Luồng gió mới cho vùng quê cách mạng Ứng Hòa

Mỗi mùa thu về, chúng tôi lại có dịp trở lại Ứng Hòa - mảnh đất Anh hùng của Thủ đô Anh hùng, nơi từng là căn cứ cách mạng kiên trung.

Trải hơn 70 năm qua, Ứng Hòa không chỉ bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử quý báu, mà còn vươn mình mạnh mẽ, trở thành một miền quê đáng sống. Những cánh đồng lúa bát ngát, làng nghề truyền thống ngày càng phát triển, cùng các mô hình kinh tế hiện đại... là minh chứng cho sự thay đổi đầy tự hào của vùng đất này.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất tại Ứng Hòa.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất tại Ứng Hòa.

Từ “thóc vàng Khu Cháy” đến làng nghề giá trị cao

Vùng đất Khu Cháy Anh hùng từ lâu đã nổi tiếng là vựa lúa gạo lớn của Hà Nội. Để nâng tầm thương hiệu "thóc vàng Khu Cháy", huyện đã tập trung xây dựng và phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, gắn với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”.

Vùng sản xuất này đặc biệt nổi bật với giống lúa Japonica J02, được trồng bởi Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết tại thôn Ngọc Động, xã Phương Tú. Kể từ năm 2019, gạo Japonica J02 đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao của thành phố, khẳng định chất lượng vượt trội của sản phẩm.

Để khai thác tối đa tiềm năng của vùng lúa lớn này, huyện Ứng Hòa đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết không chỉ mở rộng diện tích trồng lúa, mà còn tiên phong áp dụng công nghệ cao, như sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo sạ và phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ những cải tiến đó, năng suất lúa đạt trung bình 60 tạ/ha, đưa sản lượng toàn huyện lên tới 33.000 tấn/năm. Gạo J02 với chất lượng thơm ngon và vị đậm đà có giá bán cao hơn lúa thường khoảng 30%, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân và đưa thương hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy" trở thành niềm tự hào của nông nghiệp Hà Nội.

Không những vậy, Ứng Hòa còn chú trọng phát triển chuỗi sản xuất khép kín, từ gieo trồng, thu hoạch đến chế biến và đóng gói, bảo đảm sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết đã đầu tư hệ thống sấy thóc công suất 300 tấn/ngày và dây chuyền xay xát hiện đại, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài việc phát triển nông nghiệp giá trị cao, huyện Ứng Hòa cũng chú trọng đến kinh tế làng nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Lãnh đạo huyện đã thực hiện những bước đi quyết liệt để thay đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và dịch vụ. Các cụm công nghiệp: Bắc Vân Đình, Cầu Bầu và Xà Cầu đã được thành lập, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế. Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất cho biết, xã có nhiều nghề truyền thống, như tăm hương, tái chế vật liệu... Với sự hỗ trợ của huyện và thành phố, các cụm công nghiệp đã giúp cơ sở sản xuất phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” và điểm đến “làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu” đã thu hút đông đảo du khách, góp phần quảng bá văn hóa và sản phẩm địa phương. Đây là những yếu tố quan trọng giúp xã phát triển công nghiệp và dịch vụ bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định cho biết, để thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ, huyện đã quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp, với mục tiêu từ nay đến 2030 sẽ phát triển 10 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 150ha. Nhờ đó, Ứng Hòa đã đạt được những kết quả ấn tượng: Tổng giá trị sản xuất thương mại và dịch vụ của huyện trong những tháng đầu năm đạt 3.485 tỷ đồng, tăng 10,9% và giá trị sản xuất công nghiệp đạt 853 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có tỷ lệ tăng trưởng cao, là: Sản xuất giày dép, chế biến gỗ và sản phẩm kim loại, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ, chủ yếu từ các mặt hàng dệt may.

Diện mạo nông thôn kiểu mẫu ở Trung Tú đang dần hình thành.

Diện mạo nông thôn kiểu mẫu ở Trung Tú đang dần hình thành.

Nông thôn giàu đẹp, văn minh

Từ một xã nghèo khó, Trung Tú đã có cú "lột xác" ngoạn mục nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp và sự đoàn kết của nhân dân. Những con đường làng từng lầy lội, chật hẹp nay đã trở nên rộng rãi, sạch sẽ, rợp bóng cây xanh. Những con đường hoa nở rực rỡ sắc màu trải dài khắp các ngõ xóm, tạo nên diện mạo mới cho Trung Tú - một xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Ứng Hòa.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Quảng Tái (xã Trung Tú) Vương Thị Tuy chia sẻ: "Chúng tôi luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương. Khi đời sống khá giả, người dân đã nhiệt tình đóng góp tiền của, công sức để kiến thiết quê hương thêm tươi đẹp". Người dân đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng để trồng cây xanh, lắp ghế đá và nâng cấp trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn. Không chỉ có Trung Tú, các xã khác như Trầm Lộng, Đồng Tân cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Những con đường hoa, khu dân cư an toàn, xanh - sạch - đẹp đang trở thành chuẩn mực mới cho đời sống nông thôn nơi đây. Hệ thống cây xanh được chăm sóc tỉ mỉ, các nhà văn hóa thôn được cải tạo, nâng cấp, phục vụ tốt hơn cho sinh hoạt cộng đồng...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những dấu ấn kiên cường của quá khứ vẫn in đậm trong lòng người dân Ứng Hòa. Ngày nay, khi bước chân vào các xã từng thuộc ATK Khu Cháy, như Đồng Tân, Trung Tú, Trầm Lộng, Đông Lỗ..., chúng ta thấy một bức tranh làng quê đổi thay. Từ mảnh đất từng chịu sự tàn phá của chiến tranh, với những cánh đồng hoang hóa, ngập lụt quanh năm, giờ đây đã tràn ngập màu xanh của sức sống và phát triển.

Phát huy truyền thống anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và nỗ lực của toàn dân, huyện Ứng Hòa đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ứng Hòa đã có bước tiến vượt bậc, với 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn khẳng định, Ứng Hòa nằm trong quy hoạch trục không gian phát triển phía Nam của Hà Nội, kết nối với cụm du lịch tâm linh huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam. Đây là hướng đi quan trọng để huyện đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Huyện cũng đang thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật nông thôn. Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện cũng chú trọng công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đang ngày càng phát triển, gắn kết với việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/luong-gio-moi-cho-vung-que-cach-mang-ung-hoa-680584.html