Luật Sở hữu trí tuệ cần cân bằng giữa yêu cầu quốc tế và lợi ích quốc gia

Sáng 21/01, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Dự thảo luật này đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu cũng như qua các cuộc khảo sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã ghi nhận gần 200 lượt ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và 4 đợt tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Pháp Luật. Đến nay, dự thảo luật có 119 điều của Luật SHTT hiện hành được sửa đổi, bổ sung, tăng 9 điều so với dự thảo Luật đã trình QH tại kỳ họp thứ 2, trong đó 12 điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, 5 điều là bãi bỏ một số quy định, đồng thời bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải Quan, Luật Khoa học công nghệ và Luật quản lý tài sản công...

Cũng theo Ủy ban Pháp luật, hiện còn 2 nội dung thuộc nhóm quyền tác giả, quyền liên quan và quyền đối với giống cây trồng trong quá trình chỉnh lý còn có ý kiến khác nhau, cụ thể là khái niệm “tác phẩm phái sinh” tại khoản 8 Điều 4 và “Tinh mới của giống cây trồng tại Điều 159 trong dự thảo Luật. Do còn có ý kiến khác nhau nên dự thảo Luật được thiết kế 02 phương án để tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, đồng thời một số nội dung khác cần tiếp tục lắng nghe ý kiến các chuyên gia, đại biểu để có phương án tiếp thu hoàn thiện.

Tại hội thảo các chuyên gia đã bình luận chuyên sâu và đề xuất phương án chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về các trường hợp ngoại lệ, không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, giới hạn quyền tác giả; về tác phẩm phái sinh và mối quan hệ giữa quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, cạn quyền và nhập khẩu song song trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; các quy định của về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, cơ chế phân chia lợi ích; quy định về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý; quy định của dự thảo luật về nhóm quy định về giống cây trồng. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng phân tích kỹ dựa trên nhiều góc độ cân bằng lợi ích và phù hợp với thực tiễn, pháp luật Việt Nam cũng như hội nhập quốc tế để đưa ra những đề xuất sửa đổi các điều, quy định trong dự thảo Luật. Nhiều ý kiến cũng đề nghị các quy định trong dự thảo luật cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, để phù hợp với thông lệ quốc tế./.

Thực hiện : Bích Hạnh Quang Sỹ

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/luat-so-huu-tri-tue-can-can-bang-giua-yeu-cau-quoc-te-va-loi-ich-quoc-gia