Luật hóa thu phí ô tô vào nội đô, chưa đúng thời điểm?
Thời điểm hiện tại chưa nên thu phí ô tô vào nội đô. Khoảng 10 - 15 năm nữa khi hệ thống giao thông công cộng kết nối hoàn chỉnh, đời sống của người dân nâng cao, khi đó hãy áp dụng thu phí ô tô vào nội đô.
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đường bộ diễn ra vào sáng 21/5, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định.
Theo đại biểu, việc thu phí sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Ngoài ra, bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
Theo bà Thủy, hiện 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Hà Nội, TPHCM đã xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt.
Do đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, nếu Luật Đường bộ và Luật Phí, lệ phí có quy định chính thức loại phí này, đồng thời, giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương. Từ đó, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc tại thành phố lớn.
Trước đó, năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án: "Tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030", trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, là một trong các giải pháp để hạn chế xe cá nhân, ô nhiễm môi trường.
Năm 2023, Sở GTVT Hà Nội đề xuất triển khai thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2027. Theo Sở GTVT, việc thu phí vào nội đô nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Hà Nội hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn 1 triệu ôtô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Con số này chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, xe biển ngoại giao, biển quốc tế và của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố
Liên quan đến nội dung này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, việc thu phí vào nội đô Hà Nội đã từng được chính quyền thành phố đề cập nhiều lần, nhưng vì nhiều lý do chưa thể triển khai. Trên thế giới một số thành phố cũng áp dụng việc thu phí này, nhưng một số nơi không thành công.
Ông Đức cho rằng, Hà Nội muốn thực hiện được việc này trước hết phải xác định rõ mục đích của thu phí. Nếu mục đích thu phí vào nội đô để lấy tiền xây dựng hạ tầng như London (Anh) thì mức phí khác và thu phí nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí thì mức phí cũng sẽ khác.
Một chuyên gia khác cũng bày tỏ, Hà Nội hay TPHCM khác hoàn toàn Singapore khi việc di chuyển của người dân không quá khó để tìm một phương tiện công cộng vào trung tâm thành phố.
Singapore có diện tích vỏn vẹn hơn 728,6km2 nhưng đã có 5.049 trạm xe buýt, 6 tuyến metro bao gồm 127 trạm (trong đó 28 trạm kết nối). Tất cả hệ thống công cộng được thanh toán chung qua một thẻ.
Với thực tế ở Hà Nội hiện nay, chuyên gia lo ngại nếu áp dụng mức thu phí vào nội đô, người dân sẽ tập trung sinh sống hoặc dịch chuyển vào trong nội đô cư trú để không phải trả phí khi lưu thông. Việc này sẽ ngày càng tạo áp lực về mật độ dân số trong khu vực trung tâm, như vậy sẽ không đạt được mục tiêu giảm ùn tắc, khí thải.
Trao đổi thêm với PV VietNamNet, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải cho rằng, việc quy định trong luật có thu phí hay không thu phí vào nội đô là do các cấp có thẩm quyền quyết định. Ông Thủy khẳng định, theo quan điểm của cá nhân ông thì không nên thực hiện giải pháp này.
“Vì giao thông là mạch máu của đất nước, từ ô tô con đến xe đạp, xe máy, tàu điện, metro đều là mạch máu. Nếu hạn chế đi lại nghĩa là vi phạm quyền đi lại của người dân trong khi hạ tầng giao thông công cộng chưa tốt.
Nếu hạ tầng giao thông công cộng ở các thành phố tốt giống như ở Paris quy định ngày chẵn xe chẵn đi, ngày lẻ xe lẻ thì sẽ giảm một nửa phương tiện. Nhưng ở ta còn đang khó khăn, 80-90% người dân còn thu nhập thấp, nếu tiếp tục thu phí vào nội đô là chưa hợp lý.
Do đó, tôi cho rằng không nên đưa vào luật sớm. Nếu đưa vào là áp đặt và mất mục tiêu nâng cao đời sống của người dân chứ không phải là giảm ùn tắc. Giảm ùn tắc mà ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì không nên làm”, TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ.
Dẫn chứng thêm, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, người Việt khi mua ô tô đã phải chi trả nhiều khoản thuế phí như thuế nhập khẩu, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đường bộ… Giờ tiếp tục quy định phải thu thêm phí vào nội đô thì rõ ràng phí chồng phí.
Do đó, TS. Xuân Thủy cho rằng, chưa nên thu phí ô tô vào nội đô tại thời điểm này. Khoảng 10 - 15 năm nữa khi hệ thống giao thông công cộng kết nối hoàn chỉnh, đời sống của người dân nâng cao, khi đó nên áp dụng biện pháp kinh tế thu phí ô tô vào nội đô để hạn chế đi lại.