Mai Lâm: Người kể chuyện từ xa Hà Nội
Mai Lâm, từng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, nguyên nhạc công một nhà hát tại Hà Nội, rồi định cư tại Đức, đã ra mắt tới 5 tập 'Từ xa Hà Nội' do NXB Văn học ấn hành. Sáng tác nhạc, nhưng anh không nhận mình là nhạc sĩ, và viết tản văn kể chuyện đời, nhưng cũng nói rằng đó chỉ là một cuộc chơi văn chương, như rất nhiều thú chơi khác.
Có thể nói, nếu điểm danh những cộng đồng xa xứ có lực lượng viết văn đông đảo viết về Hà Nội, viết về Thủ đô như một chủ đề, một đề tài, một nguồn cảm hứng, hay đơn giản như một bối cảnh, thì không thể không kể đến cộng đồng người Việt ở Đức. Là bởi, trong lực lượng ấy, có những nhà văn tên tuổi, thành danh, như Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Hà…; có cả những cây bút cộng đồng viết vì niềm yêu thích, đam mê viết và; có người ở giữa khoảng ấy, như Mai Lâm.
Tôi không gọi Mai Lâm là nhà văn. Mai Lâm, thực sự là một Người Kể Chuyện, theo nghĩa đen của từ này. Và anh cũng chưa bao giờ nghĩ mình là gì trong cái danh xưng nhà văn cao quý ấy.
Và như chính anh tâm sự: “Nói về mộng văn chương thì ai cũng có một ước mơ theo kiểu đó. Và là người học giỏi văn thì tôi cứ tưởng lớn lên mình sẽ là nhà văn. Nghĩ thế, hiểu thế, tưởng thế! Nhưng về sau do cuộc sống xô đẩy, cũng có thể do mình trưởng thành, mình hiểu không phải cứ là một học sinh giỏi văn thì có thể viết được văn. Và cũng dần dần hiểu ra chuyện văn chương không phải là anh có tài khéo mà có được, nên tôi quên chuyện đó đi. Dần dần tôi đi vào âm nhạc.
Cứ bảo tại sao mình lại làm nghề âm nhạc mấy chục năm? Tôi nghĩ lại thời ấy, thời bao cấp, nếu có vào trường công nhân kỹ thuật cũng được! Quan trọng nhất là mình được đi khỏi gia đình, được thoát ly sớm. Từ 14, 15 tuổi đã xa gia đình để làm chuyên nghiệp rồi. Vào trường nhạc, văn chương lại trở lại với mình. Tôi có cái duyên là được học giáo sư Dương Viết Á, một người dạy văn rất hay. Mà mình mê văn cũng một phần do thầy mình, và thầy cũng khuyến khích khả năng đó.
Cho tới giờ ra tới 5 quyển sách tôi cũng không nghĩ mình là nhà văn. Bởi tôi nghĩ nhà văn là phải làm lay động đến tâm hồn và tư tưởng của người đọc. Tất cả những gì tôi làm, chỉ là tôi chơi, giống như người khác chơi thích bida vậy.. Của mình chỉ dừng ở mức độ chơi như người này thích chơi bida, người kia thích đá bóng còn tôi thích viết. Đơn giản như thế chứ mình không dám nói những điều ghê gớm như chuyển tải thông điệp gì hay tác động đến ai”.
Năm cuốn sách đã ra của Mai Lâm, đều viết trực tiếp trên cái iphone, và bạn đọc đầu tiên chính là những bạn bè anh trên mạng. Có lẽ, gốc gác một cậu học trò có khiếu văn chương, sau này mải chơi rẽ sang trường nhạc, và lấy sự Chơi như lẽ sống đời mình, khiến cho những câu chuyện anh kể ngay lập tức có một sức thu hút kỳ lạ.
Những chi tiết sinh động, những nhân vật có thật, cả những đường phố Thủ đô đã thành tên gọi… Người đọc thấy thú vị vì được sống, được thở, được cảm nhận một cuộc sống thật, sinh động đến từng tế bào sau những lớp vỏ biểu tượng của đời sống thị dân Hà Nội.
Qua 5 cuốn, được in ra vì nhà sách đề nghị tập hợp thành sách, cả chuyện Hà Nội và chuyện Đức, Mai Lâm dừng viết hai năm, chỉ thỉnh thoảng nhắc lại cho bạn đọc trên trang cá nhân một đôi câu chuyện, vẫn giọng kể giàu chi tiết, sống động, thoạt đọc thì hài hước, nhưng rồi nhiều khi tới khúc cuối cùng, lại thấy cay trong lòng mắt, thấy cái cười thật nhẹ của con người đã thật hiểu lẽ người, lẽ đời, hiểu những ân tình, những cay đắng đã trải, đã nhận và đã trao.
Vậy mà, anh lại sắp có sách mới ra, tập hợp những câu chuyện viết chỉ trong hơn hai tháng, vẫn trực tiếp như kể chuyện chơi, bằng iphone, chưa từng đưa “cúng phây”, mà “kể” theo lời hứa với một người bạn, đã là lời hứa thì với Người Chơi Mai Lâm, sẽ quan trọng hơn bất cứ bản hợp đồng nào.
Cái đặc biệt thú vị trong những tản văn, những câu chuyện của Mai Lâm, đó là những khắc họa sống động về một thế giới anh hiểu nhất, thế giới cũng không nhiều người có kinh nghiệm, bởi đó là những… tay chơi Hà Nội.
Nếu qua cụ Vương Hồng Sển bạn đọc có biết tường tận về những lớp lớp rong chơi kỳ khu Sài Gòn, thì qua Mai Lâm, người ta biết tới một kiểu bận rộn, ấy là bận… Chơi rặt công tử Hà thành vắt nửa thế kỷ 20, một thời kinh tế sa sút. Và sau đó, là một kiểu Chơi của những con người thật đặc biệt, của những vùng đất khác mà đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Tay chơi mỗi vùng, chất chơi của từng thành phố rất khác biệt. Như dân Pa-ri sẽ khác dân Mạc-xây, như dân Béc-lanh có khác dân Ham-buốc, bởi trước tiên, do văn hóa vùng miền mà họ đã sống, đã thấm đẫm.
Đã già nửa đời người sống nơi đất khách, còn nhiều hơn cả thời gian sống với cái mảnh đất Hà Nội mà Người Kể Chuyện cứ chung tình kia. Vậy nên, Hà Nội trong lòng Mai Lâm là như thế nào?
“Khi tôi vừa được hỏi cũng thoáng nghĩ: Hải Phòng đối với người Hải Phòng thế nào nhỉ? Đất Thái Bình với người Thái Bình thì thế nào nhỉ? Là quê hương rồi, nhưng mà cũng không hoàn toàn như thế. Tại vì mỗi vùng đất khi mình ở, rõ ràng bản sắc và văn hóa của nó ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến mình từ khi thơ bé.
Với tôi, Hà Nội giống như cuộc sống của mình. Không hiểu sao cái trí nhớ của mình kinh khủng lắm, không thể chỉ nói là quê hương đơn thuần được, mà mình có thể viết về nó bất tận. Và cái dấu ấn của nó thật đồ sộ và mãnh liệt. Thành ra tôi có viết thì cũng chỉ viết về Hà Nội. Cả cái cuốn mới này dù có tên khác thì cũng là viết về Hà Nội. Hầu hết là tất cả những gì mình có đều gắn liền với Hà Nội. Vì bạn bè, gia đình, ký ức của mình ở đấy, Nếu tôi có ở Thái Bình thì tôi cũng sẽ viết về Thái Bình. Nó là của mình, nên mình viết rất dễ. Viết về những thú ăn chơi tôi cho đấy là một đề tài bất tận, Nhưng khi đi thật sâu vào thì nó không chỉ là một thú ăn chơi. Nó còn là văn hóa”- Mai Lâm nói.
Nhận xét về anh, nhà văn Lê Minh Hà, người Việt ở Đức cho rằng “ít thấy người viết nào dẫu ngoài đời cũng thế lại nói được hay đến thế về sự chơi. Chơi như là hành một cách thể sống, chơi như một nghệ thuật tầm người”.
Những người đồng cảm với những trang tản văn, những câu chuyện của anh, phải nói rằng dường như họ có được chia sẻ một nỗi nhớ về quê hương, và những tâm tư của người phải sống cách xa nơi chôn rau cắt rốn của mình?
Mai Lâm: Có khuây khỏa, cũng như có những người xa Hà Nội mà đọc truyện của mình thì nhớ thời thơ bé của họ, hay nhớ lại Hà Nội. Vì với tôi, quê hương là vỉa hè, quê hương là máy nước… thôi. Cũng ví như có người ở Thái Bình thì quê hương là dòng sông. Quê hương là những gì cụ thể, như là rau thơm, không cần nói gì xa xôi cả. Ngày xưa đi sang Nga biểu diễn mấy tháng, người tôi cứ ngơ ngẩn thế nào ấy. Nhưng sau 3 tháng rưỡi về ăn cơm, mới phát hiện ra mình thiếu gì: đó là thiếu nước mắm. Đấy là quê hương thôi! Hồi ở bên Đông Đức, không được về như bây giờ, hai, ba năm liền không ăn rau thơm. Đến khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất, có những cửa hàng người ta bán đồ châu Á, mình lần đầu tiên được nhấm lại cọng rau thơm, mà nước mắt rưng rưng. Đấy là quê hương. Cái sự viết của tôi là như thế, nó tự nhiên, như tôi viết ở một trong năm cuốn này là: nếu tôi được sống ở Hà Nội có lẽ tôi không viết gì, bởi vì tôi thích sống hơn là viết về cuộc sống. Đối với mình chuyện viết lách đến hoàn toàn tự nhiên như thế.
Những chất liệu sống trong những tập “Từ xa Hà Nội”, lưu giữ những lát cắt, những ký ức rất khó quên…
- Quyển 1 cho đến bây giờ nhiều người thích, là chất liệu ngồn ngộn. Mình viết về những nhân vật của Hà Nội thời bấy giờ, ví dụ có những người gọi là Lưu Linh của Hà Nội. Ông Lưu Linh không có cái tài gì ngoài cái tài uống rượu mà thành danh. Những người tài tử chỉ chơi thôi, thực ra rất hay. Mà Hà Nội cũng có những người như thế. Chỉ thành danh nhờ uống rượu, hoặc là bán rượu. Hay là viết về những nhà thơ như Phùng Quán. Phùng Quán thì nhiều người viết lắm. Nhưng gia đình tôi có cái may mắn, do bố dượng tôi (nhà báo Cao Nhị) chơi rất thân với những bạn bè văn chương thời đó: Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Dương Tường… tất cả đều có những mối quan hệ gần gũi với gia đình. Mình viết về họ với tâm thế nhớ về người bạn cũ của bố mình, mà hồi đấy mình rất ngưỡng mộ. Thế nhưng không bao giờ mình nghĩ là để in cả. Và một phần nó cũng hay ở chỗ mình viết đầy ngẫu hứng, và cái sự viết mà anh không định in ấy nó khác. Bốn tập về sau cũng khác với tập một. Viết mà không định in vì nghĩ viết xong nó trôi đi thôi và mình cũng không đọc lại nữa. Mình không ngờ nó còn ở dòng thời gian đó. Hầu như tôi không sửa chữa gì cả, đưa tất cả vào in luôn ở tập một.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mai-lam-nguoi-ke-chuyen-tu-xa-ha-noi-555572.html