Lý do phố Wall không hưởng ứng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc
Đối với các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty tài chính Mỹ, thị trường Trung Quốc trở thành trọng điểm tăng trưởng chính và các công ty này sẽ không bỏ lỡ cơ hội của mình.
Theo đài Sputnik, Goldman Sachs đã nhận được sự chấp thuận sơ bộ từ các cơ quan quản lý Trung Quốc để thành lập liên doanh với ngân hàng lớn nhất Trung Quốc ICBC.
Liên doanh mới hoạt động trong vấn đề quản lý tài sản. Goldman Sachs sở hữu 51% cổ phần trong đó và ICBC Wealth Management nắm giữ phần còn lại.
Theo dự báo của Goldman Sachs, đến năm 2030, khối lượng tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc cần được quản lý sẽ lên tới 70.000 tỷ USD.
Trung Quốc đang thu ngắn dần danh sách các ngành bị hạn chế đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường quản lý tài sản.
Từ năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã hủy bỏ các hạn chế đối với cổ phần vốn nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và môi giới.Trước đó, có những giới hạn đối với 51% tỷ lệ tham gia của nước ngoài. Và ngay cả dưới những hạn chế trước đây, các ngân hàng đầu tư nước ngoài đã cố gắng giành lấy một phần thị trường và lập liên doanh với các đối tác Trung Quốc.
Sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, JP Morgan trở thành công ty đầu tiên nhận toàn quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc.
Theo sau là các công ty lớn khác trên thế giới - UBS Group AG, Nomura Holdings Inc. và Credit Suisse - họ cũng đã đăng ký mở rộng cổ phần của mình trong các liên doanh với Trung Quốc.
Về phần mình, Goldman Sachs trở thành công ty đầu tiên nắm toàn quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh chứng khoán ở Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn mới đây, Zhang Jiadong, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho rằng đối với các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty tài chính Mỹ, thị trường Trung Quốc trở thành trọng điểm tăng trưởng chính và các công ty này sẽ không bỏ lỡ cơ hội của mình.
Tuy nhiên, Mỹ hạn chế hợp tác đầu tư giữa nước này và Trung Quốc. Trong việc này, lợi ích của Phố Wall (Wall Street) và doanh nghiệp Mỹ theo nghĩa rộng nhất đang trái ngược với đường lối chính trị.
Khoảng hai thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được hơn 140 tỷ USD trên các sàn giao dịch Mỹ.
Theo ông Jiadong, hiện Trung Quốc đang đưa ra một tín hiệu rõ ràng về sự sẵn sàng cung cấp sân chơi bình đẳng cho người nước ngoài để họ cũng có thể tận dụng lợi thế của thị trường Trung Quốc.
Trên thực tế, quá trình chia cắt nền kinh tế hai nước sẽ ngày càng khó khăn hơn. Bởi vì doanh nghiệp Mỹ, bất chấp chính trị, bỏ phiếu cho thị trường Trung Quốc bằng chính đồng đôla của họ.
Theo tính toán của công ty phân tích Mergermarket của Anh, đầu tư của các công ty Mỹ vào hoạt động mua bán và sáp nhập tại Trung Quốc từ tháng Một đến tháng Mười năm 2020 tăng 69% và đạt 11,35 tỷ USD.
Nhìn chung, Trung Quốc năm ngoái đã thu hút được 520,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài - nhiều hơn 80% so với năm 2019. Để so sánh, đỉnh cao của đầu tư nước ngoài vào Hoa Kỳ là vào năm 2016, khi đó cũng chỉ lên tới 472 tỷ USD./.