Lục Nam dồn lực về đích nông thôn mới

Phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí vào cuối năm 2023, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện các mục tiêu đã đề ra trong khi thời gian không còn nhiều.

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, toàn huyện Lục Nam đã có 16/23 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, huyện đã có 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn nâng cao (xã Đông Phú, xã Bảo Đài) và 10 thôn đạt thôn mới kiểu mẫu.

Bứt phá mọi mặt

Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng 33 cánh đồng mẫu, 41 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân nông thôn. Đến hết năm 2022, toàn huyện chỉ còn 2.532 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,17%, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025.

Tiếp tục hướng đến đích nông thôn mới, huyện Lục Nam phấn đấu năm 2023 sẽ hoàn thành và đưa tất cả các xã về đích nông thôn mới và hoàn thành các mục tiêu về kinh tế xã hội để thành huyện nông thôn mới. Không nằm ngoài kế hoạch, đến hết quý II/2023, huyện Lục Nam có thêm 3 xã là Lục Sơn, Vô Tranh, Trường Giang đạt chuẩn nông thôn mới và đến nay, 23/23 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này mang lại một diện mạo mới, đồng bộ, toàn diện cho cả huyện.

Tuy là một huyện miền núi nhưng đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn của Lục Nam được đầu tư gần như đồng bộ với 100% đường quốc lộ, đường tỉnh được cứng hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được phát triển, với những mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn có giá trị kinh tế cao.

Tiêu biểu như đến nay, huyện đã hình thành được vùng trồng na với diện tích 1.700 ha, trong đó khoảng 90% diện tích được người dân tổ chức sản xuất rải vụ (áp dụng kỹ thuật tỉa cành, thụ phấn bổ sung). Điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và kéo dài thời vụ thu hoạch cho quả na từ tháng 7 đến tháng 12 hằng năm.

Diện tích na dai sản xuất tập trung ở các xã: Huyền Sơn, Cương Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú, Đông Hưng và Lan Mẫu. Đây cũng chính là khu vực địa lý đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ cho quả na Lục Nam.

Trong đó, xã Huyền Sơn và Phước Nghĩa đã thành lập được HTX Na dai Nghĩa Phương và HTX Na dai Lục Nam với tổng diện tích gần 100 ha. Các hộ này có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thụ phấn cho na ra hoa trái vụ. Chính vì thế mà giá bán na của 2 HTX này luôn cao hơn na ở một số địa phương khác từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Ngoài vùng trồng na tập trung quy mô lớn, Lục Nam còn phát triển vùng trồng rau màu. Trong đó có vùng trồng rau đậu tương trên diện tích 25ha tại xã Đông Phú. Điều thuận lợi là người dân đã liên kết được với doanh nghiệp để hỗ trợ đầu vào cũng như thu mua để xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao quy mô lớn như vùng trồng trà hoa vàng, chanh, khoai lang ở Bắc Lũng, vùng trồng cây ăn quả trên 6.500 ha tại các xã Lục Sơn, Vô Tranh, Nghĩa Phương, vùng lúa chất lượng khoảng 700 ha cùng hơn 30 mô hình nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, quả an toàn… đã giúp nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp trên địa huyện.

Đặc biệt, toàn huyện có 16 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 14 sản phẩm 3 sao (trà hoa vàng túi lọc, rượu núi Huyền, rượu nếp cái hoa vàng, nhãn Lục Sơn, dầu lạc, dưa lưới, dứa Lục Nam, na dai Nghĩa Phương, na dai Lục Nam, bưởi Mai Sưu, hạt dẻ, long nhãn Đan Hội, rượu mầm Lục Sơn), 2 sản phẩm 4 sao (trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo).

Hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới

Trước những kết quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng, đến nay huyện Lục Nam đã cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao như có 235/282 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa ước đạt 93%, 23/23 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; một thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 100% kế hoạch.

Các vùng trồng na trong huyện Lục Nam đều có kết quả khả quan về kinh tế xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới.

Các vùng trồng na trong huyện Lục Nam đều có kết quả khả quan về kinh tế xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới.

Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết, với những kết quả đã đạt được và để đảm bảo thực hiện các nội dung, trình tự xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2023, UBND huyện đề nghị các đoàn thể chính trị- xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn tham gia ý kiến vào bản dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn huyện.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Lục Nam đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là giải phóng mặt bằng dứt điểm một số dự án trọng điểm còn vướng mắc, tồn tại kéo dài. Huyện thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng. Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ thu hồi đất và tổ chức đấu giá đất để tạo nguồn vốn cho các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, tạo thuận lợi trong hoàn thiện diện mạo trong xây dựng nông thôn mới.

Là huyện đầu tiên của tỉnh phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới áp dụng theo Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025, nên những thành quả mà huyện Lục Nam đang đạt được sẽ có ý nghĩa quan trọng khi là động lực và hình mẫu để các huyện khác cùng phấn đấu trong xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn nước rút

Tuy nhiên, trong quá trình tăng tốc xây dựng nông thôn mới, huyện vẫn còn gặp khó khăn trong thực hiện một số chỉ tiêu như: Chỉ tiêu 9.6 về huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và chỉ tiêu 7.5 về khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, một số xã đã được phê duyệt danh mục, phân bổ vốn chi tiết, song khi tổ chức thực hiện một số danh mục công trình vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, không thu được tiền đối ứng của nhân dân hoặc không phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.... Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn.

Để hướng đến đích nông thôn mới, ông Đặng Văn Nhàn cho biết từ nay đến cuối năm huyện cũng sẽ đổi mới tuyên truyền, xem đây là nội dung cốt lõi để đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trong nhân dân.

Đi liền với đó, Lục Nam vẫn tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình để tạo sức lan tỏa, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Huyện cũng đề xuất với UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ mua sắm dụng cụ thể thao cho người già và trẻ em, trang thiết bị các nhà văn hóa xã, thôn. Hỗ trợ sửa chữa và xây dựng các công trình nước sạch tập trung.

"Trong thời gian tới, huyện Lục Nam tiếp tục tập trung xây dựng các tuyến đường hoa, hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng mở rộng nhằm hướng đến năm 2025, toàn bộ đường huyện sẽ được mở rộng mặt đường từ 5,5-10,5m, nền đường từ 7-12m để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch và doanh nghiệp vào đầu tư”, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam chia sẻ.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/luc-nam-don-luc-ve-dich-nong-thon-moi-1096068.html