Lực lượng vũ trang Thanh Hóa phát huy truyền thống, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Qua 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường. Tiềm lực, thế trận, lực lượng, cơ sở vật chất của nền quốc phòng không ngừng được củng cố, phát triển toàn diện, đồng bộ.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Minh Hiếu
Cách đây đúng 75 năm, trong thời kỳ vận động cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng được thành lập. Đây là sự kiện chính trị, lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời, phát triển của lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng Việt Nam.
Với 34 cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí thô sơ nhưng quân đội ta đã mở đầu trang sử truyền thống “bách chiến, bách thắng” bằng chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đầy mưu trí, dũng cảm, sáng tạo. Chưa đầy một tuổi, quân đội đã cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiếp đó, quân đội là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh bại thực dân Pháp, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, phát huy bản chất cách mạng, truyền thống anh hùng, mưu trí, sáng tạo, ý chí quyết chiến, quyết thắng, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”, cùng toàn dân đập tan hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972), bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội và hậu phương lớn miền Bắc XHCN; lần lượt đánh thắng các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”; “Chiến tranh cục bộ”; “Việt Nam hóa chiến tranh”; tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, đưa non sông thu về một mối, đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập, tự do, cả nước đi lên CNXH.
Sau khi đất nước hòa bình, quân đội ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững cuộc sống bình yên của nhân dân và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Trong công cuộc đổi mới, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát huy bản chất cách mạng, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” trong tình hình mới; chủ động làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước có quyết sách đúng đắn, xử lý kiên quyết, kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh cả trên không, trên biển, biên giới và nội địa, không để bị động, bất ngờ. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, quân đội ta luôn đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng cơ sở chính trị, đời sống văn hóa mới... nhất là trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; luôn xung kích, nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn...
Ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22-12 – Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam hằng năm là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đây là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước; tiếp tục khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó LLVT nhân dân làm nòng cốt; là ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Qua 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường. Tiềm lực, thế trận, lực lượng, cơ sở vật chất của nền quốc phòng không ngừng được củng cố, phát triển toàn diện, đồng bộ. Các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, quân khu và thế trận phòng thủ của đất nước được bố trí và xây dựng phù hợp, vững chắc, chuyển hóa linh hoạt, thích ứng với các hình thái chiến tranh nếu xảy ra. Cơ chế lãnh đạo, quản lý điều hành đối với quốc phòng ngày càng hoàn thiện. Sự kết hợp giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng chặt chẽ. Công tác đối ngoại quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu với sự đa dạng các hình thức đa phương và song phương, góp phần giữ vững môi trường hòa bình và an ninh quốc gia. Đặc biệt, chúng ta vô cùng tự hào và bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cảnh giác cách mạng cao độ, ý chí quyết tâm sắt đá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là cội nguồn sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, là nền tảng của sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua 74 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (24-8-1945 – 24-8-2019), LLVT tỉnh rất tự hào và vinh dự với những đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa vào sự lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, vào những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Thanh Hóa luôn là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của và chia lửa với chiến trường cả nước. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa đã động viên 56.792 thanh niên vào bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; huy động 34.177.233 ngày công phục vụ kháng chiến; trong chiến dịch Điện Biên Phủ, huy động được 11.000 xe đạp thồ, 1.300 chiếc thuyền các loại, cùng với hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ tiền tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân, dân Thanh Hóa đã trực tiếp chiến đấu 9.983 trận, bắn rơi 376 máy bay các loại; trên biển ta đã chiến đấu 175 trận, bắn chìm 57 tàu chiến... Cùng với những chiến công lừng lẫy trên đất lửa anh hùng, gắn liền với những tên đất, tên làng như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Đò Lèn, Phà Ghép... và những tên người mãi được lưu danh như: Ngô Thị Tuyển, hay các cụ lão dân quân Hoằng Trường (Hoằng Hóa), trung đội nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc)... đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Phát huy truyền thống 2 lần anh hùng, trong những năm qua LLVT tỉnh đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hợp lý. Trình độ chỉ huy tác chiến và khả năng sẵn sàng chiến đấu luôn được rèn luyện và nâng cao. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; triển khai tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương. Tăng cường phối hợp, chủ động nắm bắt tình hình cơ sở, tích cực xây dựng, bổ sung các phương án, bảo đảm xử trí thắng lợi trong mọi tình huống; thường xuyên chăm lo xây dựng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, giáo dục chính trị gắn với xây dựng chính quy, duy trì nghiêm kỷ luật, xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hàng năm các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã tiết kiệm từ quỹ vốn và kêu gọi cán bộ, chiến sĩ quyên góp, ủng hộ cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với số tiền gần 11 tỷ đồng và hơn 11.717 ngày công, giúp các thôn, bản tu sửa, làm mới, mua trang thiết bị cho 30 nhà văn hóa, cải tạo, nâng cấp, mua trang thiết bị, cấp phát thuốc cho 7 trạm y tế xã, với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng; tu sửa, làm mới đường liên thôn, liên xã với chiều dài gần 449 km, tu sửa, nạo vét 452 km kênh mương nội đồng, qua đó cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tạo nên diện mạo mới của nhiều vùng quê trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, mỗi khi thiên tai, bão lũ xảy ra cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và làm công tác dân vận, đã tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, tạo nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh.
Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019) là một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và quân đội, cũng là dịp để cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh nhìn lại chặng đường hào hùng đã qua, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh thi đua quyết thắng, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh nhà luôn vững về chính trị, giàu về kinh tế và mạnh về quốc phòng – an ninh.