Lý do Pep hạn chế vào phòng thay đồ của các cầu thủ
Pep coi phòng thay đồ là thế giới riêng của các cầu thủ. Huấn luyện viên này cho rằng đó là nơi cầu thủ có thể nói về phụ nữ, xe cộ, thậm chí nói xấu Pep nếu muốn.
Ngay từ ngày đầu tiên trên cương vị huấn luyện viên, Pep đã đặc biệt quan tâm tới cảm xúc của các cầu thủ, anh yêu cầu tất cả phải đoàn kết và nỗ lực. Những giá trị ấy phản ánh con người anh.
Anh biết rằng để có thể lãnh đạo được tập thể này, anh cần phải kiên định, kiểm soát được cả những chi tiết nhỏ lẫn những cái tôi lớn và thuyết phục được mọi người không chỉ làm theo những gì anh yêu cầu mà còn phải có niềm tin vào những gì họ làm.
Khả năng giao tiếp có lẽ là năng lực lớn nhất của anh. Cứ tưởng tượng bạn đang là một cầu thủ. Hôm ấy diễn ra một trận đấu trên sân nhà. Sau buổi tập sáng và bữa cơm chung với toàn đội ở trung tâm tập luyện Sant Joan Despí, như thường lệ, bạn được Pep cho về nhà nghỉ ngơi.
Bạn thích như thế. Bạn không phải vật vờ chờ cho tới khi trận đấu diễn ra, và bởi thế bạn cảm thấy buổi tập trở nên căng hơn, quyết liệt hơn nhưng cũng vui hơn. Khoảng hai tiếng trước giờ bóng lăn, bạn sẽ phải có mặt ở Camp Nou.
Khi còn khoảng một giờ, và khi bạn còn chưa hoàn toàn sẵn sàng để khởi động, Pep sẽ cởi chiếc áo khoác của mình ra. Anh mặc một chiếc sơ mi bó sát, thường là màu trắng, đeo cà vạt, hai ống tay áo được xắn lên. Đó là hình ảnh khi Pep làm việc. Bạn và các cầu thủ khác sẽ cùng tiến về căn phòng lớn kế bên phòng thay đồ và ở đó, sẽ cùng ngồi xuống để lắng nghe những chỉ thị từ Pep.
Pep sẽ vỗ tay vài lần, hét lên “nào các quý ông”, và khi căn phòng trở nên yên ắng, anh sẽ bắt đầu nói những điều khiến cho bạn cảm thấy như được mở mắt. Anh sẽ vạch ra con đường đi tới thành công trong trận đấu đó. Anh sẽ khiến cho bạn nhìn thấy con đường ấy, hình dung được nó một cách rõ ràng trong đầu.
Các bạn trở lại phòng thay đồ, nơi các bạn sẽ không thể nhìn thấy Pep vì anh đã giấu mình trong văn phòng. Pep xem việc giữ khoảng cách với các cầu thủ như là một trong những nguyên tắc mà một huấn luyện viên cần phải duy trì.
Phòng thay đồ gần như trở thành lãnh địa riêng của các cầu thủ, tới mức có nhiều khi người ta thấy Pep đứng bồn chồn bên ngoài cửa phòng rồi hỏi một trong các trợ lý của mình: “Bao giờ thì họ xong?” Nếu câu trả lời là năm phút, anh sẽ nấn ná một lúc trước khi đi vào và đưa ra những chỉ đạo chóng vánh.
Anh hiểu rằng sự có mặt của anh có thể tác động lên hành vi của các cầu thủ. Phòng thay đồ nên là một nơi ẩn náu với các cầu thủ, để họ là chính mình, có thể nói bất kỳ điều gì vào bất kỳ thời gian nào mà không sợ bị trừng phạt. Họ có thể nói về phụ nữ, xe cộ, thậm chí nói xấu Pep nếu muốn. Hỏi Xavi đi, anh ấy sẽ giải thích điều này cho bạn.
Xavi: Đúng vậy. Ngay từ đầu ông ấy đã nói với chúng tôi rằng: “Tôi sẽ không vào trong đó”. Cũng giống như một phòng học không có giáo viên. Một khi giáo viên đã vào rồi, thì có nghĩa là đã tới lúc phải nghiêm túc.
Manel Estiarte: Anh ấy phải đi qua phòng thay đồ thì mới tới được văn phòng, vì nó nằm ở cuối hành lang. Nhưng anh chẳng bao giờ vào đó trừ khi có gì đó cần nói với các cầu thủ sau trận đấu, để động viên họ hay nhắc nhở họ về một điều gì đấy, hoặc để trao cho họ một cái ôm trước trận. Phòng thay đồ trước trận thường rất náo nhiệt. Rồi Pep tới, họ ôm nhau, và anh lại đi ra. Vì từng là cầu thủ, nên Pep hiểu. Anh ấy luôn nói: “Đây là nơi họ có thể đùa cợt, có thể lấy tôi ra làm trò cười, thậm chí chỉ trích tôi".
Ở đó bạn có thể thực hiện những nghi thức của riêng mình, ví dụ luôn đi tất trái hay tất phải trước và những việc kiểu kiểu như thế, có thể nói về trận đấu, về bài nói chuyện vừa xong, hay về âm nhạc của Piqué. Valdés thường ngồi yên lặng ở một góc phòng và Messi cũng vậy; anh ta trông nhỏ đi trong không gian đó. Sau phần khởi động, khoảng 10 hay 15 phút trước giờ bóng lăn, Pep thường, chứ không phải luôn luôn, xuất hiện chớp nhoáng để nhắc nhở các bạn hai hay ba điểm quan trọng hoặc để đưa ra những bình luận nhỏ. Rồi anh sẽ lại biến mất.
Xavi: Sự xuất hiện của ông ấy khiến cho bạn thấy cần phải ngồi xuống và lắng nghe, không được phép sao nhãng. Tất cả những gì ông ấy cần nói chỉ là “Các anh đã sẵn sàng hay chưa?”
Javier Mascherano: Và sau đó ông ấy sẽ đưa cho bạn những chìa khóa của trận đấu, trong vòng chưa tới 10 phút.
Tito: Các cuộc nói chuyện trước trận đấu sẽ được tổ chức ở khách sạn trong các trận sân khách, còn nếu trong một trận sân nhà, chúng sẽ diễn ra ở phòng Hình ảnh. Trước hết, anh ấy sẽ chiếu một số clip về đối thủ, chỉ ra những điểm mạnh của họ và cách khiến họ tổn thương. Cả chiến thuật của chúng tôi lẫn của đối thủ đều được giải thích rõ ràng.
Iniesta: Các cuộc nói chuyện ấy khiến tôi nhớ lại thời còn đi học. Mọi người ai ngồi chỗ nấy, còn ông ấy thì đứng ở giữa say sưa nói, nếu cần thiết sẽ kèm theo nhiều cử chỉ nữa, còn nếu không thì thôi.
Valdés: Sau tất cả các cuộc thảo luận, tôi luôn học được một điều gì đó. Tôi là người rất nhút nhát nhưng ông ấy đã chỉ cho tôi về tầm quan trọng của việc giao tiếp với các đồng đội, với thế giới bên ngoài.
Estiarte: Không có cầu thủ nào nhìn xuống sàn cả, tất cả đều dán mắt vào anh ấy.