Lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ rừng
Kiểm lâm địa bàn là lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách gần rừng nhất, đóng vai trò 'cầu nối' giữa người dân với những cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Thực hiện nhiệm vụ tại phần lớn là các xã vùng sâu, vùng cao, đi lại khó khăn, diện tích rừng được giao quản lý nhiều nên bình quân mỗi cán bộ kiểm lâm địa bàn được giao phụ trách khoảng 1.000 ha rừng. Công việc khó khăn, vất vả, thậm chí phải đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm, nhưng với trách nhiệm, sự tâm huyết, lực lượng kiểm lâm địa bàn trong tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) có hơn 1.400 ha rừng, trong đó hơn 259 ha rừng gỗ trai, nghiến. Đây là 2 loài gỗ có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao nên “lâm tặc” thường thực hiện nhiều thủ đoạn để khai thác trái phép. Nắm rõ tình hình, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám sát rừng, cùng người dân và chính quyền xây dựng phương án bảo vệ, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Lực lượng kiểm lâm địa bàn đã thực hiện phương châm 3 bám (bám chính quyền, bám rừng, bám dân) trong công tác bảo vệ rừng. Cùng với đó là tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng.
Còn tại huyện Bảo Yên, do địa bàn rộng, nhiều diện tích rừng giáp ranh với huyện Bảo Thắng, huyện Bắc Hà và huyện Lục Yên (Yên Bái), huyện Quang Bình (Hà Giang) nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, lực lượng kiểm lâm địa bàn luôn chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát nắm thông tin các đối tượng có ý đồ hoặc hành vi xâm hại rừng để ngăn chặn kịp thời. Trong 9 tháng năm 2021, từ việc nắm thông tin, phát hiện, tham mưu của cán bộ kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên đã kịp thời ngăn chặn, xử lý 13 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử phạt hơn 56 triệu đồng. Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: Ngay từ đầu năm, kiểm lâm địa bàn các xã đã tham mưu với chủ tịch UBND xã ban hành kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn quản lý. Nhờ đó, các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp được ngăn chặn kịp thời, nhiều năm liền trên địa bàn huyện không để xảy ra cháy rừng...
Toàn tỉnh hiện có hơn 356.000 ha rừng, trong đó có gần 2.100 ha rừng đặc dụng, phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Để tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã bố trí 164 kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương tổ chức tuần tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Lực lượng kiểm lâm địa bàn còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp đến người dân sống gần rừng; tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ và phát triển rừng.
Kết quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng năm 2021, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho UBND các xã, thị trấn triển khai lực lượng, phối hợp tổ chức 262 lượt tuần tra quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở; phát hiện gần 50 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm địa bàn, đơn vị đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp như phát động thi đua chuyên đề về công chức kiểm lâm địa bàn giỏi, trạm kiểm lâm địa bàn kiểu mẫu; tổ chức kiểm tra nghiệp vụ, sức khỏe đối với kiểm lâm địa bàn. Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đều tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm lâm địa bàn, tập huấn sử dụng các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng trong việc rà soát, theo dõi diễn biến rừng, phát hiện sớm cảnh báo cháy rừng, lập sơ đồ, vị trí tuần tra, kiểm soát…
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348620-luc-luong-nong-cot-trong-quan-ly-bao-ve-rung