Lượng HS đăng ký học Công nghệ ô tô tăng cao, CĐ nghề phải ngừng nhận hồ sơ
Dù nhiều trường CĐ, ĐH mới bắt đầu tuyển sinh nhưng ngành Công nghệ ô tô đã phải thông báo dừng tuyển sinh do số lượng người đăng ký quá đông.
Trong mùa tuyển sinh của những năm học gần đây, có thể thấy rằng, công nghệ ô tô đang là một trong những ngành nghề được nhiều người học lựa chọn. Thậm chí, đến nay, nhiều trường cao đẳng phải ngừng nhận hồ sơ vì số lượng người học đăng ký vào ngành này quá đông.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Danh Quang – Trưởng khoa Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) cho hay, công tác tuyển sinh nghề Công nghệ ô tô của khoa những năm gần đây đều rất thuận lợi.
Năm học 2023-2024, dù nhiều trường cao đẳng, đại học mới bắt đầu hay đang thực hiện tuyển sinh thì ngành học này đã phải thông báo ngừng nhận hồ sơ do số lượng hồ sơ đăng ký học quá đông. Theo đó, ngành được giao 320 chỉ tiêu (cả 2 hệ) cho năm học này nhưng đến nay đã có gần 400 em đăng ký.
Lý giải vì sao ngành Công nghệ ô tô đang ngày càng thu hút người học quan tâm, thầy Quang bày tỏ, với nhu cầu sống của con người đang ngày càng tăng cao, thị trường ô tô trong nước và trên thế giới cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động có chuyên môn, đã qua đào tạo của ngành nghề này cũng thế tăng cao.
Theo thầy Quang, học sinh, sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại các trung tâm sửa chữa, chăm sóc xe hơi, trung tâm bảo dưỡng, dịch vụ ô tô, đại lý của các hãng ô tô, dịch vụ vận tải, trung tâm sản xuất phụ tùng, trung tâm đăng kiểm,…
Hơn nữa, khi lựa chọn học ngành nghề này, người học còn được học cả kiến thức về kỹ thuật tổng hợp gồm cả cơ khí, điều hòa, điện, nhiệt,… Do đó, các em sau khi ra tốt nghiệp ra trường không chỉ làm việc được ở các công việc liên quan đến ô tô mà còn có nhiều cơ hội việc làm rộng mở.
Ngoài ra, mức lương khởi điểm của ngành học này khi mới ra trường cũng tương đối cao, có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng hoặc hơn tùy theo từng vị trí công việc mà các bạn lựa chọn.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn học ngành Công nghệ ô tô của trường, các bạn sinh viên có thể học liên thông tại một số trường đại học trong nước và cả trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc,…)
Đặc biệt, từ khi người học của ngành nghề này bắt đầu đến vào học đến khi tốt nghiệp đã có rất nhiều doanh nghiệp đến trường đặt hàng, thậm chí, doanh nghiệp nào đến muộn là không còn người để đặt.
Mặt khác, thuận lợi của ngành là có đội ngũ giáo viên có tiêu chuẩn, kỹ năng cao với kỹ năng tay nghề ít nhất từ bậc 3 quốc gia trở lên, nhiều người đạt trình độ sau đại học; nhiều nhà giáo được đào tạo, tập huấn tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Trang thiết bị, máy móc phục vụ dạy và học được đầu tư mạnh mẽ với nhiều xe ô tô đời cao cùng các thiết bị chẩn đoán, quét lỗi hiện đại,…
Cùng bàn về thực trạng trên, thầy Nguyễn Thành Tâm, Phó trưởng khoa Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai) cho biết, với lượng đăng ký hồ sơ quá đông của những năm gần đây, mùa tuyển sinh năm 2023, khoa phải hạn chế lại số lượng chỉ tiêu. Đến thời điểm hiện tại, khoa đã ngừng nhận hồ sơ ngay khi vừa tuyển đủ chỉ tiêu.
Năm nay, khoa tuyển sinh với số lượng 180 em ở hệ trung cấp và 50 em ở hệ cao đẳng.
Với thế mạnh của tỉnh Đồng Nai là có nhiều các khu công nghiệp, vậy nên, cơ hội việc làm có học sinh, sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp ra trường rất rộng mở.
Theo đánh giá, khảo sát của khoa, sau khi tốt nghiệp, thường sẽ có 70% số lượng người học vào làm ở các công ty ở khu công nghiệp, 30% còn lại sẽ làm việc tại các gara ô tô. Mức lương khởi điểm của các em sẽ dao động từ 6-8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn học ngành Công nghệ ô tô, dù sau khi tốt nghiệp ra trường, các em có làm các công việc trái ngành vẫn rất rộng mở như làm bảo trì các trang thiết bị, máy móc ở các doanh nghiệp, công ty, nhà máy,…
Về tình hình cơ sở vật chất, thầy Tâm cho hay, trang thiết bị dạy và học của khoa mặc dù chưa đầy đủ nhưng cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người học.
Tuy nhiên, khó khăn của khoa cũng chính là khó khăn chung của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn là thiếu trầm trọng lực lượng giáo viên. Việc để giáo viên dạy vượt giờ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng đào tạo.
Theo thầy Tâm, việc tuyển giảng viên cơ hữu cho trường hiện nay là rất khó bởi muốn tuyển giảng viên cơ hữu phải có Đề án vị trí việc làm mới.
Trước kia, lượng học sinh, sinh viên của đơn vị không nhiều, thế nhưng những năm gần đây, số người học đã tăng lên gấp 3, gấp 4 lần nhưng vẫn phải áp dụng đề án vị trí việc làm cũ với số lượng giảng viên không còn phù hợp.
Tuy nhiên, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai đã xây dựng Đề án vị trí việc làm mới gửi lên Ủy ban nhân dân tỉnh đã mấy năm rồi nhưng chưa được duyệt.
Không chỉ giảng viên cơ hữu, việc tuyển dụng giảng viên hợp đồng cũng rất khó khăn.
Theo đó, trường đã gửi công văn đi các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên với hệ số lương nhà nước của nhà giáo có bằng cử nhân đại học chỉ ở mức 2,34 là rất thấp, vậy nên, thay vì lựa chọn đi dạy học tại trường cao đẳng, trung cấp, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học, sau đại học, lựa chọn làm việc ở các công ty, doanh nghiệp với mức thu nhập cao hơn gấp 3-4 lần.
Nếu được đảm bảo về đội ngũ giảng dạy, tất yếu chất lượng đào tạo cũng được nâng cao. Chính vì vậy, thầy Tâm mong rằng, nhà nước phải có cơ chế, hỗ trợ tốt để làm sao có nhiều bạn trẻ lựa chọn theo hướng sư phạm, vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học hơn.