Mái ấm đồng đội

PTĐT - Sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những thương, bệnh binh trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người mang trong mình nỗi đau, thương tật khác nhau

PTĐT - Sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những thương, bệnh binh trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người mang trong mình nỗi đau, thương tật khác nhau nhưng họ cùng sống dưới mái nhà chung Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh, bên những người thân trong gia đình và đồng đội, nơi đây để trở thành mái ấm bình yên và tràn đầy yêu thương.

Ký ức nơi chiến trường xưa

Hơn 50 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quyết không thể quên được một thời xông pha trong mưa bom bão đạn. Trong căn phòng thoáng mát, ngăn nắp, ấm cúng của mình, ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng chiến đấu ác liệt, hào hùng của ông cùng đồng đội. Năm 1969, ông Quyết lên đường nhập ngũ tham gia trong đoàn công binh 559, Binh trạm 32. Sau thời gian huấn luyện, năm 1971 ông tham gia chiến đấu trên chiến trường được xem là ác liệt nhất lúc bấy giờ là Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào. Trong một lần cùng đồng đội chiến đấu, ông bị thương nặng và liệt cột sống phải nằm bất động. Ông được chuyển ra Bắc điều trị. Năm 1979, ông được chuyển vào điều trị, chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh cho đến nay. Kể về cuộc đời mình, ông bùi ngùi: “Tham gia chiến đấu rồi bị thương nặng những tưởng không thể trở về. Vậy mà gắn bó với trung tâm gần nửa cuộc đời rồi. Tôi cùng vợ về đây sinh sống, hàng xóm là anh em, đồng đội và những y, bác sĩ, nhân viên ở đây như những người thân ruột thịt của tôi”.

Cũng như ông Quyết, thương binh ¼ Nguyễn Hồng Dậu, 71 tuổi, đang mang trên mình những tàn dư khốc liệt của chiến tranh. Trầm ngâm bên chén trà nóng, ông Dậu nhớ về ngày tháng lịch sử năm xưa: “Tháng 3 năm 1967 tôi lên đường tham gia nhập ngũ, thuộc Sư Đoàn 320, tôi cùng đồng đội tham gia vào trận đánh tại Cam Lộ, Quảng Trị; chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971; chiến dịch Tây Nguyên năm 1974, trong khi chiến đấu tôi bị thương bất tỉnh. Khi tỉnh dậy mới biết mình vẫn còn sống, tuy nhiên tay phải và chân phải bị thương nặng”.

Đã 39 năm được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người có công, ông coi nơi này như tư gia thứ 2 của mình. Đây là nơi giúp ông xoa dịu những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần.

Hơn 45 năm chiến tranh đã đi qua, ký ức về một thời bom đạn vẫn đâu đó trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Tâm, 51 tuổi, thương binh suy giảm sức khỏe 71%. Di chứng thảm khốc của chiến tranh vẫn còn in hằn trên người đàn bà nhỏ bé .

Năm 1968, khi vừa tròn 17 tuổi, bà tham gia nhập ngũ, trở thành chiến sỹ thanh niên xung phong, công tác trong đội 25, Ban xây dựng 67, Đoàn 559, có nhiệm vụ mở con đường huyết mạch 20 Quyết Thắng nối sang đất Lào. Tháng 8 năm 1969, đường 20 Quyết Thắng trở thành điểm nóng, khi xe bộ đội ta đến là máy bay địch đánh bom xối xả. Khi vừa nghe thấy tiếng máy bay, bà Tâm chỉ kịp hô "nằm xuống"... Trong tích tắc, hàng loạt bom đã được thả xuống khu vực đường 20 Quyết Thắng cướp đi sinh mạng của nhiều chiến sỹ. Nói đến đây, giọng bà như lạc đi: “Từ khoảnh khắc ấy trở đi tôi không nhớ gì nữa, chỉ biết sau khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong bệnh xá, toàn bộ cơ mặt dường như không cử động được, nói chuyện với bác sĩ tôi mới biết, tôi bị vỡ xương hàm dưới, gãy xương mũi”. Sau này, bà tiếp tục phải trải qua 9 lần phẫu thuật chỉnh hình, tuy nhiên khớp hàm vẫn không hoạt động được tốt, chỉ ăn được đồ lỏng. Đến tận bây giờ, dù chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ nhưng những ký ức đau thương chốc lát lại ùa về, ám ảnh bà trong cả từng giấc ngủ.

Ngôi nhà chung

Hậu quả chiến tranh để lại đối với những người lính như ông Quyết, ông Dậu, hay hoàn cảnh như bà Tâm vẫn còn hiện hữu. Những người chiến sĩ năm xưa khi về già, họ lại sống chung dưới một mái nhà để cùng nhau hồi ức về một thời bão lửa, một ký ức hào hùng đã đi qua và trân trọng.

Cứ mỗi buổi chiều, khuôn viên của trung tâm luôn rộn rã tiếng cười nói, người đánh cờ, người thể dục, người tưới cây, tưới rau… tất cả tạo nên một khung cảnh ấm áp, gửi gắm quãng đời còn lại của những người đã không tiếc máu xương, xông pha vì sự bình yên của đất nước. Dẫn chúng tôi đi thăm hỏi các thương bệnh binh, ông Phạm Quang Nhạc - Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người có công cho biết, hiện nay, có 30 đối tượng thương, bệnh binh và người có công đang được chăm sóc tại trung tâm. Trong những năm qua, bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu nặng, nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung thứ 2 của các thương, bệnh binh, giúp họ sống vui, sống khỏe mỗi ngày.

Giang Ninh - Như Quỳnh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202011/mai-am-dong-doi-174023