Mai Thị Nương - tấm gương kiên trung

Mai Thị Nương là tấm gương trung dũng, quật cường của quân và dân Giồng Riềng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mai Thị Nương (bí danh Hồng Hạnh) sinh năm 1938 tại xã Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng). Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Gia đình chị là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động.

Là con út trong gia đình, ba má, anh chị chỉ mong muốn Hồng Hạnh ở nhà giúp việc gia đình, không cho theo cách mạng vì sợ con mình gian khổ nhưng từ nhỏ Hồng Hạnh sống trên mảnh đất nóng bỏng của chiến tranh, đã chứng kiến biết bao tội ác của bọn cướp và bọn bán nước đối với nhân dân ta. Năm 1957, Hồng Hạnh giấu ba má, anh chị để tham gia hoạt động cách mạng.

Thường xuyên tiếp xúc với cán bộ lui tới gia đình, chị được đồng chí Nguyễn Văn Bớt (Tư Thắng) giao làm đội viên quân báo và tổ chức gọi bí danh Hồng Hạnh từ đó. Được giao nhiệm vụ, Hồng Hạnh thường xuyên nắm tình hình bọn địch đi càn để kịp thời báo cáo cho cán bộ và cơ sở cách mạng. Chị được đồng chí Lê Văn Vĩnh (bí danh Ba Trấn ) - Bí thư xã Thạnh Hòa giao nhiệm vụ canh gác cho cán bộ hội họp và đưa thư, tài liệu… Nhiệm vụ nào chị cũng hoàn thành xuất sắc.

Hàng đêm, đợi cả nhà ngủ say, Hồng Hạnh lấy mền phủ lên chiếc gối dài giả như người đang nằm ngủ rồi xuống bến lấy xuồng một mình xuôi ngược trên dòng sông Cái Bé. Nhiều lần gặp phải dông gió hoặc đụng địch biệt kích, Hồng Hạnh bình tĩnh, khôn khéo vượt qua lưới giặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với thành tích và phẩm chất vững vàng của chị, tháng 6-1958, Hồng Hạnh được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Chị được tổ chức phân công, chịu trách nhiệm tổ chức một đội vũ trang diệt ác bí mật ở đồn Cò Tuất. Thực hiện chủ trương của chi bộ, Hồng Hạnh đã tổ chức vũ trang diệt ác, cho những tên tề điệp ác ôn ăn nhậu rồi bắt cóc đem ra ngoài hỏi tội. Tên nào có nhiều nợ máu thì phải đền tội như tên ác ôn Nước và một số tên khác, còn tên nào ít nợ máu thì giáo dục, răn đe rồi thả, từ đó địch bớt hung hăng, lộng hành.

Gia đình thương kể về Mai Thị Nương.

Gia đình thương kể về Mai Thị Nương.

Đầu năm 1959, một hôm trên đường công tác từ ấp Thạnh Bình qua sóc Mò Om về kênh Cai Chương, Hồng Hạnh bị địch phục kích, bắt giữ. Chúng đem chị về Kiên Bình để điều tra. Chị đã khôn khéo một mực không khai, chị nói với bọn chúng là chị bị gia đình ép gả chồng nên phải trốn nhà đi.

Trước thái độ bình tĩnh, cứng cỏi trước sau như một của chị bọn địch phải thả chị về. Sau lần bị bắt đó tổ chức quyết định rút Hồng Hạnh vào hoạt động bí mật. Chị được phân công trực tiếp phụ trách đội vũ trang diệt ác với chức vụ đội trưởng đội vũ trang kiêm Bí thư Chi đoàn xã Thạnh Hòa.

Với cương vị mới, Hồng Hạnh tích cực hoạt động để đáp lại niềm tin của Đảng, của tổ chức.

Đầu tháng 9-1960, trong lúc Hồng Hạnh cùng với đội vũ trang họp bàn kế hoạch tổ chức diệt ác thì bị bọn biệt kích do tên Võ Văn Sang cầm đầu bí mật bao vây.

Hồng Hạnh cùng đội vũ trang đánh trả quyết liệt bằng lựu đạn và vũ khí thô sơ, làm 2 tên địch bị thương. Biết lực lượng và vũ khí của ta không đủ chống cự lại địch, Hồng Hạnh ra lệnh cho đồng đội rút lui, còn đồng chí chạy ra đồng đánh lạc hướng. Bọn địch phát hiện Hồng Hạnh, bèn lo đuổi bắt nên toàn bộ đồng đội của chị được rút lui an toàn. Hồng Hạnh bị địch bắt sống.

Sau khi bị bắt, Hồng Hạnh bị chúng đưa về Chi khu Kiên Bình và giam trong hầm tối. Hôm sau chúng bắt đầu khai thác chị. Lúc đầu, chúng dùng thủ đoạn dụ dỗ hòng để chị khai báo nhưng vẫn không nhận được lời nào từ chị. Chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn chị.

Sau hơn một tháng tra tấn, nhục hình, địch không khai thác được gì ở chị. Trước thái độ bình tĩnh, kiên cường của Hồng Hạnh, địch biết sẽ không thể nào lay chuyển được tinh thần người cộng sản. Cuối cùng bọn chúng giết hại chị vô cùng man rợ.

Ngày 12-10-1960, địch đưa Hồng Hạnh lên đồn cảnh sát Chi khu Kiên Bình. Chúng đóng cọc rồi trói căng hai tay, hai chân của chị xuống nền nhà. Chúng đặt chảo mỡ đang sôi bên cạnh để áp đảo tinh thần và bắt đầu tra khảo.

Tên ác ôn Võ Văn Sang nói: “Lần này nếu không khai, tao ăn thịt mầy”. Tên Sang và đồng bọn vẫn thường moi gan, móc mật, ăn thịt người. Hồng Hạnh vẫn hiên ngang, tỉnh táo nói thẳng vào mặt chúng: “Tao đi làm cách mạng để phục vụ nhân dân và Tổ quốc tao, chẳng may tao sa vào tay bọn bây, tao là đảng viên cộng sản thà chết chứ không chịu đầu hàng”.

Tên ác ôn Sang cay cú, lồng lộn như thú dữ, giật dao trên tay đồng bọn nhảy tới thẻo thịt, thẻo tai của chị quăng vào chảo mỡ đang sôi, rồi bọn chúng cùng nhau ăn nhậu bằng thịt của chị. Quá đau đớn, Hồng Hạnh ngất đi.

Lúc chị tỉnh dậy, tên quận trưởng giở trò dụ dỗ ngọt ngào: “Cô chỉ cần nói vài lời, tôi sẽ cho cô đi Mỹ, thân thể lại khôi phục đẹp đẽ như xưa”. Hồng Hạnh tỏ vẻ khinh bỉ và nói thẳng với tên quận trưởng rằng: “Người cộng sản không biết phản bội Đảng, phản bội đồng bào mình. Tao chết đi sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người khác đứng lên tiêu diệt bọn bây”, rồi Hồng Hạnh hô to khẩu hiệu: “Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”. Bọn địch không giấu được nỗi khiếp sợ và khâm phục trước ý chí sắt đá của Hồng Hạnh…

Hồng Hạnh hy sinh anh dũng, nhưng bọn giặc hèn hạ đã thủ tiêu mất xác chị. Nhân dân trong huyện và các vùng lân cận vô cùng căm phẫn; rất xúc động, thương tiếc và kính phục một con người trung hiếu, một đảng viên kiên trung, tiết liệt.

Hồng Hạnh đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất quê hương Giồng Riềng. Sự hy sinh anh dũng, kiên trung của Hồng Hạnh đã nói rõ tội ác của quân bán nước, cướp nước đối với nhân dân ta. Kẻ thù những tưởng lấy bạo lực dã man để khuất phục dân ta nhưng tội ác của chúng làm ngọn lửa cách mạng bùng lên dữ dội.

Cũng chính sự hy sinh anh dũng, kiên trung của Hồng Hạnh thúc đẩy các cuộc đấu tranh cách mạng tiến thêm một bước mới. Hàng loạt các cuộc đấu tranh liên tiếp đã nổ ra, đồng bào, đồng chí của Hồng Hạnh ở huyện Giồng Riềng và Kiên Giang đã trả thù cho chị.

Đại đội ác ôn của tên Võ Văn Sang đền tội sau đó không lâu trước mũi súng của nhân dân Giồng Riềng và Tiểu đoàn 207 của ta. Hồng Hạnh thực sự là hiện thân của truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, là gương sáng cho thế hệ sau noi theo. Mai Thị Nương được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20-12-1994.

BÍCH THÙY

(Nội dung dựa trên tài liệu lý lịch chỉnh sửa bổ sung di tích lịch sử nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương (Hồng Hạnh) và lời kể của gia đình, một số nhân chứng lịch sử được Ban Tuyên giáo Huyện ủy Giồng Riềng thẩm định)

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/le-hoi/mai-thi-nuong-tam-guong-kien-trung-22717.html