Lý do Hiệp hội Súng trường Mỹ đang suy yếu nhanh
Từng là một thế lực chính trị lớn, Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ bị đánh giá là đang trong vòng xoáy diệt vong tài chính, với số lượng thành viên và uy tín giảm sút.
Năm 2013, Wayne LaPierre, người đứng đầu Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), khoe rằng nhóm vận động này đang có sự tăng trưởng chưa từng có và đang trên đà có 10 triệu thành viên.
Mười năm trôi qua, mọi chuyện không diễn ra như vậy. Trên thực tế, số thành viên của NRA đã giảm xuống chưa đến một nửa số đó, theo một số báo cáo, và việc số thành viên giảm sút kéo theo doanh thu cũng giảm. Đó là lý do để các nhóm chống súng ăn mừng, họ nói đó là bằng chứng cho thấy người Mỹ ngày càng phẫn nộ trước bạo lực súng ống.
Sự thật không hoàn toàn đơn giản như vậy, nhưng rõ ràng là NRA đang nhanh chóng mất đi vị trí từng là trung tâm trong nền chính trị Hoa Kỳ.
Một lực lượng suy yếu
NRA đã tranh luận bảo vệ quyền trong Tu chính án thứ hai (từ năm 1871), vận động hành lang chống lại các biện pháp kiểm soát súng với những thành công khác nhau. Theo một thống kê của trang Insider vào thời điểm đó, từ năm 2003 đến năm 2013, tổ chức này đã giành được 230 chiến thắng về mặt lập pháp, bao gồm cả việc thông qua sáu luật tiểu bang cấm các thành phố tự quản hạn chế quyền sử dụng súng.
Tuy nhiên, những thành công như vậy đã trở nên hiếm hơn trong những năm gần đây. NRA đã thất bại trong việc đảm bảo mở rộng quyền mang theo vật dụng giấu kín và thay đổi luật hạn chế ống giảm thanh của súng vào năm 2017 và 2018. Khi đó vừa xảy ra nhiều vụ xả súng hàng loạt, khiến việc ủng hộ quyền sở hữu súng trở nên khó khăn hơn đối với các nhà lập pháp.
Kể từ đó, số thành viên của NRA đã giảm xuống còn 4,3 triệu, theo tiết lộ của CEO kiêm Phó chủ tịch điều hành LaPierre hồi tháng 1 năm nay. Mười năm trước, ông LaPierre từng nói nhóm có 5 triệu thành viên.
Ông LaPierre nói với hơn 3.000 thành viên NRA tại hội nghị thường niên năm 2013: “Vị thế của NRA mạnh mẽ và rộng lớn hơn bao giờ hết. Cam kết của chúng ta đối với tự do là không lay chuyển và sự tăng trưởng của chúng ta là chưa từng có. ... Vào thời điểm chúng ta hoàn thành, NRA phải và sẽ có 10 triệu thành viên."
Số lượng thành viên giảm đi cùng với doanh thu giảm. NRA chỉ huy động được 213 triệu USD vào năm 2022. Con số này đánh dấu mức giảm 52% trong tổng doanh thu và giảm gần 59% phí thành viên kể từ năm 2016, theo Citizens for Ethics (CREW), một tổ chức giám sát trách nhiệm và đạo đức phi lợi nhuận của chính phủ.
Tương tự, số tiền 97 triệu USD mà họ nhận được từ phí thành viên trong cùng năm đã giảm hơn 40% so với năm cao điểm 2018.
Rắc rối pháp lý
Việc giảm phí thành viên không phải là rắc rối duy nhất mà NRA đang gặp phải. Kể từ năm 2020, họ đã phải đối mặt với một vụ kiện dai dẳng từ Bộ trưởng Tư pháp New York Letitia James, cáo buộc rằng các quan chức hàng đầu của NRA, bao gồm cả chính LaPierre, đã chuyển các khoản quyên góp cho mục đích sử dụng cá nhân của họ, vi phạm nhiều luật liên bang và tiểu bang, thậm chí chính các quy định và chính sách của NRA.
NRA mô tả vụ kiện của bà Letitia là một "cuộc tấn công vô căn cứ, có chủ ý trước". Họ tìm cách bác bỏ đơn khiếu nại nhưng đã bị từ chối ba lần trong năm 2021-2022.
NRA cũng đã nộp đơn xin phá sản và cố gắng tái tổ chức ở Texas. Nhưng vào tháng 5/2021, một tòa án ở Texas đã ra phán quyết "rằng NRA đã không nộp đơn xin phá sản một cách thiện chí”. Ngày xét xử vụ án vẫn chưa được ấn định.
Theo một cuộc thăm dò của NBC/WSJ, uy tín của NRA cũng giảm sút mạnh, với 40% người được hỏi đánh giá tổ chức này ở khía cạnh tiêu cực vào năm 2018, lần đầu tiên cao hơn số đánh giá tích cưc.
Các nhóm kiểm soát súng ăn mừng
Các vấn đề của NRA là tin tuyệt vời đối với những người ủng hộ an toàn súng đạn,
Shannon Watts, một nhà vận động phòng chống bạo lực súng đạn, nói: “Trong nhiều năm, NRA đã tiêu hao tiền bạc và quyền lực chính trị. Báo cáo này chỉ xác nhận những gì chúng ta đã biết từ lâu: Sau nhiều năm nỗ lực, NRA đã phá sản về mặt tài chính cũng như về mặt đạo đức. Đó là tin xấu đối với NRA, nhưng là tin tuyệt vời cho bất kỳ ai quan tâm đến an toàn súng đạn ở Mỹ."
Kris Brown, Chủ tịch của Brady, một nhóm vận động kiểm soát súng, cũng cho biết "không có gì ngạc nhiên" khi NRA thất bại vì người Mỹ ngày càng "ghê tởm" bạo lực súng ống.
Theo một cuộc thăm dò vào tháng 9/2023 của Pew Research, 58% người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn, trong khi số người cho rằng bạo lực súng đạn là một vấn đề rất lớn ở Mỹ đã tăng 9 điểm phần trăm kể từ năm 2022.
Nghiên cứu cho thấy 61% nói rằng quá dễ dàng để có được một khẩu súng hợp pháp, mặc dù 32% người Mỹ trưởng thành cho biết họ sở hữu súng.
"Không có gì ngạc nhiên khi NRA mất đi thành viên và đang ở trong tình trạng tài chính tồi tệ. Quyền lực của NRA đã mờ nhạt khi người Mỹ, bao gồm cả những người sở hữu súng, ngày càng trở nên ghê tởm và phẫn nộ hơn trước những hành động bạo lực súng đạn liên tục”, ông Brown nói. "NRA sẽ tiếp tục mất thành viên khi ngày càng có nhiều chủ sở hữu súng nhận ra rằng họ chỉ phục vụ lợi ích của ngành công nghiệp súng thèm khát lợi nhuận."
Nick Suplina, từ một nhóm vận động khác, Everytown for Gun Safety, cho biết thương hiệu NRA đã trở nên "độc hại": “NRA đang trong vòng xoáy diệt vong tài chính và vài năm gần đây chỉ càng bộc lộ thêm tình trạng hỗn loạn và hỗn loạn nội bộ sâu sắc của họ”.
Đối thủ trỗi dậy
Tuy nhiên, việc ủng hộ quyền sử dụng súng không chỉ dừng lại ở một nhóm. Trong lúc NRA gặp khó khăn, các đối thủ của họ đang tìm cách lấp đầy khoảng trống.
Đầu tiên là Hiệp hội Quốc gia về Quyền sử dụng súng (NAGR), tổ chức đã vận động thành công để Nam Dakota, Oklahoma và Kentucky được thêm vào danh sách 15 tiểu bang cho phép mang súng không hạn chế vào năm 2019. Tờ Washington Post đưa tin ngân sách của NAGR đã tăng lên 15 triệu USD vào năm 2022, từ khoảng 6 triệu USD vào năm 2019. Một tổ chức khác, Quỹ Tu chính án thứ hai, hiện cũng có hơn 700.000 thành viên.
Tuy nhiên, những khó khăn của NRA cũng không ngăn cản người Mỹ mua súng. Theo nghiên cứu do Statista tổng hợp, 45% hộ gia đình ở Mỹ sở hữu ít nhất một khẩu súng vào năm 2022, con số cao nhất kể từ năm 2011.