Mái nhà chung của người nghiện ma túy và bệnh nhân tâm thần

Năm 2017, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ chính là chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần kinh nặng và cắt cơn, giải độc, phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy. Cũng từ đó đến nay, trung tâm trở thành mái nhà chung của những người nghiện ma túy và bệnh nhân tâm thần...

 Người cai nghiện học nghề làm ghế nhựa tại trung tâm - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Người cai nghiện học nghề làm ghế nhựa tại trung tâm - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Xem người tâm thần như người thân

Một buổi sáng giữa tháng Bảy, bên trong các gian phòng rộng rãi của khu chức năng, có 2 lớp học đặc biệt đang diễn ra. Đó là lớp học làm hoa giấy, hoa nhựa dành cho người bệnh tâm thần và lớp làm ghế nhựa từ sợi tổng hợp dành cho người cai nghiện.

Tại lớp học làm hoa giấy, hoa nhựa, các học viên ngồi ngay ngắn theo từng dãy bàn. Mỗi bàn có một giáo viên hướng dẫn để tạo ra một chậu hoa giấy hoàn chỉnh. Nhìn cách các học viên chăm chú, tỉ mẩn làm theo từng công đoạn mà giáo viên hướng dẫn, không ai có thể nghĩ rằng, đây từng là những người bị bệnh tâm thần nặng đến rất nặng.

Phòng cạnh bên là lớp học làm ghế nhựa dành cho các học viên cai nghiện. Lớp học được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 3-4 người. Thầy giáo sẽ đến từng nhóm để hỗ trợ những công đoạn khó. Mặc dù đây là lần đầu tiên được học nghề nhưng các học viên đều tỏ ra rất hứng thú.

“Trước kia, ở ngoài xã hội, tôi không nghĩ mình sẽ làm được những vật dụng như thế này. Sau này, tôi sẽ tự làm bàn ghế để sử dụng trong gia đình. Nhờ lớp học nghề mà tôi thấy mình có ích hơn”, một học viên cai nghiện nói. Đoạn, anh tiếp tục cùng các bạn làm nốt công đoạn cuối cùng để hoàn thành chiếc ghế nhựa. Trước khi đến lớp học, chúng tôi đã được cán bộ trung tâm giới thiệu nhiều bộ bàn ghế bằng nhựa rất đẹp do chính các học viên của trung tâm làm ra.

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị Trần Văn Thành không giấu được niềm vui khi thấy các học viên cai nghiện và người bệnh tâm thần ngày càng tiến triển trong điều trị.

“Tháng 6/20217, trung tâm được thành lập với 16 cán bộ. Tuy nhiên, khi áp dụng Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do vướng mắc, chồng chéo thủ tục nên lúc bấy giờ không nhận được người vào cai nghiện. Trước thực tế đó, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương kịp thời, nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Từ tháng 6/2018, tỉnh tổ chức tiếp nhận 20 người tâm thần để chăm sóc, chữa trị. Trong số 20 người này, có 10 người được chuyển từ thành phố Huế ra, 10 người còn lại nhận từ cộng đồng”, ông Thành nhớ lại.

 Cán bộ trung tâm hướng dẫn người tâm thần làm hoa giấy, hoa nhựa -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Cán bộ trung tâm hướng dẫn người tâm thần làm hoa giấy, hoa nhựa -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Đến nay, trung tâm điều trị cho 85 người tâm thần, trong đó có 3 trường hợp đã tái hòa nhập cộng đồng. Theo ông Thành, điều cơ bản nhất để chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần là thấu hiểu về mặt tâm lý, phải xem họ như người bạn, người thân trong nhà.

Vì tính khí người tâm thần luôn thất thường nên trong quá trình điều trị cần phải nhẹ nhàng từ việc nhỏ nhặt nhất. Tuy nhiên, cũng cần phải có kỷ luật, nghiêm khắc khi cần thiết. Cùng với đó là phác đồ điều trị phù hợp sẽ giúp người bị tâm thần cải thiện sức khỏe, dần ổn định cảm xúc, tâm trí.

Hầu hết, những bệnh nhân tâm thần nặng không nhận thức được hành vi của mình, cũng không biết tự vệ sinh cá nhân. Vì thế, cán bộ, nhân viên của trung tâm phải làm vệ sinh cá nhân cho họ, kể cả việc tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh...

“Có hôm, tôi đang tắm cho một bệnh nhân nam thì người yêu gọi điện thoại đến. Tôi nói thật là đang tắm cho bệnh nhân. Ban đầu, anh ấy không vui, nhưng sau đó cũng dần thấu hiểu cho công việc của tôi”, một nữ cán bộ kể.

Làm thầy giáo trước khi làm quản giáo

Để tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong quy định của Chính phủ về việc nhận người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện tập trung, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản về quy chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan. Trong đó, khâu quan trọng nhất là tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục gia đình và người nghiện ngay từ cơ sở. Tháng 6/2019, trung tâm tiếp nhận 10 người nghiện ma túy ở huyện Hướng Hóa, 20 người ở thành phố Đông Hà vào cai nghiện tập trung.

Đối với người nghiện ma túy, trung tâm có những quy chế, quy định cụ thể. Trong quá trình cắt cơn, giải độc, phục hồi chức năng, trị liệu cho người nghiện ma túy, các cán bộ, nhân viên của trung tâm vừa quan tâm, vừa cứng rắn, nghiêm khắc. Theo phác đồ, sau 15-20 ngày điều trị, người nghiện có thể cắt cơn. Sau đó, họ sẽ tham gia lao động, dần xóa bỏ mặc cảm và mở lòng với cán bộ, nhân viên trong trung tâm.

Đều đặn mỗi tuần, trung tâm sẽ tổ chức 1-2 buổi nói chuyện, tâm sự với người cai nghiện để nghe họ tâm sự, trải lòng về cuộc sống gia đình và những ước mơ của mình. Tiếp đó, cán bộ, nhân viên trung tâm phổ biến những quy định của pháp luật, tấm gương vượt khó xây dựng cuộc sống nhằm động viên, khích lệ người nghiện sớm cắt cơn, rèn luyện để có sức khỏe tốt hơn, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

“Theo quy định thì thời gian tái hòa nhập cộng đồng của người cai nghiện là từ 12-24 tháng. Tuy nhiên, thời gian qua, tại trung tâm hầu hết người nghiện có thể tái hòa nhập cộng đồng sau 12 tháng cai nghiện tập trung. Để làm được điều đó, chúng tôi đặt ra quy định, trong thời gian cai nghiện, nếu người nghiện nghiêm túc chấp hành cai nghiện và làm tốt mọi việc trong thời gian 3 tháng liên tục thì sẽ được bình xét và trao giải thưởng là giảm thời gian cai nghiện bắt buộc. Tôi luôn quán triệt với các cán bộ, nhân viên rằng, mình phải làm thầy giáo của họ trước khi làm quản giáo. Bởi khi đã vào cai nghiện tập trung, người nghiện không chỉ cai nghiện, lao động để rèn luyện sức khỏe mà còn được hướng dẫn, dạy nhiều nghề mới, kiến thức mới có thể áp dụng vào cuộc sống sau này khi hòa nhập cộng đồng”, ông Thành cho hay.

 Bệnh nhân tâm thần học nghề làm hoa giấy, hoa nhựa tại trung tâm - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Bệnh nhân tâm thần học nghề làm hoa giấy, hoa nhựa tại trung tâm - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Từ năm 2020 đến nay, trung tâm tiếp nhận 150 lượt người nghiện ma túy vào cai nghiện tập trung, trung bình mỗi năm nhận từ 60-80 người. Thông thường, sau khi hết thời gian cai nghiện tập trung, trung tâm sẽ trao đổi với các gia đình để tránh tình trạng tái nghiện.

Để cắt đứt con đường tái nghiện thì sau khi hoàn thành quá trình cai nghiện tập trung, người nghiện phải được cách ly hoàn toàn với môi trường không lành mạnh từ 5-6 năm. Đặc biệt, trung tâm thành lập hội phụ huynh gia đình có người cai nghiện. Mỗi tháng, trung tâm tổ chức một cuộc họp với hội phụ huynh để trao đổi, trò chuyện, nắm bắt tâm tư của gia đình. Hiện nay, trung tâm đang cai nghiện tập trung cho 29 trường hợp và tạm dừng tiếp nhận người cai nghiện vì COVID-19.

“Mặc dù trung tâm vẫn còn nhiều khó khăn, như thiếu cán bộ (hiện có 49 cán bộ), cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn... nhưng chúng tôi luôn cố gắng tạo môi trường tốt nhất có thể để người bệnh tâm thần và người cai nghiện yên tâm điều trị, rèn luyện sức khỏe, từ đó có thêm động lực để phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng”, ông Thành chia sẻ với chúng tôi như vậy lúc chia tay.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=160116&title=mai-nha-chung-cua-nguoi-nghien-ma-tuy-va-benh-nhan-tam-than