Lục quân Mỹ thúc đẩy chương trình thay thế 'báo thép'

Nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến tương lai, lục quân Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ phát triển một phương tiện mới để thay thế xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, vốn được mệnh danh là 'báo thép' và là xương sống trong lực lượng này nhiều thập kỷ qua.

Theo Defense News, lục quân Mỹ đã chọn hai liên doanh sản xuất quốc phòng American Rheinmetall Vehicles và General Dynamics Land Systems để tiếp tục giai đoạn thiết kế chi tiết của chương trình xe chiến đấu bộ binh cơ giới XM30 kéo dài đến năm 2025 với ngân sách 1,6 tỷ USD. Lực lượng này dự kiến sẽ nhanh chóng hoàn tất các đợt đánh giá thiết kế nhằm tiến tới xây dựng nguyên mẫu.

Các nhà thầu sẽ mất từ 18 đến 20 tháng chế tạo nguyên mẫu, sau đó chuyển giao cho lục quân Mỹ thử nghiệm trước khi quyết định người chiến thắng cuối cùng vào tài khóa 2027. Những chiếc XM30 đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng vào tài khóa 2029 với mục đích thế chỗ dòng M2 Bradley đã cũ và sắp đến niên hạn loại biên. Toàn bộ chương trình dự kiến trị giá khoảng 45 tỷ USD.

Binh sĩ Mỹ huấn luyện với xe M2Bradley. Ảnh: U.S.Army

Binh sĩ Mỹ huấn luyện với xe M2Bradley. Ảnh: U.S.Army

“Lục quân Mỹ xây dựng một lộ trình chặt chẽ đối với chương trình XM30 để nhà thầu phải hoàn thành đúng thời gian quy định. Sản phẩm của chương trình sẽ trở thành một phần quan trọng của chiến lược mới”, Defense News dẫn lời Thiếu tướng Glenn Dean, người đứng đầu chương trình hệ thống chiến đấu mặt đất của Lục quân Mỹ nhấn mạnh.

Chương trình XM30 được kỳ vọng tạo nên một loại xe chiến đấu bộ binh bọc thép bánh xích thế hệ tiếp theo, được thiết kế để hỗ trợ hoạt động tác chiến trong tương lai bằng khả năng đa dạng hơn, từ vận chuyển, hỗ trợ hỏa lực cho đến làm trung tâm chỉ huy và tình báo của đơn vị. Defense News đánh giá, phương tiện này sẽ có cấu trúc mở, tích hợp nhiều hệ thống vũ khí hiện đại cùng biến thể có và không có người lái.

Điểm khác biệt của xe XM30 so với “người tiền nhiệm” là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc hỗ trợ vận hành phương tiện, giúp tăng cường nhận thức về tình huống và khả năng sống sót trên chiến trường. Xe có thể có kíp lái 2 người và 1 thành viên ảo, trong đó thành viên ảo sẽ xác định các mối đe dọa tiềm ẩn và thông báo cho người điều khiển. Nhiều khả năng đây cũng sẽ là phương tiện chiến đấu bọc thép đầu tiên của quân đội Mỹ được trang bị động cơ hybrid.

Lục quân Mỹ cũng vạch ra một số yêu cầu cụ thể trên mẫu xe mới, bao gồm tháp pháo điều khiển từ xa với pháo tự động mới cỡ nòng 50mm, hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển và súng máy đồng trục gắn cảm biến hồng ngoại thế hệ thứ ba. Xe còn cung cấp các biện pháp phòng thủ chủ động, hệ thống quản lý nhiệm vụ tích hợp và hệ thống kiểm soát hỏa lực thông minh giúp gia tăng khả năng sát thương và mang lại cho binh sĩ lợi thế quyết định trên chiến trường. Tính năng kỹ, chiến thuật của xe XM30 chưa được công bố nhưng Defense News cho biết nó sẽ kế thừa vai trò hiện tại của xe M2 Bradley là vận chuyển bộ binh và yểm trợ các mũi tấn công đột kích tuyến đầu trong đội hình lữ đoàn bộ binh cơ giới.

Quân đội Mỹ có một quá trình dài phát triển xe M2 Bradley từ thập niên 1960 nhằm tạo ra một loại xe không chỉ đưa binh sĩ ra trận an toàn mà còn yểm trợ bộ binh đang chiến đấu, qua đó làm đối trọng với xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Liên Xô. Đây được coi là phương tiện lai ghép đầu tiên giữa xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép chở quân của quân đội Mỹ.

Kể từ khi được đưa vào biên chế những năm 80 của thế kỷ trước, xe M2 Bradley trở thành phương tiện của lục quân Mỹ, từng tham chiến ở Afghanistan, Iraq và mới đây nhất là có mặt tại cuộc xung đột ở Ukraine. Nó được sản xuất với số lượng lớn và tính đến thời điểm hiện tại đã có một vài sửa đổi, điển hình như phiên bản mới nhất tích hợp giáp phản ứng nổ, hệ thống phòng thủ chủ động đi kèm những cải tiến nhỏ khác mang lại tiện nghi cho binh sĩ. Dẫu vậy, xe M2 Bradley đang tỏ ra lỗi thời và không phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại của lục quân Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế việc thay thế xe M2 Bradley không phải chuyện dễ dàng đối với Mỹ bởi nhiều năm qua, có không ít mẫu thất bại. Đơn cử, năm 2009, lục quân Mỹ công bố chương trình xe chiến đấu mặt đất (GCV) để thay thế xe Bradley, song hủy bỏ vào đầu năm 2014 do quá tốn kém mà hiệu quả không cao. Sau đó, Lầu Năm Góc triển khai kế hoạch phát triển xe chiến đấu tương lai (FFV), nhưng liên tục bị trì hoãn. Phải tới giữa năm 2018, lục quân Mỹ thành lập dự án xe chiến đấu thế hệ tiếp theo (NGCV)-tiền thân của chương trình XM30-để tiếp tục theo đuổi mục tiêu thay thế dòng M2 Bradley.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/luc-quan-my-thuc-day-chuong-trinh-thay-the-bao-thep-799944