Theo các cụ cao niên vùng đồng bào Tày Bắc Hà kể lại, trước đây mỗi dịp Tết đến xuân về, người Tày lại náo nức chuẩn bị những nguyên liệu quen thuộc để làm bánh chưng đen. Đây là món không thể thiếu, là nét đẹp trong văn hóa Tết của người dân tộc Tày ở Bắc Hà.
Bánh chưng đen được làm từ nhiều nguyên liệu, trong đó phải kể đến một loại nguyên liệu đặc biệt làm nên sự khác biệt của loại bánh này so với bánh chưng truyền thống, đó là bột than cây Muối. Đây vừa là cây thực phẩm, vừa là cây thuốc vô cùng quý trong văn hóa chữa bệnh bằng thuốc nam của người Việt.
Bột than cây Muối sau khi trộn với gạo nếp ngon sẽ được giã trong cối cho thật đều, không được giã nát quá mà chỉ vừa đủ để bột than quện đều vào từng hạt gạo.
Gạo khi đã được "nhuộm đen" sẽ phải đãi qua một lần để trôi hết các bột than đi, chỉ để lại những hạt gạo đen bóng đã được quện đều bột than Muối.
Bà Vàng Thị Hoa (Na Kim, Bắc Hà) cho biết: "Gạo làm bánh chưng đen ngon nhất phải là gạo nếp nương của người bản địa. Hai nguyên liệu này sau khi trộn đều tiếp tục được cho vào cối giã lại một lần nữa cho nhuyễn. Ngay loại gạo này cũng phải được tẩm ướp gia vị để vị bánh được thơm ngon tròn vị đến hạt cuối cùng. Nhân bánh chưng đen được làm bằng đỗ xanh và thịt lợn ba chỉ. Thịt sau khi tẩm ướp gia vị cho ngấm mới đem gói bánh".
Bánh chưng đen của người Tày ở Lào Bắc Hà nhất thiết không thể thiếu thảo quả. Thảo quả không chỉ được coi là "nữ hoàng" của gia vị mà còn là một cây thuốc quý của người dân Tây Bắc. Để làm gia vị cho bánh chưng đen, thảo quả được nướng lên, bóc vỏ, đập dập rồi trộn vào gạo và thịt làm nhân bánh với một lượng vừa đủ để tạo mùi thơm đặc trưng cho bánh.
Kỹ thuật gói bánh chưng đen của mỗi gia đình đều có những nét riêng. Tuy nhiên, về cơ bản cách sắp xếp nguyên liệu làm bánh chưng đen tương tự với bánh chưng truyền thống.
Khác biệt dễ nhìn thấy nhất là ở hình dạng. Những chiếc bánh chưng truyền thống thường được biết đến với hình vuông – tượng trưng cho đất nhưng bánh chưng đen người Tày lại luôn là hình trụ thuông dài. Thường thì bánh chưng đen sẽ được nấu trong khoảng một đêm.
Do tro của cây Muối có tác dụng khử mùi chua và độ nóng của gạo nếp nên ưu điểm của bánh chưng đen là thời gian sử dụng lâu hơn so với bánh chưng khác, có thể để được từ 5 đến 7 ngày trong điều kiện thời tiết đầu xuân năm mới.
Điểm đặc biệt của bánh chưng đen là gạo cây Muối đã khử đi độ chua và nóng của nếp, tiêu nên ăn rất ngon, nhẹ bụng và không bị cảm giác nóng cổ như bánh chưng truyền thống
Ngày trước, loại bánh này chỉ xuất hiện tại những ngày lễ, Tết, giỗ chạp… nhưng nay đã trở thành món ăn phổ biến mà bất cứ ai khi tới các khu du lịch của Bắc Hà đều muốn mua về làm quà tặng người thân, bạn bè hay thưởng thức ngay tại chỗ.
Khánh Huy