Lượng xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024
Trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 - tháng 5/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, tương đương 80% sản lượng niên vụ hiện tại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện lượng cà phê tồn kho tại thị trường nội địa còn lại rất ít. Dự báo sản lượng cà phê niên vụ sắp tới tiếp tục giảm khoảng 20% do vừa qua nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn gay gắt tại vùng Tây Nguyên.
Trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 5/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, tương đương 80% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 7% so với cùng kỳ niên vụ trước. Theo sản lượng ước tính, nguồn cung cà phê trong nước (chưa tính hàng tồn kho) chỉ còn khoảng gần 300.000 tấn để xuất khẩu trước khi bước vào niên vụ mới.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), nguồn cung cà phê trong nước gần như đã cạn, hàng tồn kho của doanh nghiệp và nông dân không nhiều. Thế nên, lượng xuất khẩu từ nay đến cuối tháng 9/2024 sẽ giảm dần mặc dù giá cà phê đang neo ở mức cao kỷ lục.
Theo chuyên gia ngành hàng cà phê, thời gian tới, giá loại hạt này khả năng sẽ ít biến động mạnh như các tháng đầu năm nay song vẫn duy trì mức cao. Nguyên nhân do Brazil đang vào vụ thu hoạch rộ, còn ở nước ta đến tháng 10 lại vào vụ thu hoạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự đoán, với sản lượng cà phê của nước ta, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này sẽ đạt con số trên 5 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử.
Cà phê từ lâu đã là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho đất nước. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu 893.820 tấn cà phê, thu về 3,1 tỷ USD. Dù lượng xuất khẩu giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng tới 33,2%, phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ về giá bán cà phê trên thị trường quốc tế.
Hết quý II/2024, giá cà phê xuất khẩu trung bình của Việt Nam đạt mức 3.569,3 USD/tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy giá trị sản phẩm của Việt Nam đang được thị trường quốc tế công nhận và đánh giá cao.
Trên thị trường hàng hóa phái sinh, diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp trong ngày hôm qua. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/7 (rạng sáng 17/7), giá cà phê Robusta giảm nhẹ 0,24%, kéo dài chuỗi suy yếu của phiên đầu tuần. Trong khi đó, giá cà phê Arabica phục hồi 0,6% so với tham chiếu. Đồng Real mạnh lên làm thu hẹp khoảng cách với đồng USD, từ đó hỗ trợ giá. Chỉ số Dollar Index tăng nhẹ vào phiên hôm qua, trong khi đồng Real nội địa của Brazil mạnh lên, khiến tỷ giá USD/BRL giảm 0,3%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp có thể làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil. Điều này đưa đến lo ngại doanh số bán hàng sẽ tiếp tục ở dưới mức trung bình nhiều năm và hoạt động xuất khẩu theo hướng bị thu hẹp.