Lửa hận tình và nỗi xót xa

Người xưa có câu 'ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng' để ngụ rằng, phàm đã là phụ nữ thì ít nhiều ai cũng có tính ghen tuông. Thậm chí, 'ghen' còn được ví như gia vị không thể thiếu trong tình yêu.

Thế nhưng, có không ít người vì nêm nếm “quá tay” đã phải trả giá đắt.

Cơn ghen mù quáng...

Chiếc xe chở phạm đỗ xịch trước sân tòa, bị cáo là một phụ nữ tuổi ngũ tuần bước xuống xe với đôi tay bị còng. Theo chân lực lượng dẫn giải, bị cáo bước từng bước chậm rãi vào phía trong phòng xét xử. Cách bị cáo không xa, hai cô con gái của nạn nhân, tay ôm tấm di ảnh của người cha quá cố, quét ánh mắt như có tia lửa điện về phía bị cáo.

Ngược về quá khứ, còn nhớ lúc ấy vào năm 2003 Cần Thị Xuân Dung là người đàn bà có 2 con và đang ly thân chồng. Trong thời gian này, Cần Thị Xuân Dung gặp ông L.B.C. rồi cảm thương người đàn ông bị vợ bỏ, phải sống cảnh gà trống nuôi con. Chẳng biết từ bao giờ, lòng cảm thương ấy đã lớn dần và rồi giữa họ đã nảy nở thứ tình cảm mà người ta gọi đó là tình yêu! Hai người, hai hoàn cảnh như hai cây khô khát nước, chỉ cần một cơn mưa tất sẽ hồi sinh và tình yêu trong họ chính là vậy!

Để minh chứng đó là tình yêu và khẳng định họ đã thuộc về nhau, Dung và ông C. dọn về ở chung tại căn nhà trọ trên đường Huỳnh Định Hai thuộc Phường 24, Quận Bình Thạnh, TP HCM. Chẳng nói thì ai cũng biết, thời gian đầu, cuộc sống của vợ chồng Dung cùng hai cô con gái riêng của C. khá hạnh phúc. Họ như chim cu lẻ bạn nay đã có đôi, hạnh phúc đông đầy. Ai cũng mừng cho họ, bởi sau bao nhiêu giông bão cuộc đời, hai con người mang hai số phận lao đao ấy lại có được hạnh phúc ngọt ngào. Cả Dung và ông C. dù không nói ra nhưng họ thầm cảm ơn tấm chân tình và cái nắm tay lúc khó khăn trân quý đến nhường nào. Với họ, mọi sự cố gắng đều được đền đáp, điều đó là có thật.

Vậy nhưng, có lẽ vì cái nắm tay của người phụ nữ lâu ngày được yêu ấy... “quá chặt” khiến cuộc hôn nhân của họ bức tử. Vợ chồng Dung bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Dung nghi ngờ ông C. có quan hệ tình cảm bên ngoài với một phụ nữ khác ở xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Khi lòng ghen lấn át lý trí thì mọi suy nghĩ đều bị bẻ cong. Lâu dần, giữa hai người không còn tiếng nói chung, thay vào đó là sự ngăn cách đẩy hai người dạt về hai hướng.

Người ta nói, tình yêu bên cạnh những ngọt ngào còn có cả vị đắng. Với Dung, buổi sáng cuối tháng 7/2018 thực sự là một ngày đắng chát. Thời điểm này Dung về nhà cha ruột tại Phường 1, Quận Bình Thạnh nhưng tâm trí vẫn không buông suy nghĩ chồng đi với nhân tình. Suy nghĩ nặng lòng, Dung gọi điện thoại cho ông C., cứ vậy mà tuôn ra những lời nặng nhẹ, không ai chịu ai dẫn đến cãi vả gay gắt qua điện thoại. Gần trưa, Dung về nhà trọ trong trạng thái ấm ức, lúc này ông C. cũng đã về nhà. Khi vừa trông thấy vợ ngay cổng, ông C. cứ thế đấm đá liên tục vào vợ. Dung đang tức ức nghẹn, nghĩ mình vừa bị chồng phản bội, còn bị đánh... khiến Dung điên loạn.

Bị cáo Dung bị dẫn giải rời khỏi phiên tòa

Bị cáo Dung bị dẫn giải rời khỏi phiên tòa

Ngay lúc ấy, Dung chạy ra ngoài chụp lấy can đựng 2 lít xăng của ông C. mua để làm cửa sắt tạt vào người ông. Can xăng bị ông C. đập mạnh rơi xuống đất, văng xăng tung tóe dính vào quần áo và người Dung. Trong phút chốc, người vợ hiền, người phụ nữ cam chịu ấy vùng lên như con thú dữ, lao vào nhà lấy hộp quẹt, bật lửa đốt vào vạt áo ông C. Chỉ một cái chớp mắt, cả người ông C. như ngọn đuốc. Ngọn lửa chứa chất hận thù không chỉ đốt cháy cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại” mà còn tước đi mạng sống của người đàn ông mà Dung đã có 15 nghĩa tình...

Tan một cuộc tình!

15 năm. Ngần ấy thời gian chưa phải là quá dài nhưng đủ để những con người xa lạ hiểu nhau, yêu nhau, sống với nhau có nghĩa có tình. Vậy nhưng, để có hơn 15 năm ấy, Cần Thị Xuân Dung đã không hề làm được. Thị đã không vượt qua được cái lằn ranh thiện-dữ nên phải trả cái giá bằng chính mạng sống chồng mình và những tháng ngày lao tù chờ thị.

Tại Tòa, bị cáo Dung cho rằng mình là người phụ nữ bất hạnh. Bất hạnh khi đến tuổi này còn bị chồng phản bội theo người phụ nữ khác, bất hạnh vì vợ chồng thường xuyên “cơm không lành canh không ngọt”, bất hạnh bởi thường xuyên bị chồng đánh đập. Ngày xảy ra án mạng, khi bị cáo từ nhà cha ruột về nhà thì bị C. xông tới đánh tới tấp nên đã không kiềm chế được sự tức giận, mới vớ can xăng tạt vào người chồng mà châm lửa. Trong câu trả lời của Dung, người dự khán hình dung ra bị cáo là một người phụ nữ cam chịu thậm chí an phận. Vậy nhưng, trái với điều đó, hai cô con gái của ông C. luôn miệng chì chiết cho rằng bị cáo là người đàn bà ác độc, ghen tuông mù quáng. “Bà ấy có một lần do ghen tuông đã xé tan áo cha tôi tại quán nhậu”, một cô con gái của ông C. bộc bạch.

Giờ nghị án, vị luật sư bào chữa cho Dung chia sẻ: “Chuyện gì cũng có nguyên nhân sâu xa, thực tế vợ trước ông C. đề đóm, nợ nần, bỏ trốn nên ông dắt 2 con gái qua nhà bà Dung ở. Mười mấy năm chung sống, chính bà Dung đã chăm lo cho 2 con ông ăn học. Sau khi bà mất việc, không còn nhiều tiền bạc như trước, ông C. bắt đầu hắt hủi bà, tìm người phụ nữ mới. Trước khi xảy ra vụ án, nhân tình của ông C. đã gọi điện khích tướng bà Dung, nói ông C. đã là của mình. Có người phụ nữ nào chịu được sự phản bội như thế?”.

Nếu đó là sự thật thì quả nhiên Dung là người phụ nữ đáng thương. Công bằng mà nói, người phụ nữ luôn chịu phần thiệt về mình nhưng khi sự chịu đựng vượt ngưỡng, khó trách sao họ điên dại làm liều. Đúng là không có người phụ nữ nào chiu đựng được như thế nhưng ở hoàn cảnh này bị cáo hoàn toàn có quyền lựa chọn cho mình hướng đi khác. Như lời một vị Hội thẩm phân tích: “Vợ chồng sống chung với nhau là tự nguyện, nếu bị cáo thấy người đàn ông đó không tốt với mình, bị cáo có quyền bỏ đi, bị cáo còn con cái cha mẹ mà. Ngay ngày xảy ra vụ án, nếu lúc chồng bị cáo đánh bị cáo, bị cáo có quyền bỏ chạy, đằng này bị cáo lấy xăng đốt chết chồng mình”.

Vì lựa chọn lối hành xử sai, mà giờ đây hai gia đình thông gia giờ nhìn nhau bằng ánh mắt hằn học. Những đứa con dù Dung không sinh ra nhưng có công nuôi dưỡng vốn gọi cô bằng mẹ giờ coi cô như kẻ thù. 15 năm tình nghĩa vợ chồng và một cơn cuồng giận- một người ra đi tức tưởi, một người sống với sự ân hận dày vò trong lao tù, hai đứa trẻ mất cha... tất thảy đớn đau không thể nào đong đếm...

Tòa vãn, mọi người lục đục ra về. Hai đứa trẻ đi ngang qua mặt Dung, quẳng về ánh nhìn đầy căm hận.

Dung bước ra xe, đôi chân của thị cứng ngắc như bị đổ chì, nỗi ân hận tràn qua đáy mắt...

Hồng Phan

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/lua-han-tinh-va-noi-xot-xa-23184.html