Lửa thử vàng

Có lẽ chưa năm nào khi tổ chức số báo về ngày 27/2 tôn vinh các bác sĩ, thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi lại tràn đầy cảm hứng như năm nay. Năm nọ năm kia chỗ này chỗ khác người ta còn có lời phàn nàn đâu đó, thì năm nay, cả xã hội tâm phục khẩu phục bày tỏ lòng biết ơn với đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, cả xã hội tự hào về nền y tế Việt Nam.

Bệnh nhân T.K.H. (Việt kiều Mỹ, 73 tuổi) tặng hoa các bác sĩ, y tá Việt Nam trong ngày được xuất viện, ngày 21/2.

Bệnh nhân T.K.H. (Việt kiều Mỹ, 73 tuổi) tặng hoa các bác sĩ, y tá Việt Nam trong ngày được xuất viện, ngày 21/2.

Đại dịch Covid-19 (tên gọi mới: SARS-CoV-2) nguy hiểm và gian nan nhưng như “lửa thử vàng”, trong gian lao thử thách, sáng ngời lên phẩm chất của những người thầy thuốc không bỏ vị trí của mình, sáng tạo tìm ra cách điều trị hiệu quả. Cho đến thời điểm này, về cơ bản các bệnh nhân nhiễm virus corona đã được chữa trị thành công, Việt Nam chưa có ca tử vong.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam trong những ngày người dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ngày 28 tháng Chạp, khi mọi người nghỉ ngơi đón Tết thì Việt Nam xác nhận ca dương tính với virus corona mới đầu tiên ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Ngay sau đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để tìm cách khoanh vùng, dập dịch và điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus corona chủng mới. Cùng với sự vào cuộc của công an, quân đội, hàng ngàn y tá, bác sĩ đã lên đường nhận nhiệm vụ trong trận chiến với virus corona chủng mới.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, toàn ngành y tế đã được kích hoạt và thực tế cho thấy, chúng ta đã đưa ra những kịch bản ứng phó kịp thời, khoa học.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), về dịch tễ, Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, tuy nhiên, chúng ta đã dự đoán đúng đắn tình hình, lường trước mọi chuyện ngay từ đầu. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp, hiệu quả để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ kiểm soát những người có nguy cơ lây nhiễm đến phát hiện, cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Trong khi dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Quốc, Hàn Quốc thì ở Việt Nam, những tín hiệu tốt hàng ngày được phát đi:

- Ngày 7/2, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus corona chủng mới. Việc này không những đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới phân lập thành công virus corona mà còn mở ra những cơ hội quan trọng trong việc phòng chống dịch Covid-19.

- Ngày 10/2, ba bệnh nhân bị Covid-19 ra viện, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2

- Ngày 10/2, nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hòa - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh virus corona chủng mới.

- Chiều 12/2, sau 21 ngày cách ly, điều trị, ông Li Ding - một trong hai bệnh nhân bị Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam - chính thức khỏi bệnh được xuất viện.

- 10h ngày 18/2, hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2 ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã xuất viện.

- 15h ngày 18/2, tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên được điều trị thành công tại cơ sở y tế tuyến huyện đã xuất viện.

- Sáng 20/2, bệnh nhi mắc Covid-19 nhỏ tuổi nhất (3 tháng tuổi) xuất viện.

- Chiều 21/2, tại TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân Việt kiều Mỹ T.H.K. (73 tuổi), đã được xuất viện ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sau 21 ngày điều trị bệnh Covid-19.

Đó thật sự là những tin vui không chỉ với người bị bệnh, gia đình các bệnh nhân, mà còn là niềm vui chung của cả cộng đồng. Lớn hơn thế, nó truyền đi thông điệp về một Việt Nam an toàn, trách nhiệm, một nền y tế Việt Nam chuyên nghiệp, ứng phó tốt với dịch bệnh khiến thế giới lo ngại.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, có được thành công ấy, thì điểu xuất phát chính là từ tinh thần quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, “không được chủ quan, không để dịch lây lan” và “chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân” ngay từ những ngày đầu, khi có thông tin về dịch bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngành y tế và các bộ, ngành liên quan phòng chống dịch Covid-19. Trong hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Có thể nói, tại Việt Nam, những hướng dẫn chuyên môn điều trị bệnh thường được xây dựng rất sớm.

Theo ông Khuê, với Covid-19, chúng tôi thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện. Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói, đối phó với dịch Covid-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của WHO.

Đến thời điểm này, không có ca bệnh nào mới dương tính tại Việt Nam. Bình luận về việc 16 bệnh nhân mắc Covid-19 đều ổn định, tiến triển tốt, không có bệnh nhân nào tiến triển nặng và không có bệnh nhân nào tử vong, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định: “Điều đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành và nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân từ việc cách ly điều trị ban đầu cho đến triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều trị”.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ của Việt Nam đã không quản ngại gian khó. Nhiều người bỏ Tết để vào viện, nhiều người đến làm nhiệm vụ ở những điểm nóng, khu vực cách ly như ở xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) để điều trị bệnh nhân. A.K. là một trong số 160 cán bộ chuyên môn, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên… từ các bệnh viện Trung ương và bệnh viện thuộc các bộ, ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tiên phong về huyện Bình Xuyên để hỗ trợ người dân nâng cao khả năng phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Anh K. chia sẻ: “Nếu nói không sợ, không lo lắng thì chúng tôi nói dối, nhưng trách nhiệm của một người khoác trên mình tấm áo blouse cùng lòng trắc ẩn với những con người cùng quê hương ruột thịt khiến nỗi lo lắng ấy bị lu mờ. Chúng tôi có trách nhiệm y đức, có lòng trắc ẩn và niềm tin dịch sẽ được đẩy lùi”.

Tất nhiên, còn sớm để nói về thành công của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam. Nhưng những kết quả ban đầu mà Việt Nam đạt được cho thấy chúng ta đã có phương án ứng phó kịp thời. Chính Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đánh giá tích cực về năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh Covid-19. WHO gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, WHO ghi nhận việc đã xử lý dịch bệnh do Covid-19 rất tốt. “Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành” - WHO nhấn mạnh.

Bộ Y tế đã sát cánh cùng với các thầy thuốc trong công tác phòng chống dịch ở cả Trung ương và cơ sở nên thấu hiểu được sự vất vả, sự cố gắng cũng như nỗi lòng của những các bộ y tế tham gia công tác chống dịch. Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đánh giá cao tất cả thầy thuốc đã tham gia vào công cuộc điều trị, phòng chống dịch cũng như tấm lòng, sự cố gắng của các thầy thuốc đã quên mình không vì lợi ích nhân cá nhân để phục vụ người bệnh- PGS.TS Lương Ngọc Khuê.

Nhóm phóng viên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/lua-thu-vang-tintuc460505