Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh.

Sáng 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn

Tại Phiên họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, đề xuất sửa đổi Luật Công đoàn xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn và hoạt động của tổ chức Công đoàn thời kỳ mới; yêu cầu của việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới....

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Việc xây dựng Luật được dựa trên quan điểm quán triệt và thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến công nhân, công đoàn, đặc biệt là Nghị quyết số 02 ngày 12/6//2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, góp phần thúc đẩy Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, người lao động ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo người lao động và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam.

Luật sửa đổi sẽ kế thừa những nội dung đã được khẳng định tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành luật hiện hành, tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy tài chính Công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo các quy định của Luật Công đoàn phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước phù hợp và tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động

Về nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng luật, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Luật Công đoàn sửa đổi sẽ hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống công đoàn Việt Nam. Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019.

Đáng chú ý, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhìn nhận, việc sửa đổi Luật Công đoàn là một nhiệm vụ rất khó, có nhiều khía cạnh phức tạp, nhạy cảm. Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Tổng Liên đoàn sẽ phối hợp để tập trung cho việc nghiên cứu, giải trình những ý kiến khác nhau giữa các cơ quan...

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, đây là dự án luật cần sớm được ban hành để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và bảo đảm triển khai đồng bộ với các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tổ chức đại diện của người lao động.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa dự án Luật vào chương trình. Đồng thời, đề nghị Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham khảo ý kiến của Chính phủ và các cơ quan, tập trung lực lượng, huy động chuyên gia để hoàn chỉnh những vấn đề Ủy ban Xã hội và Ủy ban Pháp luật nêu trong hồ sơ, để xây dựng dự án luật đảm bảo chất lượng…

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/luat-cong-doan-sua-doi-se-tiep-can-va-xu-ly-cac-van-de-moi-phat-sinh-154430.html