Luân chuyển cán bộ trong ngành kiểm tra Đảng

Ngày 6/7/2023, Ban chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 110-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ trong ngành kiểm tra đảng.

Giải đáp chính sách

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thư viện pháp luật)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thư viện pháp luật)

Hỏi: Tôi được biết, vừa có quy định về luân chuyển cán bộ trong ngành kiểm tra Đảng. Xin quý báo cho biết một số điểm mới?

(Phạm Ánh Hải, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau: Ngày 6/7/2023, Ban chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 110-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ trong ngành kiểm tra đảng. Theo đó, Điều 6 nêu về thẩm quyền, trách nhiệm:

1. Thẩm quyền

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định luân chuyển cán bộ theo thẩm quyền; đề nghị cấp ủy liên quan xem xét việc quyết định luân chuyển cán bộ ủy ban kiểm tra, cán bộ cơ quan ủy ban kiểm tra của cấp ủy.

- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

2. Trách nhiệm

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện luân chuyển cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát việc thực hiện luân chuyển cán bộ; định kỳ sơ kết, tổng kết công tác luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng.

- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức luân chuyển cán bộ trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển theo thẩm quyền.

- Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện chịu trách nhiệm tham mưu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy luân chuyển cán bộ theo thẩm quyền.

- Cơ quan nơi đi chịu trách nhiệm nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất luân chuyển; phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác quản lý và giữ mối liên hệ thường xuyên với cán bộ luân chuyển; tiếp nhận, bố trí hoặc đề xuất bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển.

- Cơ quan nơi đến chịu trách nhiệm thực hiện quyết định luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ luân chuyển rèn luyện, phát huy năng lực; quản lý cán bộ trong thời gian luân chuyển; phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu bố trí cán bộ sau luân chuyển.

- Cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến; tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả công tác định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.

- Cơ quan tham mưu công tác tổ chức - cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của cấp ủy tỉnh, huyện và tương đương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch; thẩm định, thẩm tra, rà soát đối với nhân sự luân chuyển; phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu nhận xét, đánh giá, bố trí cán bộ trước và sau luân chuyển.

Về Quy trình luân chuyển, Điều 7 nêu:

Bước 1. Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng theo nhiệm kỳ, hằng năm.

Bước 2. Căn cứ nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, cho chủ trương.

Bước 3. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổng hợp đề xuất của các địa phương, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển.

Bước 4. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì trao đổi với cấp ủy địa phương, đơn vị để dự kiến danh sách nhân sự, chức danh luân chuyển.

Bước 5. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo, cụ thể:

- Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.

- Gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp cán bộ để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

- Xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định hoặc chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).

Điều 8 quy định về thời gian luân chuyển và chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển:

1. Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

2. Chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển trong ngành Kiểm tra Đảng thực hiện theo quy định.

Điều 9 nêu về nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển:

1. Việc bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của ủy ban kiểm tra các địa phương, cơ quan, đơn vị; kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp có thẩm quyền.

2. Trường hợp cán bộ luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi đến thì không còn là cán bộ luân chuyển theo quy định...

B.A

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luan-chuyen-can-bo-trong-nganh-kiem-tra-dang-346414.html