Lý luận và thực tiễn gần 40 năm đổi mới: Thể chế, chính sách đã chuyển biến căn bản

Ngày 24/11, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới'.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới. (Ảnh: PV)

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới. (Ảnh: PV)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được quốc tế thừa nhận và đánh giá cao.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, chất lượng tăng trưởng, an sinh xã hội được cải thiện. Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn. Thể chế, chính sách đã có những bước chuyển biến căn bản, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thiết lập các điều kiện thuận lợi phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, một số lĩnh vực đạt kết quả chưa được như mong muốn như: tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế trong hội nhập chưa cao; bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập...

Ông Phan Chí Hiếu mong muốn, Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, tổng kết những thành tựu, nhận diện một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để tìm ra các giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn để giúp Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển trong giai đoạn tới.

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, ông Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ, đường lối đổi mới của Đảng ta phát động từ Đại hội lần thứ VI năm 1986 qua gần 40 năm thực hiện đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, cô lập, tiến hành cải cách mạnh mẽ toàn diện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Gần 40 năm đổi mới là quá trình không ngừng tìm tòi sáng tạo, phát triển lý luận của Đảng với nhiều đột phá quan trọng như: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện tích cực chủ động hội nhập quốc tế.

Theo ông Đặng Xuân Thanh, để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực vượt bậc trong đổi mới tư duy, có những đột phá mới về lý luận. Việc tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới chính là tiền đề quan trọng cho những tìm tòi, sáng tạo mới đó.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nêu rõ, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là phải xây dựng nền kinh tế thị trường theo các tiêu chí của Tổ chức Thương mại Thế giới mà Việt Nam đã ký cam kết; cải cách hệ thống chính trị theo hướng kiểm soát được quyền lực...

“Thế giới luôn biến động, chỉ có những quốc gia biết nắm bắt thời cơ, tận dụng các cơ hội, tự mình đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế chính sách mới có thể bứt phá phát triển. Việt Nam đã từng làm như vậy trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ XX nên Việt Nam đã có bứt phá phát triển. Hiện nay đang có những thời cơ hiếm có, Việt Nam phải tận dụng triệt để để phát triển” - PGS.TSKH Võ Đại Lược khẳng định.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; một số điểm mới về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề phát triển con người qua 40 năm đổi mới…

Triệu Oanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ly-luan-va-thuc-tien-gan-40-nam-doi-moi-the-che-chinh-sach-da-chuyen-bien-can-ban-post496650.html