Lực đẩy FTA giúp xuất nhập khẩu hàng Việt tăng mạnh

Theo ông Lê Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo lực đẩy giúp cho hoạt động xuất khẩu hàng Việt gia tăng mạnh mẽ, Việt Nam trở thành nền kinh tế năng động, phục hồi nhanh chóng sau dịch Covid-19.

Xuất khẩu tăng 2 con số

Theo Bộ Công thương, 8 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% (so với cùng kỳ năm trước), trong đó, xuất khẩu tăng trên 17%.

Ông Lê Chung Khanh cho hay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhờ các FTA, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần có điều kiện tiếp cận thị trường nhiều quốc gia trên thế giới (ví dụ như các nước châu Âu, châu Mỹ), với mức thuế quan gần như bằng 0.

Việc các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada hay các nước EU giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam đã tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Thủy sản - thế mạnh xuất khẩu của hàng Việt Nam. Ảnh: Hải Anh

Thủy sản - thế mạnh xuất khẩu của hàng Việt Nam. Ảnh: Hải Anh

Minh chứng, với FTA Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 32 tỷ USD, tăng tới 24%. Đặc biệt, xuất siêu sang EU ước đạt tới 21,6 tỷ USD, tăng gần 47%. Đây là con số ấn tượng sau 2 năm thực thi hiệp định.

Không chỉ 8 tháng đầu năm mà theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.

EU là một thị trường đa dạng

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, EVFTA đã có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, vì EU là đối tác lớn của Việt Nam lâu năm. EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam trong đó có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo. Bên cạnh đó, thị trường EU cũng là một thị trường đa dạng và cả các sản phẩm công nghiệp cũng được tiêu thụ lớn.

Trong 2 năm vừa qua, đa số các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như: sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%.

Trong khi đó, xuất khẩu sang các quốc gia trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 7 tháng đầu năm cũng có tốc độ tăng trưởng rất cao, như: sang Canada tăng trên 20%, Mexico trên 44%; Peru trên 84%... Với các đối tác lớn khác, như Hàn Quốc, xuất khẩu 8 tháng ước đạt 16,5 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 16 - 17%.

Về phía các doanh nghiệp, nhiều FTA đã được tận dụng khá thành công. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ trong năm 2022, gạo Việt Nam tiếp tục hưởng lợi thế từ các FTA, đặc biệt là EVFTA. Từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, xuất khẩu gạo của Công ty Trung An sang thị trường EU đã gia tăng đáng kể.

EU trở thành thị trường chính của doanh nghiệp và gạo chất lượng cao là mặt hàng chủ lực công ty xuất khẩu sang thị trường này. Mới đây, gạo Việt Nam của Tập đoàn Lộc Trời mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" đã chính thức lên kệ 2 hệ thống siêu thị, với hơn 800 đại siêu thị trên toàn nước Pháp. Đây là bước tiến đầu tiên, bước tiến dài và đầy tiềm năng cho gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu của mình.

Doanh nghiệp cần khắc phục hạn chế về năng lực cạnh tranh

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đáng khích lên trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường FTA trong thời gian qua, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, nhấn mạnh châu Âu đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường, thúc đẩy quyền con người và quyền của người lao động, trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Ba trụ cột này được lồng vào chính sách thương mại của khối, cũng như được thể hiện trong EVFTA. Doanh nghiệp phải cam kết và đạt được các tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững mới có thể hưởng ưu đãi thuế quan. Chính vì vậy doanh nghiệp Việt cần coi trọng yếu tố này để thâm nhập có hiệu quả vào thị trường EU.

Lực đẩy FTA giúp xuất nhập khẩu hàng Việt tăng mạnh. Ảnh: TL

Lực đẩy FTA giúp xuất nhập khẩu hàng Việt tăng mạnh. Ảnh: TL

Theo ông Lê Chung Khanh, trong quá trình tham gia các FTA, doanh nghiệp cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức do yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp còn thiếu thông tin về quy định, yêu cầu trong nước của phía nhập khẩu, biện pháp đối phó với vụ kiện thương mại cũng như thiếu liên kết với doanh nghiệp cùng ngành hàng để đảm bảo đa dạng mặt hàng, sản lượng và giảm chi phí xuất khẩu… Do đó, doanh nghiệp Việt cần bám sát và cập nhập thông tin thường xuyên để kịp thời đáp ứng.

Doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin liên quan trên Cổng thông tin điện tử FTA của Việt Nam tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn/), để tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Thực tế thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được lợi ích từ các cam kết mở cửa thị trường FTA đã ký kết. Theo số liệu của Bộ Công thương, hàng năm, đã có hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp với trị giá khoảng 61,19 tỷ USD, với mức tăng khoảng 15% về trị giá và tăng 10% về số lượng bộ C/O hàng năm.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/luc-day-fta-giup-xuat-nhap-khau-hang-viet-tang-manh-112753.html