Luật Công nghiệp công nghệ số cần bảo hộ nội dung có bản quyền

Quan ngại trước những tác động của các hoạt động bất hợp pháp và trái đạo đức của một số nhà phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế (IFPI) mong muốn Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và lấy ý kiến có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp.

Một vấn đề nổi cộm trong phát triển AI là việc sử dụng bất hợp lý và chiếm đoạt các tác phẩm sáng tạo được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bởi nội dung chất lượng cao là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng cho hệ thống AI chất lượng cao, có cùng tầm quan trọng với chất xám kỹ thuật và sức mạnh tính toán - những yếu tố mà các công ty AI đầu tư rất nhiều tiền vào đó.

“Tuy nhiên, nhiều nhà phát triển AI và đặc biệt là các nhà phát triển mô hình AI tổng quát đang “huấn luyện” mô hình của họ với một lượng lớn nội dung có bản quyền (bao gồm các tác phẩm âm nhạc và bản ghi âm) mà không xin phép hoặc trả tiền cho chủ thể quyền, ngay cả khi họ tạo ra kết quả đầu ra dựa trên những nội dung đó. Điều này vô hình chung là một sự “hút máu” từ sự nghiệp của các nghệ sĩ, nhà sáng tạo”, ông Đào Minh Hùng, đại diện IFPI cho biết.

Luật Công nghiệp công nghệ số cần bảo hộ nội dung có bản quyền

Luật Công nghiệp công nghệ số cần bảo hộ nội dung có bản quyền

Trước thực tế này, IFPI đề nghị tại Khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần quy định các hành vi bị nghiêm cấm cần bao trùm và cụ thể hơn, trong đó nên làm rõ các hành vi sử dụng trái phép nội dung được bảo hộ, bao gồm các tác phẩm có bản quyền hay giọng nói, hình ảnh, tên gọi và đặc trưng ngoại hình của cá nhân là những hành vi bị nghiêm cấm thay vì quy định chung chung trong dự thảo là “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số”.

“Khoản 3 Điều 7 phải gửi thông điệp rõ ràng rằng việc sử dụng các yếu tố được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà không được phép của chủ thể quyền và việc sử dụng giọng nói, hình ảnh, tên và các đặc trưng ngoại hình của cá nhân mà không được phép của người đó sẽ bị nghiêm cấm. Điều này khẳng định rằng các nhà phát triển AI phải xin phép chủ thể quyền để sử dụng các nội dung được bảo hộ như yêu cầu của luật hiện hành, bao gồm các nội dung có bản quyền hoặc giọng nói, hình ảnh, tên và các đặc trưng ngoại hình của cá nhân”, IFPI khuyến nghị.

Điều này là rất quan trọng vì sự phát triển trong tương lai của “AI có chất lượng” phụ thuộc vào nguồn cung cấp liên tục các nội dung mới, sáng tạo và độc đáo. Điều này đòi hỏi các nhà sáng tạo và các nhà đầu tư vào sự sáng tạo phải tiếp tục được bảo vệ và được trả thù lao hợp lý, từ đó có thể tiếp tục tạo ra nội dung mới.

“Hơn nữa, việc đề cập rõ ràng đến khái niệm “cần phải được sự cho phép trước” sẽ tăng cường uy tín của Chính phủ Việt Nam bằng cách thể hiện sự tôn trọng đối với quyền sở hữu trí tuệ, và rằng Chính phủ đang giải quyết các rủi ro thực sự của việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển AI”, IFPI phân tích.

IFPI hoan nghênh Ban soan thảo đã nỗ lực thiết lập một bộ nguyên tắc bao trùm nhằm cung cấp hướng dẫn về cách các hệ thống AI nên được thiết kế và phát triển tại Điều 60 dự thảo về “Nguyên tắc phát triển, cung cấp và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo” và Điều 62 “Trách nhiệm các bên liên quan đến hoạt động phát triển, cung cấp và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo”. Đồng thời, các quy định này cũng phản ánh được những nội trung trong Đạo luật AI của EU cũng như Hướng dẫn của ASEAN về AI.

Tuy nhiên, để tạo tiền đề toàn diện hơn cho việc ban hành pháp luật về AI trong tương lai và lan tỏa khái niệm về “AI đáng tin cậy”, ông Đào Minh Hùng đề nghị bổ sung nguyên tắc minh bạch và nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ.

Theo đó về nguyên tắc phát triển, việc cung cấp và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (Điều 60) cần bổ sung quy định: “Trong quá trình phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo, các hệ thống này phải đảm bảo lưu trữ hồ sơ chi tiết về các tài liệu được sử dụng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo và tiết lộ những hồ sơ này khi có yêu cầu từ các bên có quyền lợi hợp pháp, chẳng hạn như các chủ sở hữu quyền đang cần xác định liệu có hay không và bằng cách thức nào, quyền của mình đã được sử dụng, và trong trường hợp cần thiết, thực hiện và thực thi quyền của mình”.

Điều 62 dự thảo Luật, về trách nhiệm các bên liên quan đến hoạt động phát triển, cung cấp và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo, cần bổ sung thêm trách nhiệm: “Thiết lập chính sách để tuân thủ pháp luật, bao gồm pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan; Thiết lập và công khai một tập hợp đủ chi tiết các hồ sơ ở trạng thái sẵn sàng cho hoạt động thanh tra và kiểm tra, ghi nhận nội dung được sử dụng để huấn luyện mô hình AI đa mục đích, bao gồm tất cả các nội dung được bảo hộ bởi các luật liên quan, bao gồm luật sở hữu trí tuệ".

Việc đặt minh bạch như một nguyên tắc định hướng, việc đặt lưu trữ và tiết lộ hồ sơ như một nghĩa vụ then chốt, đảm bảo rằng khung pháp lý về bản quyền hiện có cũng như các quy định hiện hành khác, có hiệu lực trong thực tiễn sẽ giúp đảm bảo rằng các hệ thống AI truyền thống và AI tạo sinh được thiết kế và triển khai theo cách thức có thể quy được trách nhiệm, minh bạch và đáng tin cậy, bảo vệ quyền và an toàn của con người, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ, quyền cá nhân, quyền riêng tư và các quyền con người khác.

Liên quan đến Khoản 1 Điều 63 của dự thảo quy định "các sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo phải dán nhãn để nhận dạng", bà Nguyễn Huyền Minh, Luật sư cấp cao, Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN (liên minh của Baker McKenzie) phân tích nghĩa vụ dán nhãn nhận dạng sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo tại Khoản 1 Điều 63 thiếu tính rõ ràng và có thể không thể thực hiện được về mặt kỹ thuật.

Bởi, Dự thảo không xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm thực hiện việc dán nhãn nhận dạng này (nhà phát triển hay nhà cung cấp hệ thống trí tuệ nhân tạo). Hiện cũng không rõ khái niệm "sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo" có bao gồm các phân tích, suy luận, đưa ra các nội dung, dự báo, khuyến nghị, quyết định (hay gọi chung là đầu ra/output) của các hệ thống trí tuệ nhân tạo hay không. Trong một số trường hợp, ví dụ như hệ thống trí tuệ nhân tạo ra kết quả bằng văn bản, việc dãn nhãn nhận dạng là không khả thi về mặt kỹ thuật.

Ông Đào Minh Hùng cũng cho rằng quy định tại Điều 63 với việc bao trùm các sản phẩm công nghệ số do AI tạo ra phải mang nhãn nhận dạng là chưa hợp lý mà chỉ nên dán nhãn với nội dung hoàn toàn do AI tạo ra. Bởi lẽ, việc gắn nhãn nội dung “hoàn toàn do AI tạo ra” là điều quan trọng để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, giúp họ phân biệt giữa: nội dung hoàn toàn do AI tạo ra; và nội dung do con người sáng tạo, mặc dù AI có thể có hoặc không tham gia như là công cụ hỗ trợ trong quá trình này.

Hoa Hạ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-can-bao-ho-noi-dung-co-ban-quyen-155719.html