Luật sư nói gì về việc 'đại gia' Thanh Hóa từ bỏ biển số đã trúng đấu giá hơn 32 tỉ đồng?
Một số ý kiến đề xuất cần có chế tài cho việc trúng đấu giá biển số nhưng không đóng tiền, khiến cho đơn vị đấu giá phải tổ chức đấu giá lại.
Vừa qua, trên trang đấu giá của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam niêm yết các biển số chuẩn bị được đưa ra đấu giá. Đáng chú ý, trong danh sách này có 6 biển số đã được đấu giá hôm 15-9.
Cụ thể, danh sách được công bố đã xuất hiện các biển số của phiên đấu giá thứ nhất hôm 15-9 gồm: 51K-888.88 (TP.HCM, giá trúng trước đó 32,340 tỉ đồng); 30K-555.55 (Hà Nội, giá trúng trước đó 14,12 tỉ đồng); 30K-567.89 (Hà Nội, 13,075 tỉ đồng); 36A-999.99 (Thanh Hóa, 7,47 tỉ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, 3,075 tỉ đồng), 47A-599.99 (Đắk Lắk, 1,37 tỉ đồng).
Theo công bố, các biển số này sẽ được đưa ra đấu giá trong tháng 10.
Sau sự việc này, nhiều ý kiến đặt vấn đề cần có chế tài cụ thể cho trường hợp đấu giá “ảo” này, để biển số sẽ tìm được chủ nhân thực sự có nhu cầu.
Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Hiện nay người đấu giá có quyền bỏ cọc và hiện chưa có chế tài về vấn đề này. Luật chỉ quy định người đã trúng đấu giá mà không đóng tiền, thì mất tiền cọc là 40 triệu đồng”.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 19 Nghị Định 39/2023, nếu sau 15 ngày, người trúng đấu giá biển số không nộp đủ tiền thì kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Khi đó, biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại; số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.
Hơn nữa căn cứ Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước như sau: Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới năm triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.....
Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; Bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật này; Từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này; Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 50 của Luật này; Từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 của Luật này.
Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, tổ chức đấu giá tài sản không được quy định thêm các trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong Quy chế cuộc đấu giá.
Tiền đặt trước quy định tại khoản 6 Điều này thuộc về người có tài sản đấu giá. Trong trường hợp người có tài sản đấu giá là cơ quan nhà nước thì tiền đặt trước được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản.
“Nên có quy định các tài sản mà do Nhà nước quản lý khi đấu giá, thì không nên bỏ cọc. Nếu có người bỏ cọc thì cần bổ sung, điều chỉnh sửa đổi luật về hành vi bỏ cọc này. Có thể có biện pháp như phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc 30% giá trị tài sản đấu giá, tránh đấu giá rồi bỏ cọc”- luật sư Tuấn đề xuất.