Luật sư Đặng Văn Cường: Cơ quan chức năng cần vào cuộc, xác định hoạt động quảng cáo sữa sai sự thật

Cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xác định phân loại tất cả các hành vi thực hiện hoạt động quảng cáo về sữa trên không gian mạng.

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm liệu có một chiến dịch "truyền thông bẩn" và hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong ngành sữa hay không? Điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường sữa Việt Nam như thế nào? Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đã có trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này.

Là người đã chứng kiến và nghiên cứu một số chiến dịch "truyền thông bẩn" liên quan đến hàng hóa, cạnh tranh, lần này dư luận cho rằng đây là chiến dịch "truyền thông bẩn" tai tiếng nhất từ trước đến nay trong ngành sữa. Có bạn đọc đã kiến nghị rằng, phải lên tiếng mạnh mẽ để dư luận, công luận và các cơ quan quản lý không bị mắc bẫy truyền thông? Ông bình luận như thế nào về kiến nghị này?

Tôi cho rằng, thứ nhất, kiến nghị của bạn đọc thể hiện sự trách nhiệm đối với cộng đồng, với người tiêu dùng cũng như là kỳ vọng vào cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, bạn đọc cũng mong muốn xác định có phải là một chiến dịch "truyền thông bẩn" hay không? Thứ hai, "truyền thông bẩn" xác định ở mức độ như thế nào, ai người thực hiện hành vi đó thì tôi cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc và xác định phân loại tất cả các cái hành vi thực hiện các hoạt động quảng cáo về sữa trên không gian mạng. Từ đó, chúng ta thấy rằng, hành vi nào là quảng cáo đúng theo Luật Quảng cáo và hành vi nào là vi phạm về quảng cáo.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Hiện nay, vấn đề này có liên quan đến một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đầu tiên phải kể đến là Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, 4 văn bản pháp luật này có liên quan trực tiếp đến hoạt động quảng cáo về sữa và nếu trong trường hợp mà xuất hiện quá nhiều, dày đặc, những nội dung có tính chất thường xuyên, cạnh tranh không lành mạnh theo hướng là so sánh trực tiếp hoặc là đưa ra những thông tin thất thiệt, sai sự thật đối với đối thủ cạnh tranh, thì rõ ràng là những thông tin đó là vi phạm Luật Quảng cáo và vi phạm Luật Cạnh tranh. Với những hành vi như vậy, chủ thể bị xâm phạm có quyền gửi đơn đến cơ quan chức năng để có thể là xem xét, điều tra, xác minh, xử lý, đồng thời cũng phải khởi kiện ra tòa án.

Còn nếu trong trường hợp những hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì có thể đưa sự việc ra cơ quan điều tra để xem xét xử lý. Tôi cho rằng, trong việc này các cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét để làm rõ, xử lý. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải tỉnh táo trong việc tiếp cận những thông tin, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội, thông tin chưa được kiểm chứng hoặc những thông tin ác ý, có tính chất xuyên tạc để cạnh tranh không lành mạnh.

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí vẫn đăng tải thông tin sai sự thật, còn trên mạng xã hội thì tràn ngập những thông tin "đánh bẫy" người tiêu dùng. Thậm chí còn có hiện tượng một số hãng sữa Việt Nam bị đối thủ dùng cả truyền thông chính thống, mạng xã hội, KOL hoặc cả những trang mạng không rõ nguồn gốc vùi dập không thương tiếc. Ở góc độ luật sư, theo ông thì đâu là nguyên nhân của thực trạng nhức nhối trên và hành vi trên đã vi phạm pháp luật như thế nào? Những clip đánh tráo khái niệm được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội nên được xử lý như nào cho đúng, đủ sức răn đe?

Chúng ta thấy rằng xuất hiện khá nhiều những hành vi vi phạm quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là quảng cáo về sữa. Dưới góc độ pháp lý, những hành vi này là vi phạm pháp luật. Chúng ta có Luật Cạnh tranh để đảm bảo cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, làm sao cạnh tranh về hàng hóa, về chất lượng, về giá cả, về dịch vụ một cách lành mạnh, tạo ra sự đa dạng trong xã hội, tạo ra cơ hội để cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn và những cái doanh nghiệp chân chính sẽ có cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh cũng có những quy định, hành vi là cấm cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra những thông tin hoặc là những hình thức để dìm hàng đối thủ. Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung những quy định để xác định những hành vi nào là cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay, chế tài về cạnh tranh đã có chế tài hành chính và chế tài hình sự, trong Điều 217 của Bộ luật Hình sự, quy định hình phạt vi phạm quy định cạnh tranh lên đến 5 năm tù, với mức phạt tiền có thể lên đến 5 tỷ đồng, hình phạt này áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại. Chế tài và pháp luật đều đã có quy định, nhưng hiện tượng vi phạm vẫn còn do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên là ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn kém, hạn chế vì lợi ích cá nhân. Chính vì vậy, họ đã bất chấp để đưa ra truyền thông bẩn, thông tin bịa đặt, xuyên tạc để hạ gục đối thủ. Đó là hành vi liên quan đến đạo đức kinh doanh và ý thức chấp hành pháp luật. Vấn đề thứ hai, là sự đa dạng của các hình thức quảng cáo hiện nay. Quảng cáo ở trên các nền tảng mạng xã hội đôi khi mang lại rất nhiều hiệu quả trực tiếp. Những người quản lý các trang mạng đó được tự do đăng tải khi chưa được kiểm duyệt. Khi cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý thì là sự việc đã bị lan truyền rộng rãi. Vấn đề thứ ba, các đối tượng thực hiện hành vi phạm thì ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài, xóa các dấu vết khi bị có chức năng phát hiện. Nhiều đối tượng cố ý thực hiện hành vi phạm. Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn về lực lượng, hay phương tiện kỹ thuật...

Thời gian gần đây, hành vi vi phạm trên không gian mạng phát triển rất nhanh, có thể kể đến hành vi lừa đảo, những hành vi vi phạm về quảng cáo. Nguyên nhân chủ yếu nhất do sự bùng nổ của công nghệ thông tin dẫn đến việc quản lý còn nhiều khó khăn. Từ những vấn đề này, chúng ta cần có những giải pháp kịp thời để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, cũng như là các thông tin liên quan đến việc hành vi cạnh tranh không lành mạnh để xử lý kịp thời.

Các "bác sĩ online" thể hiện quan điểm trên mạng xã hội

Các "bác sĩ online" thể hiện quan điểm trên mạng xã hội

Nghị định 15/2018/NĐ-CP năm 2018, Nghị định 100/2014/NĐ-CP năm 2014 về quản lý sữa đến nay vẫn bộc lộ nhiều lỗ hổng quản lý đến mức trao đổi với Báo Công Thương, có đại diện cơ quan quản lý cho biết không thể xử lý dấu hiệu sai phạm, cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số doanh nghiệp sữa nước ngoài. Vậy, theo ông, phải chăng đã đến lúc cần phải sửa đổi ngay một số điều trong các nghị định và văn bản quy phạm pháp luật để lành mạnh hóa thị trường?

Ngoài những văn bản luật như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng hay Luật An toàn thực phẩm thì còn có nhiều văn bản dưới luật, trong đó có Nghị định. Trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng về sữa cho trẻ em có hai văn bản: Nghị định 100/2014/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP năm 2018. Nghị định 100/2014/NĐ-CP ban hành từ năm 2014 đến nay gần 10 năm, trong khi đó có rất nhiều sự thay đổi của xã hội.

Đặc biệt, hiện nay, các công ty xuyên quốc gia và những công ty hoạt động trên các nền tảng số đang thực hiện các hoạt động quảng cáo cũng như bán hàng vào Việt Nam. Trong khi đó, đối với những hành vi vi phạm thì phạm vi điều chỉnh của các văn bản này có thể chưa tới hoặc chưa rõ ràng, dẫn đến khi phát hiện những vụ việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp xuyên quốc gia thì việc xử lý thì sẽ gặp khó khăn. Qua theo dõi những vụ việc liên quan đến cạnh tranh cũng như liên quan đến các hoạt động quảng cáo, tôi cho rằng với Nghị định 100 và Nghị định số 15, chúng ta cần có nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, tổng kết quá trình thực hiện để từ đó có thể kiến nghị sửa đổi sớm. Bên cạnh đó, đến lúc phải tiếp cận những thông tin, những vướng mắc, bất cập cũng như những mâu thuẫn chồng chéo đối với các văn bản khác để khi sửa đổi nghị định. Chúng ta có những nội dung xác thực để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng trong thực tế.

Tôi xin chia sẻ thêm về câu chuyện sửa luật hoặc sửa những văn bản dưới luật, đó là nhiệm vụ thường xuyên trong hoạt động lập pháp cũng như tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật. Tuy nhiên sửa thời điểm nào, sửa nội dung nào cũng cần cân nhắc và tổng hợp. Một quy trình từ chính sách, thể chế hóa thành pháp luật đến tổ chức thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn và soi lại chính sách, điều chỉnh lại chính sách, hoàn thiện chính sách, sửa đổi pháp luật. Một cách tổng thể thì pháp luật là một trong những hình ảnh xã hội, phụ thuộc vào tồn tại xã hội. Bởi vậy, khi xã hội càng phát triển thì đòi hỏi sự thay đổi của pháp luật. Vấn đề chắc chắn là sửa, nhưng sửa thời điểm nào, sửa nội dung nào cần phải đánh giá về thực tiễn cũng như đặt văn bản trong cái bối cảnh toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống chỉnh thể, để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Khôi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-su-dang-van-cuong-co-quan-chuc-nang-can-vao-cuoc-xac-dinh-hoat-dong-quang-cao-sua-sai-su-that-284511.html