Lý do khiến kinh tế Trung Quốc khó vượt Mỹ

Chính phủ Trung Quốc được cho là chưa có lựa chọn nào đủ mạnh để khắc phục hàng loạt vấn đề mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt.

2023 được dự đoán là năm kinh tế Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ sau khi được tháo gỡ khỏi các biện pháp kiểm soát Covid-19. Nhưng nửa năm đã qua đi, nền kinh tế số 2 thế giới đối mặt hàng loạt vấn đề như tiêu dùng nội địa nghèo nàn, thị trường bất động sản chìm sâu vào khủng hoảng, xuất khẩu trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và núi nợ công của các địa phương.

"Vài năm trước, thật khó để tưởng tượng Trung Quốc sẽ không mau chóng vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng lúc này, kịch bản đó hoàn toàn có thể sẽ không xảy ra", Tom Orlik, chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics, nhận định.

Kinh tế nội địa ảm đạm

Khi năm 2023 bắt đầu, nhiều người lạc quan Trung Quốc sẽ nhanh chóng phục hồi nhờ chi tiêu nội địa tăng mạnh, người dân có thể bung sức mua sắm, du lịch. Nhưng sự lạc quan nhanh chóng vụt tắt.

Những lo ngại về tác động của tăng trưởng yếu đến tỷ lệ thất nghiệp và thu nhập, cùng triển vọng u ám của ngành bất động sản, khiến người dân Trung Quốc siết chặt hầu bao.

Xiao Jin là chủ một cửa hàng đồ chơi ở thành phố Tân Nghĩa, tỉnh Quý Châu. Người phụ nữ cho biết bà hầu như không kiếm được tiền suốt 3 năm qua vì Covid-19.

"Việc kinh doanh năm nay thậm chí còn tồi tệ hơn", Xiao nói.

 Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang ở mức kỷ lục. Ảnh: Bloomberg.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang ở mức kỷ lục. Ảnh: Bloomberg.

Tâm điểm của tâm lý tiêu dùng thận trọng là thị trường bất động sản. Sau khi Bắc Kinh siết chặt tín dụng bất động sản năm 2020, giá nhà đất đã đi xuống và khiến một số công ty bất động sản có nền tảng yếu kém vỡ nợ.

Nhiều công ty bất động sản dừng thi công các dự án đã bán cho khách hàng nhưng chưa bàn giao, điều này khiến một số người sở hữu nhà dừng trả các khoản thế chấp.

Dù giá nhà giảm, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu mua nhà phục hồi. Các khoản vay giảm 13% trong 5 tháng đầu năm 2023, cho thấy số người vay thế chấp để mua nhà tiếp tục giảm xuống.

Một dấu hiệu đáng lo ngại khác với nền kinh tế là tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Khoảng 20,8% người trong độ tuổi 16-24 đang thất nghiệp, đây là con số kỷ lục kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu năm 2018.

Một trong các nguyên nhân chính là sự sụt giảm của ngành dịch vụ, hệ quả của chính sách Covid-19, cũng như sự đi xuống của thị trường bất động sản.

Việc Bắc Kinh mạnh tay xử lý các công ty công nghệ lớn cũng ảnh hưởng tới nhiều vị trí việc làm vốn dành cho các sinh viên tài năng mới tốt nghiệp.

Xuất khẩu tiêu điều

Xuất khẩu từng là trụ cột hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian đại dịch. Nhưng những tháng gần đây, các số liệu xuất khẩu cũng không còn khả quan. Từ mức đỉnh 340 tỷ USD tháng 12/2021, Trung Quốc chỉ còn xuất khẩu 60 tỷ USD hàng hóa vào tháng 5.

Giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống do triển vọng kinh tế yếu kém tại hai thị trường lớn nhất là Mỹ và châu Âu.

Xuất khẩu bế tắc khiến giá thành hàng hóa giảm ngay khi rời khỏi nhà máy, điều này khiến các doanh nghiệp không có thu nhập, dẫn tới mất khả năng trả nợ.

Trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng. Chính phủ Trung Quốc cho hay đang thảo luận các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm nới lỏng các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản, giảm thuế tiêu dùng, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp.

 Xuất khẩu của Trung Quốc đang lao dốc. Ảnh: Bloomberg.

Xuất khẩu của Trung Quốc đang lao dốc. Ảnh: Bloomberg.

Tuy vậy, bởi quy mô dân số đã bắt đầu đi xuống, cũng như nợ công ở mức cao, các gói kích thích bất động sản và cơ sở hạ tầng nhiều khả năng sẽ hạn chế.

Tại khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc, có một nghịch lý là nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng cần tu bổ trong khi thừa mứa những cây cầu, đường hầm, đường cao tốc, sân bay đắt đỏ.

Nhiều khoản vay cho các dự án đắt đỏ đến từ công cụ tài chính của chính quyền địa phương, không được thể hiện trên sổ sách cân đối thu chi. Lúc này, các chính quyền địa phương đang ngồi trên núi nợ mà không có khả năng chi trả.

Theo ước tính của IMF, đến cuối 2022, khoản nợ mà chính quyền các địa phương đang phải gánh là 12.350 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2019. Số liệu này cho thấy chính quyền các địa phương đã vay nợ và chi tiêu nhiều như thế nào trong thời gian đại dịch.

Trước sức ép tài chính, chính quyền địa phương phải bán đất cho các công ty bất động sản để có tiền trả nợ. Tuy nhiên, nguồn thu này cũng cạn dần bởi thị trường nhà đất tiêu điều.

Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại

Trung Quốc dường như chưa có lựa chọn hoàn hảo nào để khắc phục các vấn đề của nền kinh tế. Trong quá khứ, Bắc Kinh từng dùng các gói kích thích quy mô lớn để thúc đẩy nhu cầu chi tiêu. Nhưng cách làm này đã thổi bùng bong bóng trong ngành bất động sản và công nghiệp, đồng thời làm tăng thêm núi nợ của chính quyền các địa phương.

Sau 30 năm tăng trưởng kỷ lục, Trung Quốc liệu có rơi vào tình trạng bế tắc tương tự Nhật Bản hay không, đây là chủ đề đang được các chuyên gia kinh tế thảo luận.

Giữa bối cảnh u ám, cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến Mỹ tìm mọi cách loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chip bán dẫn tiên tiến cũng như các loại công nghệ là động lực của tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

 Thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng. Ảnh: Bloomberg.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng. Ảnh: Bloomberg.

Mục tiêu tăng trưởng chính thức của Trung Quốc năm 2023 là khoảng 5%. Thoạt nhìn, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo khoảng 2,8%, con số cùa Bắc Kinh là đáng ao ước.

Tuy vậy, Trung Quốc duy trì các biện pháp hạn chế Covid-19 suốt năm 2022, do đó mức tăng trưởng 5% của 2023 dựa trên nền tảng là một nền kinh tế thời đại dịch. Nếu loại bỏ yếu tố này, mức tăng trưởng cho năm 2023 sẽ khoảng 3%, chỉ bằng một nửa so với trung bình trước đại dịch.

Các chuyên gia cảnh báo nếu thị trường bất động sản tiếp tục lao dốc, cải cách chậm chạp, cùng căng thẳng với Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đến năm 2030 sẽ chỉ còn 3%.

"Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn bởi đang chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên công nghiệp hóa sang tăng trưởng dựa trên sự sáng tạo. Tăng trưởng dựa trên sáng tạo sẽ không nhanh như công nghiệp", Jin Keyu, giáo sư kinh tế Đại học LSE, nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/ly-do-khien-kinh-te-trung-quoc-kho-vuot-my-post1444264.html