bà Kim đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm là 700 triệu đồng, chuyển vào tài khoản ngân hàng BIDV Hà Nội do “thiếu tá” ở Bộ Công an yêu cầu. Sau đó, bà Kim mới biết bị lừa đảo.
Số liệu của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho thấy, năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 40 vụ, số tiền chiếm đoạt gần 13 tỷ đồng (năm 2018, 33 vụ, 6,8 tỷ đồng). Trong đó, lừa đảo qua điện thoại phổ biến nhất với 7 vụ, gần 10 tỷ đồng, còn lại là các vụ hack facebook, lừa đảo bán hàng qua mạng, skimming… Riêng 3 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ, với số tiền chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng. Qua số liệu cho thấy, thủ đoạn sử dụng điện thoại, mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tiền thường xuyên được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nạn nhân của các thủ đoạn này vẫn không ngừng tăng lên.
Các đối tượng lừa đảo vẫn dùng thủ đoạn phổ biến là gọi điện thoại cho nạn nhân tự xưng nhân viên bưu điện, thông báo đang nợ cước điện thoại, thiếu nợ ngân hàng, liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia… Để làm tin, các đối tượng lừa đảo còn làm giả lệnh bắt của công an, viện kiểm sát, tòa án, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, yêu cầu bị hại phải nghe điện thoại, nói chuyện với người xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... và không được làm lộ “bí mật”, nếu không sẽ bị bắt. Để tạo tin tưởng cho bị hại, chúng còn dùng phần mềm ứng dụng giả mạo số điện thoại của cơ quan công an, cơ quan nhà nước… nên khi bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080 hoặc mạng Internet thì thấy trùng khớp. Trong lúc điện thoại với nạn nhân, chúng còn tạo tiếng động hiện trường, làm giả tiếng còi xe cảnh sát, tiếng hỏi cung… khiến nạn nhân sợ sệt. Có trường hợp, các đối tượng yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng mở tài khoản mang tên chính mình và đăng ký dịch vụ Internet Banking theo số điện thoại do bọn chúng cung cấp. Nạn nhân nghĩ rằng tài khoản do chính mình mở sẽ không sao. Tuy nhiên, khi đăng ký dịch vụ Internet Banking theo số điện thoại của kẻ lừa đảo cung cấp thì chúng sẽ có số tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu ban đầu và dễ dàng chuyển đổi mật khẩu. Khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản thì chúng nhanh chóng chuyển tiền sang tài khoản khác và rút sạch.
Để ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo như trên, thiết nghĩ cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao cảnh giác, nhất là cho nhóm đối tượng người già, hưu trí. Các ngân hàng cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng; chú ý phát hiện và ngăn chặn kịp thời các giao dịch nghi vấn. Điều quan trọng người dân cần phải biết là: Cơ quan công an và các cơ quan pháp luật tuyệt đối không làm việc với công dân qua điện thoại, chỉ làm việc trực tiếp, khi có giấy tờ xác định. Mọi trường hợp nghi vấn gọi ngay cho cơ quan công an để được tư vấn và cung cấp thông tin giúp công an làm rõ tội phạm.
MINH HẠNH