Mách nam giới triệu chứng ung thư không thể bỏ qua

Nam giới thường không thích đi khám bệnh dù đang gặp vấn đề về sức khỏe. Điều này sẽ làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Nếu không may, những triệu chứng đó là của bệnh ung thư thì sức khỏe và tính mạng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Ung thư đã trở thành gánh nặng đối với toàn xã hội, là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mỗi người.Vì vậy, nam giới khi có các biểu hiện dưới đây cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn cụ thể.

Sụt cân

Sụt 4 - 5 kg mà không ăn kiêng và tập luyện nhằm mục đích giảm cân thì rõ ràng là không bình thường chút nào. Mặc dù cân nặng có thể dao động hàng tháng nhưng sụt cân nhanh như vậy chắc chắn sức khỏe của bạn đang có vấn đề.

Ho, thở khò khè, thở gấp

Những triệu chứng này kéo dài, gây khó thở có thể liên quan đến ung thư phổi. Nếu bạn đang trải qua những triệu chứng ung thư phổi trên thì nên khẩn trương đi khám bác sĩ.

Sụt cân nhanh chắc chắn sức khỏe của bạn đang có vấn đề.

Sụt cân nhanh chắc chắn sức khỏe của bạn đang có vấn đề.

Mệt mỏi

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng ung thư phổ biến nhất. Thông thường tình trạng này diễn ra ở thời kỳ giữa hoặc cuối ung thư.

Dĩ nhiên, mệt mỏi có nhiều nguyên nhân, cơ thể mệt mỏi do thời tiết, lao động quá sức, một thời gian ngắn sẽ hết nếu như được nghỉ ngơi thư giãn và dinh dưỡng hợp lý.

Nếu triệu chứng mệt mỏi kéo dài, khiến hoạt động hàng ngày của bạn gặp khó khăn thì nên khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Trong giai đoạn đầu của bệnh ung thư, triệu chứng mệt mỏi cũng thường xảy ra.

Đi tiểu khó hoặc bị đau

Đây thường là triệu chứng của bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Đi tiểu rắt, yếu hoặc đi tiểu ban đêm cũng là triệu chứng nên nói với bác sĩ khi đi khám. Nam giới nên quan sát xem trong nước tiểu có lẫn máu không.

Tinh hoàn bị sưng

Một vết sưng dù kích cỡ thế nào thì cũng có thể là triệu chứng ung thư tinh hoàn. Bạn nên tự kiểm tra cơ quan sinh dục hàng tháng để phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Đau xương chậu

Đau ở vùng xương chậu có khả năng là triệu chứng của nhiều bệnh như ung thư tinh hoàn hoặc tuyến tiền liệt. Bất cứ triệu chứng đau kéo dài trong nhiều ngày không dứt cũng nên lo ngại đấy.

Đau, thương tổn hoặc dấu hiệu bất thường trên “cậu nhỏ”

Đây là một trong những dấu hiệu ung thư “cậu nhỏ”, tuy bệnh này khá hiếm nhưng cẩn thận vẫn hơn.

Bất thường khi đi vệ sinh

Nếu bạn bị táo bón, tiêu chảy, lẫn máu,… có thể là dấu hiệu ung thư ruột kết .

Thay đổi ở ngực

Bạn có biết nam giới cũng có thể bị ung thư vú không? Bạn nên quan sát xem núm vú có bị chảy dịch, sưng, trũng xuống và tấy đỏ hoặc có vảy xung quanh vú hay không.

Bệnh ung thư thường gặp ở nam giới

Theo thống kê ghi nhận ung thư 2018 tại Việt Nam, 5 bệnh ung thư thường gặp nhất ở cả 2 giới là ung thư gan (15,4%); ung thư phổi (14,4%); ung thư dạ dày (10,6%); ung thư vú (9,2%); ung thư đại trực tràng (8,9%).

Ung thư phổi

Ung thư phổi mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 ca tử vong tại Việt Nam. Đây là loại ung thư gây tử vong cao nhất ở nam giới, bởi thói quen hút thuốc lá.

Thống kê cho thấy: nếu hút 1- 9 điếu thuốc/ngày - khả năng mắc ung thư phổi là 4,6%, 10 - 19 điếu - 8,6%, 20 - 30 điếu sẽ là 14,7%. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác như tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá hay với khí radon, các ô nhiễm không khí từ công nghệ kim loại nặng,… cùng cộng lại với nhau thì khả năng mắc phải không còn là một con số nhỏ.

Giai đoạn sớm của ung thư phổi thường không có triệu chứng và không đau đớn, khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có triệu chứng ho khan, ho kéo dài, ho ra máu hoặc ho có đờm trắng/nhiều đờm, có khi có bội nhiễm. Những dấu hiệu trên cho thấy bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.

Ung thư gan

Sau ung thư phổi, là ung thư gan. Ung thư gan để lại rất ít cơ hội điều trị cho những người mắc bệnh. Thông thường, khi bệnh được phát hiện đã ở giai đoạn muộn, người bệnh chỉ có thể sống được thêm từ 3 - 6 tháng.

Chiếm 91% - viêm gan B và C là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư gan. Nhưng việc lạm dụng rượu, bia cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Đây cũng là lý do tại sao căn bệnh này lại phổ biến ở nam giới.

Ung thư tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là hạch nhỏ nằm dưới bọng đái gần ruột già và bao quanh niệu đạo. Đây là cơ quan chỉ có ở nam giới, nhưng nó lại trở thành một trong những kẻ giết người thầm lặng nếu chuyển thành ung thư. Ung thư tuyến tiền liệt cũng luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới.

Ung thư tuyến tiền liệt tuy phát triển chậm nhưng bệnh có thể di căn lan sang các khu vực khác, đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết. Bệnh có xu hướng phát triển ở nam giới trong độ tuổi 50, với giai đoạn đầu chưa có dấu hiệu đáng kể, nhưng khi đến các giai đoạn cuối sẽ xuất hiện các triệu chứng như tiểu ngắt quãng, tiểu ra máu, đau khi đi tiểu…

Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng đứng thứ tư trong danh sách, với số nam giới mắc mỗi năm khoảng 8.000 ca, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 13.000. Táo bón, chảy máu trực tràng, đau bụng, cơ thể yếu và sụt cân... là những triệu chứng phổ biến nhất ở ung thư đại tràng.

Đối tượng mục tiêu của căn bệnh này là nam giới thuộc nhóm tuổi từ 30 - 60, thường xuyên ăn uống không khoa học, ăn nhiều thịt, các thực phẩm được chế biến sẵn, thiếu chất xơ và ít hoạt động thể chất. Rượu bia và thuốc lá cũng là những người bạn thân thiết của căn bệnh ung thư đại trực tràng. Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như rối loạn tiêu hóa, trĩ, viêm loét dạ dày và kiết lỵ.

Chính vì thế, việc tầm soát để kịp thời nhận biết cũng như phát hiện bệnh sớm sẽ giúp cho tỷ lệ điều trị thành công cao hơn, cũng như chi phí điều trị ít tốn kém hơn.

Khám sức khỏe định kỳ
Thường thì khám sức khỏe định kỳ sẽ được chỉ định, thực hiện kiểm tra từ 6 tháng đến 1 năm/lần. Quy trình gồm: khám tai mũi họng, răng hàm mặt, nghe điện tim đồ, làm các xét nghiệm máu và nước tiểu,... hầu như sẽ kiểm tra toàn diện các vấn đề trên cơ thể. Để đánh giá về các bệnh lý như tim mạch, các chức năng bài tiết của cơ thể có hoạt động ổn định không,...

Tầm soát ung thư
Việc khám tầm soát ung thư cho nam hay nữ sẽ gồm các xét nghiệm chuyên sâu, giúp tìm kiếm các dấu hiệu ung thư, cũng như kịp thời phát hiện thời kỳ phát triển của bệnh ở giai đoạn đầu, có thể kịp thời điều trị dứt điểm. Các xét nghiệm của tầm soát bao gồm: Chụp CT, MRI, xét nghiệm máu hoặc niêm mạc miệng tìm các gen gây ung thư, siêu âm, nội soi dạ dày, đại tràng,...

BS Thanh Nga

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mach-nam-gioi-trieu-chung-ung-thu-khong-the-bo-qua-n172549.html