Lý do khiến Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood phải từ chức
CNN dẫn 2 nguồn tin cho biết, vấn đề Ukraine là một trong các lý do, trong khi đó, một quan chức khác nói rằng còn có nhiều vấn đề bất đồng khác.
Thứ trưởng John Rood, người từng phản đối việc giữ lại khoản viện trợ quân sự cho Ukraine, ngày 19/2 đã từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump.
“Theo những gì tôi được biết từ Bộ trưởng Esper, ngài đề nghị tôi từ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách chính sách. Các quan chức cấp cao trong chính quyền được Tổng thống bổ nhiệm luôn phục vụ vì sự hài lòng của Tổng thống, và vì thế, như ngài đã đề nghị, tôi xin từ chức và đơn từ chức có hiệu lực từ ngày 28/2/2020”, ông Rood viết trong thư gửi Tổng thống Trump đề ngày 19/2.
Thông tin này sau đó đã được Tổng thống Trump xác nhận trên Twitter.
“Tôi muốn gửi lời cám ơn John Rood vì đã phục vụ đất nước của chúng ta, và chúc ông suôn sẻ với công việc trong tương lai”, ông Trump nói, đồng thời chia sẻ thông tin từ Bloomberg News trong đó nói rằng, Rood “phải đối mặt với các sức ép từ chức từ những người đã mất niềm tin vào khả năng của ông trong việc thực hiện các chương trình của Tổng thống Trump”.
Các quan chức giấu tên tiết lộ với CNN rằng ông Rood bất đồng với chính quyền Trump về một số vấn đề trong đó có Afghanistan và Ukraine. Các quan chức này cũng cho biết, ông Rood thường bị xem là không sát sao với một số thay đổi chính sách mà Nhà Trắng và các quan chức Lầu Năm Góc mong muốn.
Trong khi đó, một quan chức khác nói rằng, bất đồng quan điểm giữa Thứ trưởng Rood và một số lập trường chính sách chủ chốt của Trump bao gồm cả sự hoài nghi về các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban cũng như việc giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc trong thời gian đối thoại với Triều Tiên. Ngoài ra ông Rood cũng thúc đẩy cách tiếp cận “gây hấn” hơn với Nga bằng việc ủng hộ Ukraine.
Ông Rood là quan chức chính sách hàng đầu của Bộ Quốc phòng và phụ trách giám sát các khía cạnh trong mối quan hệ của Lầu Năm Góc với các đối tác và đồng minh của Mỹ.
Ông cũng có liên quan tới việc xác nhận với Quốc hội Mỹ rằng Ukraine đã thực hiện các cải cách đáng kể để được nhận 250 triệu USD viện trợ an ninh.
Nhiều giờ sau cuộc điện đàm ngày 25/7 của Tổng thống Trump với Tổng thống Ukraine Zelensky, một cuộc trao đổi khác cũng nhận được sự chú ý, đó là email mà Thứ trưởng Rood gửi cho Bộ trưởng Mark Esper – khi đó mới chỉ nhậm chức được 2 ngày.
Trong email gửi Bộ trưởng, ông Rood nói rằng, việc “giữ lại viện trợ an ninh ở thời điểm này sẽ phá hỏng những ưu tiên quốc phòng của chúng ta với một đối tác chủ chốt trong sự cạnh tranh với Nga”.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách quan hệ công chúng Jonathan Hoffman từ chối bình luận về việc Thứ trưởng Rood từ chức là do bất đồng liên quan tới Ukraine.
“Tôi không có thông tin nào để đưa ra kết luận”, ông Hoffman nói.
Trước đó, Tổng thống ông Trump đã sa thải 2 nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra luận tội: Alexander Vindman, chuyên gia hàng đầu về Ukraine tại Hội đồng an ninh Quốc gia và Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland.
Một cố vấn của ông Trump nói rằng ở thời điểm đó, việc sa thải các nhân chứng quan trọng trong quá trình luận tội là để phát đi thông điệp rằng việc phản đối Tổng thống là điều không thể chấp nhận được.
Nối dài danh sách rời khỏi Lầu Năm Góc
“Tôi muốn cám ơn John Rood vì công việc của ông ở Lầu Năm Góc. John đã đóng vai trò rất quan trọng trong một loạt vấn đề của Bộ quốc phòng, bao gồm cả việc hiện đại hóa năng lực răn đe hạt nhân, các nỗ lực nhằm gia tăng phần đóng góp của các đồng minh NATO, Báo cáo phòng thủ hạt nhân và việc thực thi Chiến lược quốc phòng. Chúc ông mọi điều tốt đẹp trong công việc tương lai”, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói trong một tuyên bố ngày 19/2.
Rood là quan chức cấp cao mới nhất rời khỏi Bộ Quốc phòng Mỹ trong những tháng gần đây sau Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Eric Chewning, Trợ lý Bộ trưởng phụ trách vấn đề an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương Randall Schriver cùng một số quan chức khác.
Ông John Rood phục vụ trong chính quyền Tổng Trump từ tháng 1/2018, dưới thời Bộ trưởng khi đó là James Mattis. Ông từng nắm giữ nhiều vị trí khác nhau ở Bộ Quốc phòng trong các chính quyền tiền nhiệm, và cũng từng làm việc cho CIA. Ông cũng nắm giữ một số vai trò với các nhà thầu quân sự lớn của Mỹ như Lockheed Martin and Raytheon./.