Lý do Ấn Độ ngại thanh toán dầu thô Nga bằng nội tệ Trung Quốc

Việc thanh toán dầu thô đã nhập khẩu từ Nga bằng Nhân dân tệ trở thành thách thức của Ấn Độ. Nguyên nhân chính chủ yếu do cả hai quốc gia đang gặp bất đồng về đường biên giới.

Trước khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái, Ấn Độ từng mua rất ít dầu từ Nga.

Tuy nhiên, trong năm qua, Ấn Độ nổi lên như một khách hàng mua dầu lớn của Nga, sau khi Moscow chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, phải thu hút khách hàng mới bằng cách bán dầu thô với mức chiết khấu.

Quốc gia Nam Á này đã nhập khẩu nhiều dầu từ xứ bạch dương hơn bao giờ hết trong tháng 4, theo dữ liệu từ Vortexa.

 Hình ảnh đồng rupee (nội tệ Ấn Độ). Ảnh: Internet.

Hình ảnh đồng rupee (nội tệ Ấn Độ). Ảnh: Internet.

Trên thực tế, Moscow đã trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ vào tháng trước, với nguồn cung lớn hơn từ Iraq và Saudi Arabia cộng lại.

Nhưng khi các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các ngân hàng lớn của Nga bị cắt đứt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu, việc tìm cách trả tiền cho dầu thô của Nga đã trở thành một thách thức.

Trong năm qua, các nhà nhập khẩu Ấn Độ đã thanh toán cho dầu của Nga và các hàng hóa khác chủ yếu bằng đồng Rupee, nội tệ của quốc gia này. Tuy nhiên, vì hạn chế về tiền tệ khiến các thực thể của Nga gặp khó khăn trong việc hồi hương đồng Rupee.

Mối quan hệ thương mại gắn bó

Trong khi đó, việc mua dầu thô giảm giá của Nga đã làm gia tăng thâm hụt thương mại vốn đã đáng kể của Ấn Độ với Nga.

Trong 11 tháng đầu năm tài chính 2022-2023, nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đạt gần 41,5 tỷ đô la (38 tỷ euro), trong khi xuất khẩu chỉ đạt 2,8 tỷ đô la, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp.

Điều này đã khiến các công ty dầu mỏ và ngân hàng của Nga mất hàng tỷ rupee trong tài khoản ngân hàng Ấn Độ của họ - một lượng lớn tiền mặt mà họ đang phải vật lộn để sử dụng.

 Đầu năm 2023, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu kỷ lục dầu thô Nga. Ảnh: Internet.

Đầu năm 2023, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu kỷ lục dầu thô Nga. Ảnh: Internet.

Chia sẻ với DW, Nandan Unnikrishnan, chuyên gia về Nga tại Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát (ORF) ở New Delhi, nói: "Tôi không nghĩ tình trạng này có thể tiếp tục lâu dài. Nếu cả hai bên không giải quyết được vấn đề, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thương mại dầu thô, mà còn mọi thứ”.

Tương tự, gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã bình luận về vấn đề này khi tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại bang Goa (Ấn Độ).

"Chúng tôi cần sử dụng số tiền này. Nhưng để làm được điều đó, những đồng Rupee phải được chuyển sang một loại tiền tệ khác và điều này hiện đang được thảo luận", tuyên bố của ông được hãng tin Bloomberg trích dẫn.

Ấn Độ là khách hàng lớn mua vũ khí của Nga, mặc dù nước này đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung cấp thiết bị quân sự, ngày càng chuyển hướng sang các nước như Mỹ và Pháp trong những năm gần đây.

Nga chiếm 8,5 tỷ USD trong số 18,3 tỷ USD mà New Delhi đã chi cho việc nhập khẩu vũ khí kể từ năm 2017, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Cả hai bên cũng đang đàm phán để đạt được một hiệp định thương mại tự do.

Chính phủ Ấn Độ cho đến nay đã kiềm chế không chỉ trích rõ ràng cuộc chiến của Nga ở Ukraine. New Delhi đã nhiều lần bỏ phiếu trắng về các nghị quyết của Liên Hợp Quốc chống lại Moscow. Tuy nhiên, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột thông qua đối thoại.

Trong khi đó, việc tăng cường quan hệ thương mại đã được các thủ đô phương Tây quan tâm, vì họ sợ điều đó làm suy yếu chế độ trừng phạt nghiêm ngặt đối với Moscow.

Ấn Độ ngại thanh toán bằng Nhân dân tệ

Bên cạnh đồng Rupee (Ấn Độ), đồng Dirham (UAE), đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc) được một số người coi là những lựa chọn tiềm năng để tháo gỡ cái khó cho thương mại giữa Ấn Độ và Nga.

Theo chuyên gia Unnikrishnan, Nga muốn một loại tiền tệ mà họ có thể sử dụng để mua hàng hóa cần thiết để duy trì nền kinh tế của mình. Đồng thời, ông cho rằng “người Nga sẽ rất vui khi được sử dụng đồng Nhân dân tệ”, chỉ ra thương mại song phương của họ trị giá hàng trăm tỷ đô la. Năm 2022, thương mại Nga - Trung đạt mức cao kỷ lục 190 tỷ USD.

 Nội tệ của Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Nội tệ của Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Nhưng Unnikrishnan lưu ý rằng New Delhi sẽ không thoải mái cho phép thanh toán thương mại bằng đồng Nhân dân tệ vì mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc do tranh chấp biên giới.

Hãng tin Reuters hồi tháng 3 cũng đưa tin, dẫn lời các quan chức Ấn Độ, rằng chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các ngân hàng và doanh nghiệp tránh sử dụng đồng Nhân dân tệ để thanh toán hàng nhập khẩu của Nga.

Một lựa chọn khác là sử dụng đồng dirham của UAE để thanh toán cho hàng nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ nhưng các chuyên gia cho rằng điều này có thể không mang lại giải pháp khả thi lâu dài do đồng tiền này nhạy cảm với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Unnikrishnan nhấn mạnh rằng Ấn Độ và Nga có thể đưa ra các giải pháp thay thế, chẳng hạn như đầu tư hiệu quả đồng Rupee vào các liên doanh sản xuất hàng hóa được sử dụng cho Nga hoặc có thể xuất khẩu sang các nơi khác trên thế giới.

“Có nhiều cách để "biến hóa" số tiền này và cả hai bên chỉ cần thể hiện ý chí hợp tác để đạt được thỏa thuận đó”, chuyên gia nói.

Điệp Nguyễn (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ly-do-an-do-ngai-thanh-toan-dau-tho-nga-bang-noi-te-trung-quoc-post247954.html