Luật cấm tình một đêm tại World Cup 2022 bị chỉ trích

Các nhóm nhân quyền kêu gọi Qatar ngừng hình sự hóa quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Luật này khiến phụ nữ bị xâm hại hay mang thai ngoài ý muốn không thể tìm kiếm sự giúp đỡ.

Trước ngày khai mạc World Cup 2022 tại sân vận động Al Thumama, nước chủ nhà Qatar sẽ thực thi lệnh cấm quan hệ tình dục nghiêm ngặt đối với những du khách và người hâm mộ chưa kết hôn, theo Daily Star.

Tại quốc gia Trung Đông, luật Zina hình sự hóa quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Quy định này dựa trên truyền thống pháp luật Hồi giáo phân loại quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, mang thai ngoài giá thú và ngoại tình là những tội có thể bị phạt tù.

Trước khi gây chú ý tại World Cup 2022, lệnh cấm này nhiều lần trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế.

Các nhóm nhân quyền đã không ngừng kêu gọi Qatar ngừng hình sự hóa quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Các nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy luật Zina không giúp hạn chế tội phạm tình dục mà chỉ gây khó cho phụ nữ bị xâm hại hoặc mang thai ngoài ý muốn.

Paola Schietekat (người Mexico) khao khát được trở lại Trung Đông làm việc, nhưng điều đó gần như không thể. Cô từng có một công việc đáng mơ ước tại Qatar cho đến khi vụ việc kinh hoàng xảy đến khiến Schietekat phải chạy trốn khỏi đất nước này.

"Tôi không thể tin được những gì đã xảy ra với mình", cô nói với NBC News.

Schietekat, người yêu bóng đá, đã làm việc tại Qatar cho một tổ chức giao hàng, đơn vị được thành lập để phục vụ World Cup 2022 sẽ diễn ra vào tháng 11.

Tháng 6, cô bị hành hung bởi một người quen và đồng nghiệp cũng làm việc ở Qatar.

"Đang nằm ngủ thì tôi nghe thấy tiếng động trong bếp và dậy kiểm tra. Anh ta lao vào tôi. Chúng tôi xô xát cho đến khi tôi bị đánh ngất. Tôi tỉnh dậy với những vết bầm tím trên xương sườn, lưng, vai và toàn bộ phần bên trái cơ thể. Tôi đã nằm bất động trong khoảng 10 phút", cô kể.

Trước khi bỏ đi, hung thủ đã hét lên: "Đừng nghĩ đến việc nói với bất cứ ai là tao đánh mày".

Schietekat đã đi cùng đại diện Lãnh sự quán Mexico để báo cáo vụ việc với nhà chức trách Qatar. Nhưng thay vì được đối xử như nạn nhân, cô bị điều tra và yêu cầu kiểm tra trinh tiết.

"Đó là một sự sỉ nhục", Schietekat nói.

 Paola Schietekat đối mặt án tù khi trình báo kẻ tấn công tình dục. Ảnh: Paola Schietekat.

Paola Schietekat đối mặt án tù khi trình báo kẻ tấn công tình dục. Ảnh: Paola Schietekat.

"Kẻ tấn công tôi đã nói dối rằng chúng tôi có quan hệ tình cảm. Mặc dù tôi có bằng chứng pháp y về vụ đánh đập, họ vẫn chỉ tin anh ta và cho rằng chúng tôi ngoại tình và có thể phải ngồi tù 7 năm", cô nói.

Ngoài ra, vì theo đạo Hồi, Schietekat phải chịu thêm 100 roi.

Schietekat tìm cách rời Qatar với sự giúp đỡ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và đơn vị hỗ trợ World Cup, nơi cô làm việc. Người đàn ông tấn công cô cũng đã ra nước ngoài.

"Điều tồi tệ nhất là tôi bị kết án và không thể trở lại Trung Đông. Tôi không được làm công việc mình yêu thích và sự nghiệp coi như chấm hết".

Rothna Begum, nhà nghiên cứu quyền phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói rằng trường hợp của Schietekat tập hợp một loạt bất thường như bị thẩm vấn bằng tiếng Ả Rập mà không có người phiên dịch.

"Nhà chức trách dễ dàng tin lời hung thủ. Họ thậm chí còn không tiến hành một cuộc điều tra chính thức để chứng thực lời khai. Schietekat còn là một phụ nữ nước ngoài cư trú tại quốc gia đang tổ chức World Cup năm nay. Thật đáng lo ngại".

Cuối tháng 10/2020, vụ việc 13 phụ nữ Australia bị lục soát ở sân bay Qatar khiến dư luận phẫn nộ, theo ABC News.

Sau khi một đứa trẻ sơ sinh được tìm thấy bị bỏ rơi trong nhà vệ sinh ở sân bay, các hành khách nữ đã bị đưa vào phòng kín, bị yêu cầu cởi đồ để khám xét cơ thể.

Vụ việc nêu bật cách phụ nữ bị phân biệt đối xử ở Qatar, nơi những người ủng hộ nói rằng sự áp bức và chênh lệch giới tính là điều hoàn toàn bình thường.

Theo James Lynch, Giám đốc Fair Square và là cựu nhà ngoại giao Australia ở Qatar, tính gia trưởng là một phần không thể thiếu trong hệ thống tư pháp của Qatar. Quyền sinh sản và tình dục của phụ nữ thường bị xem nhẹ.

"Một nửa phụ nữ bị bỏ tù ở Qatar vì quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Quốc gia này quy định 'tội quan hệ bất chính' hay 'tội phạm tình ái' có thể bị phạt tù lên đến 7 năm và thông thường tòa sẽ tuyên án phụ nữ một năm tù".

 Vụ việc 13 nữ hành khách bị khám xét cơ thể tại sân bay Qatar năm 2020 gây bức xúc. Ảnh: Reuters.

Vụ việc 13 nữ hành khách bị khám xét cơ thể tại sân bay Qatar năm 2020 gây bức xúc. Ảnh: Reuters.

Bà Begum thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng phụ nữ Qatar bị xem như "công dân hạng hai" tại đất nước của mình. "Họ phải sống theo những gì được gọi là luật và chính sách giám hộ của nam giới. Điều này có nghĩa là để đưa ra một số quyết định về cuộc sống của mình, họ cần sự cho phép của cha hoặc chồng với tư cách là người giám hộ".

Bà Begum nói thêm luật Zina thường ảnh hưởng nhiều đến lao động nhập cư có thu nhập thấp.

"Nếu một phụ nữ phương Tây phát hiện mình mang thai ngoài hôn nhân ở Qatar, nhiều khả năng họ sẽ tìm được một chuyến bay để rời khỏi đất nước.

Phụ nữ dễ bị tổn thương nhất đến từ các quốc gia ở Nam Á hoặc Đông Nam Á, những người làm việc trong ngành dịch vụ và bị giới hạn ở nhà của chủ hoặc không có đủ thu nhập để trở về nước".

Đại dịch khiến những phụ nữ này mắc kẹt trong nhà với kẻ lạm dụng. "Một số phụ nữ bỏ chạy song việc làm này cũng bị coi là phạm tội. Nhưng nếu trình báo cảnh sát về việc bị hiếp dâm, họ có thể phải ngồi tù", bà Begum nói.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luat-cam-tinh-mot-dem-tai-world-cup-2022-bi-chi-trich-post1329246.html