Lý do mạng xã hội mới của cựu Tổng thống Mỹ Trump có thể 'chết yểu'
Sau một loạt nỗ lực rời rạc, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo thành lập mạng xã hội TRUTH Social để cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ lớn. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến mạng TRUTH có thể nhanh chóng thất bại.
Theo kênh CNN, theo thông báo ngày 20/10, các bài đăng trên trên mạng TRUTH Social sẽ được gọi là “TRUTHS” (sự thật) và ông Trump cho biết ông rất phấn khích, muốn sớm có thể chia sẻ suy nghĩ trên mạng này.
Dù vậy, giống như nỗ lực thành lập blog trước đó của ông Trump, TRUTH Social có thể không thành công như mong đợi, thậm chí có thể chết yểu vì những lý do sau đây.
Twitter đã tồn tại
Theo Business Insider, mạng xã hội TRUTH Social của ông Trump có giao diện người dùng na ná Twitter, ví dụ như trang hồ sơ người dùng cũng có thiết kế ảnh đại diện hình tròn, thông tin cá nhân và lượng người theo dõi hiện ngay bên dưới. Trang cá nhân cũng có các cột na ná Twitter.
Thế giới đã có Twitter với trên 200 triệu người dùng. Mặc dù Twitter không hoàn hảo nhưng dường như người dùng nói chung không cần thêm một mạng xã hội na ná nữa.
Ông Trump đã đăng dòng tweet đầu tiên của mình ngày 4/5/2009, tức là ông có 6 năm để xây dựng hiện diện trên nền tảng Twitter rồi mới bắt đầu sử dụng nó tích cực để chạy đua vào Nhà Trắng giai đoạn 2015-2016. Trước khi bắt đầu trên Twitter, ông đã có rất nhiều người theo dõi và với tài khoản Twitter, ông không phải bắt đầu từ con số 0. Còn với mạng TRUTH, ông sẽ phải đi từ đầu.
Không gian mạng xã hội bảo thủ chật chội
Mạng Parler ra đời năm 2018 và thu hút nhiều người theo phe bảo thủ ở Mỹ. Sau vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1, Twitter cấm ông Trump khi đó còn là tổng thống và những người ủng hộ ông này đã quay sang dùng Parler. Ứng dụng Parler đột ngột được tải xuống rất nhiều nhưng sau đó, nó gần như biến mất.
Theo tờ The Verge hồi tháng 7, lượt tải Parler tăng từ 517.000 hồi tháng 12/2020 lên 11.000 hồi tháng 6/2021.
Tiếp đó có mạng xã hội Gettr, một bản nhái của Twitter do cộng sự của ông Trump là Jason Miller thành lập. Chỉ trong vài ngày ra mắt, các tin tặc có thể lấy và đăng địa chỉ thư điện tử của 85.000 người dùng mạng này. Tờ TechCrunch bình luận: “Gettr, mạng xã hội mới nhất ủng hộ ông Trump là mớ hỗn độn”.
Mặc dù TRUTH Social do chính ông Trump thành lập, khác với Parler và Gettr, nhưng hiện vẫn chưa rõ vũ trụ mạng xã hội bảo thủ đông đúc này có chỗ cho một ứng dụng nữa hay không.
Ông Trump không còn là tổng thống
Mặc dù ông Trump vẫn là thành viên nổi tiếng nhất, quyền lực nhất về mặt chính trị của đảng Cộng hòa, nhưng từ khi bị Twitter, Facebook và YouTube cấm cửa, khả năng huy động chú ý của ông đã bị giảm đáng kể.
Theo nhận định của Washington Post hồi tháng 4, mối quan tâm với ông Trump thể hiện qua tìm kiếm trên Google ở mức thấp hơn bao giờ hết từ tháng 6/2015. Lượng thời gian ông xuất hiện trên các đài truyền hình cáp cũng tương tự. Các mạng lưới tin tức đưa tin về ông Trump còn ít hơn nhiều, giảm xuống mức thấp năm 2020 khi đại dịch COVID-19 lấn át sự chú ý dành cho ông Trump trên toàn quốc. Ngoài ra, số lượt trung bình đề cập tới ông Trump trong tháng 3 đã trở về mức thấp tương tự hồi tháng 11/2015.
Nỗ lực khởi động một blog sau nhiệm kỳ tổng thống đã thất bại hồi tháng 6 và blog này bị đóng cửa vĩnh viễn. Tờ New York Times bình luận: Ông Trump giận dữ khi nghe bạn bè nói trang blog ít tương tác, khiến ông Trump trông nhỏ bé và thừa thãi.
Trang blog này do một công ty của cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Brad Parscale thành lập cho ông Trump với chi phí vài nghìn đô la, muốn trở thành trung tâm trực tuyến cho người ủng hộ ông sau khi ông không còn là tổng thống.
Tuy nhiên, CNN cho rằng một số người sẵn sàng quan tâm tới bất kỳ điều gì ông Trump làm, nhưng số người này không đủ lớn để giúp một mạng xã hội của ông Trump thành công.
Dù mới có thông báo và TRUTH Social còn chưa hoạt động nhưng truyền thông đã đưa tin mạng này bị xâm nhập, có lỗ hổng. Người dùng Twitter chỉ mất hai tiếng để lần mò ra trang beta của TRUTH Social và lập các tài khoản giả mạo của ông Trump.