Lượng băng tan tại Greenland đang ở mức tồi tệ nhất trong 12.000 năm
Lượng băng tan chảy từ khối băng khổng lồ tại Greenland sẽ khiến mực nước biển trong thế kỷ 21 dâng lên mức cao nhất trong 12.000 năm qua, cho dù tình trạng Trái Đất ấm lên được kiểm soát.
Đây là kết luận trong một nghiên cứu về sự tan băng ở Greenland đăng tải trên tạp chí Nature số ra ngày 30/9.
Nghiên cứu, dựa trên dữ liệu và các mẫu lõi băng, là công trình khoa học đầu tiên khôi phục lại số liệu về lượng băng tan trong cả kỷ Holocene. Theo các nhà nghiên cứu, nếu lượng khí thải nhà kính không được kiểm soát, khối băng dày hàng km sẽ mất đi 36.000 tỷ tấn băng trong thời gian từ năm 2000-2100, khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên 10 cm.
Hồi năm ngoái, tổng lượng băng và nước băng tan mất đi tại Greenland là hơn 500 tỷ tấn, chiếm tới 40% tổng lượng nước biển tăng trong năm 2019 và là mức cao nhất trong vòng 1 năm kể từ khi vệ tinh ghi nhận dữ liệu về băng tan từ năm 1978.
Theo người đứng đầu trưởng nhóm nghiên cứu, Jason Briner, thuộc Đại học Buffalo tại New York, tình trạng tan băng như hiện nay có thể trở thành tình trạng "bình thường mới". Ông nói rõ dù lượng carbon phát thải ở mức nào đi chăng nữa, lượng băng mất đi tại Greenland sẽ nhiều hơn cả lượng băng "bốc hơi" trong thời kỳ ấm nhất trong suốt 12.000 năm qua.
Theo nghiên cứu này, cho đến năm 2010, tác nhân chính dẫn tới mực nước biển tăng là do tình trạng sông băng tan chảy và sự mở rộng của các đại dương vì nhiệt độ ấm lên. Tuy nhiên, trong 20 năm gần đây, các dải băng ở Greenland và Nam Cực lại là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Cho đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, việc tái tạo băng tại Greenland vẫn ổn định bởi dải băng tại đây vẫn có thể tích tụ lượng lớn tuyết rơi đủ để bù đắp cho lượng băng tan trong mùa Hè, song tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng đã phá hủy quy luật này. Theo các nhà khoa học, dải băng duy nhất tại bắc bán cầu chứa lượng nước băng đủ để làm mực nước biển dâng thêm 7 m.
Việc nghiên cứu tình trạng băng tan trong khoảng thời gian 12.000 năm giúp các nhà khoa học nhận thấy sự khác biệt về sự thay đổi tự nhiên trong các khối băng lớn với sự thay đổi xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người.
Nghiên cứu trên cũng phát hiện ra rằng nỗ lực kiềm chế sự tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 sẽ ngăn tình trạng băng tan tại Greenland làm nước biển dâng thêm 2 cm trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong bất kỳ kịch bản nào, mực nước đại dương sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thế kỷ 22 và trong tương lai.
Ông Briner cảnh báo nếu không có hành động đúng đắn, tình trạng nước biển tăng vào thế kỷ tới sẽ gây ra tác động đủ mạnh để thay đổi cuộc sống nhiều người trên toàn cầu.