Luật một đằng, hướng dẫn một nẻo

Phản ánh đến Báo Người Lao Động mới đây, anh Lê Thanh Hùng, công nhân một doanh nghiệp (DN) tại huyện Hóc Môn, TP HCM, bày tỏ bức xúc:

"Khi bị tai nạn lao động (TNLĐ), tôi đã tham khảo ý kiến luật sư về việc giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ) bị TNLĐ. Theo đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm trả lương và chi phí y tế trong thời gian điều trị tai nạn. Thế nhưng, DN lại dựa vào một văn bản trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) để từ chối giải quyết quyền lợi cho tôi".

Theo trình bày của anh Hùng, đầu tháng 6-2019, anh bị tai nạn giao thông trên đường đi làm việc và phải điều trị trong thời gian 2 tháng. Kết quả điều tra kết luận anh bị TNLĐ do lỗi của người khác gây ra, nhưng không xác định được người gây tai nạn. Trong thời gian điều trị, anh không được công ty trả lương và chi phí đồng chi trả với BHYT. Khi anh khiếu nại, công ty đưa ra văn bản trả lời của Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB-XH gửi Công ty TNHH Global Dyeing (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), hướng dẫn thực hiện chế độ TNLĐ đối với một trường hợp tương tự. Cụ thể, Công ty TNHH Global Dyeing hỏi: Theo khoản 2, điều 39 Luật An toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ trợ cấp cho NLĐ theo quy định tại khoản 5, điều 38 của Luật AT-VSLĐ. Trong trường hợp này, pháp luật hiện hành có quy định bắt buộc NSDLĐ phải chi trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị cho NLĐ không? Phản hồi ý kiến DN, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng Luật AT-VSLĐ không quy định bắt buộc NSDLĐ phải chi trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị tại trường hợp tai nạn nêu trên. Khoản 1, điều 4 Bộ Luật Lao động 2012 quy định khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ.

Văn bản được doanh nghiệp tại Hóc Môn, TP HCM áp dụng để từ chối khiếu nại của anh Hùng

Văn bản được doanh nghiệp tại Hóc Môn, TP HCM áp dụng để từ chối khiếu nại của anh Hùng

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Một thành viên Tín Nghĩa, khẳng định văn bản trả lời của Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB-XH chưa phù hợp với các quy định của Luật AT-VSLĐ và gây thiệt thòi cho NLĐ. Điều 38 Luật AT-VSLĐ quy định: Khi xảy ra TNLĐ, NSDLĐ có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho NLĐ bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp; thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ. Ngoài ra, NSDLĐ còn có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra; trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng. "Mặt khác, trong trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ trợ cấp cho NLĐ theo quy định tại khoản 5, điều 38 của luật này" - Luật sư Lễ cho biết thêm.

Mai Chi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/luat-mot-dang-huong-dan-mot-neo-20191104225757773.htm