Lý do CSGT chưa thể xử phạt online rộng rãi
Sau khi Bộ Công an khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc xử lý vi phạm giao thông đã được áp dụng. Tuy nhiên, với quy định hiện nay việc xử phạt online chưa thể thực hiện rộng rãi.
Chỉ thực hiện được với mức phạt thấp
Nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư quốc gia, khi xử lý vi phạm giao thông lực lượng CSGT chỉ cần nhập số căn cước công dân của người vi phạm vào hệ thống, ngay lập thức hệ thống hiển thị tất cả thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở hiện tại để CSGT lập biên bản và ra quyết định xử phạt nhanh chóng.
Người vi phạm có thể nộp phạt qua hệ thống dịch vụ từ đường link hướng dẫn nộp phạt gửi qua tin nhắn điện thoại. CSGT sẽ kiểm tra trên hệ thống, khi thấy người vi phạm nộp phạt xong sẽ trả lại giấy tờ, hoàn tất quy trình xử lý.
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền giải quyết tai nạn, Phòng CSGT Hà Nội đánh giá, ứng dụng nộp phạt qua hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đến Cổng dịch vụ công Quốc gia rất thuận tiện cho người dân, đảm bảo công khai minh bạch, khách quan.
Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt vi phạm giao thông online chỉ có thể áp dụng với những người vi phạm có căn cước công dân gắn chip, có tài khoản ngân hàng, đồng thời đó là các lỗi vi phạm thuộc diện nộp phạt tại chỗ, thuộc thẩm quyền ra quyết định xử phạt của cán bộ tổ tuần tra kiểm soát với các lỗi có mức phạt dưới 250.000 đồng, không bị giữ xe và giấy tờ.
Khi nào mọi người dân đều có thẻ căn cước công dân gắn chip, có hệ thống chữ ký điện tử thì mọi vi phạm mới có thể xử lý online, không cần giấy tờ.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, việc xử phạt online qua dịch vụ công mới chỉ thực hiện được với thẩm quyền của cán bộ chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường với các lỗi xử phạt thấp.
Còn mức phạt cao hơn là cấp đội, phòng, cấp giám đốc Công an tỉnh và cao hơn nữa là Chủ tịch tỉnh thì chưa thể thực hiện do những người này không thể lúc nào cũng có mặt để ký biên bản xử phạt theo thẩm quyền. Trong khi chữ ký số theo Luật vi phạm hành chính lại chưa cho phép.
Hơn nữa, đối với mức phạt cao, tước giấy phép lái xe Luật cũng quy định trong vòng 5 ngày người vi phạm có quyền giải trình. Vì thế, nếu phạt luôn thì lại tước luôn quyền giải trình của người vi phạm.
Đưa chữ ký số vào luật mới thực hiện được triệt để
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, việc xử phạt online qua thẻ căn cước công dân liên thông với dịch vụ công Quốc gia rất thuận tiện, cả người vi phạm và lực lượng thực thi nhiệm vụ đều có thể thực hiện các thủ tục nộp nhanh chóng. Người vi phạm không phải mất công đi lại nhiều lần để hoàn thành thủ tục nộp phạt.
Tuy nhiên, để xử phạt được thì Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải có hướng dẫn mức phạt theo thẩm quyền của người ký biên bản qua chữ ký số.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết, trước đây khi xử lý vi phạm giao thông, thông thường lực lượng chức năng phải lập biên bản giấy, 7 ngày sau mới có thể ra quyết định xử phạt, người vi phạm trực tiếp lên giải quyết và nộp phạt.
Thế nhưng khi đã có hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, CSGT chỉ cần đánh số căn cước công dân của người vi phạm rồi ra quyết định xử lý vi phạm điện tử, sử dụng chữ ký số để hoàn thiện việc xử phạt trên mạng.
Ngoài việc thuận lợi CSGT không phải lập biên bản giấy viết tay, người vi phạm không phải chờ đợi quyết định, đi nộp phạt… thì việc xử phạt không cần giấy tờ sẽ hạn chế tối đa tiêu cực, không có chuyện CSGT bỏ qua vi phạm.
Tuy nhiên, theo ông Bình hiện hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư mới được khởi động, chưa hình thành dữ liệu chữ ký số nên việc xử phạt vi phạm giao thông online chưa được triển khai rộng rãi.
Cục CSGT đang nghiên cứu cùng với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để hình thành chữ ký số.
Theo đó, để lập biên bản, người có thẩm quyền sẽ ký điện tử. Thông tin vi phạm sẽ chuyển cho người có thẩm quyền để ra quyết định điện tử, từ đó tiến tới có thể lập biên bản xử phạt điện tử và người vi phạm cũng ký điện tử, nộp phạt online.